ClockThứ Ba, 10/01/2023 07:00

Chủ động phương án chuẩn bị đón khách Trung Quốc

TTH - Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới, dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát COVID-19. Đây là tin vui với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Tăng cường quảng bá & tạo thêm sức hút cho Đại Nội

Du khách quốc tế đến tham quan Cố đô Huế

Chuẩn bị tâm thế đón khách

Trước khi có dịch COVID-19, hàng năm khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chiếm đến 1/3 trong thị phần khách quốc tế. Khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc đóng cửa biên giới đã để lại “khoảng trống” cho thị trường du lịch Việt Nam. Vì thế, ngay khi nhận thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới, các đường bay thương mại được nối lại, ngành du lịch cả nước đã nhanh chóng lên kế hoạch để đón khách trở lại, trong đó có Huế.

Ông Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên tỉnh cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin khách Trung Quốc sẽ trở lại Việt Nam, người làm du lịch rất trông chờ và kỳ vọng. Có thể Huế không quá “sốt ruột” như những điểm đến trong nước mà lâu nay luôn thu hút lượng lớn khách Trung Quốc (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa), nhưng việc thị trường hơn 1,5 tỷ dân có tín hiệu phục hồi có vai trò rất lớn trong kích thích nhu cầu toàn bộ thị trường khách quốc tế. Ở chiều ngược lại, các tour du lịch đến đất nước Trung Quốc cũng sẽ được các doanh nghiệp tính toán mở lại trong thời gian đến. Trung Quốc luôn là một trong những điểm đến yêu thích của khách ở Huế.

Theo ông Huy, khó khăn nhất hiện nay là thiếu các thông tin cụ thể, liên quan đến việc đón khách Trung Quốc đến Việt Nam và những điều kiện ngược lại khi đưa khách Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp chỉ biết là Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1, còn các thông tin liên quan như yêu cầu về phòng, chống dịch, xuất, nhập cảnh… hoàn toàn mơ hồ. Các chuyến bay được nối lại khi nào và những điểm nào được mở lại đầu tiên cũng chưa nắm rõ. Vì thế, tâm thế của doanh nghiệp hiện tại là không dám làm gì, chờ đợi những hướng dẫn mới hơn từ Chính phủ và của tỉnh.

Khách nói tiếng Hoa đã quay trở lại Huế thời gian qua

Bị động trong việc đón khách Trung Quốc trở lại là tình cảnh chung của cả nước nói chung và Huế nói riêng. Dù thế, theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, thuận lợi của Huế hiện tại là thời gian qua đã có nhiều khách Đài Loan. Hay khách nói tiếng Hoa đến từ Singapore và Malaysia cũng đến Huế thời gian qua. Các doanh nghiệp, dịch vụ du lịch đã triển khai; nhiều hướng dẫn viên tiếng Hoa đã quay trở lại phục vụ khách… nên cơ bản khi khách Trung Quốc quay trở lại sẽ có phần không quá bỡ ngỡ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, Huế không phải là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc. Vì vậy, cần tập trung các dịch vụ phù hợp cho các thị trường trọng điểm của Huế hiện nay là châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á. Đây là ý kiến có cơ sở, tuy nhiên với thị trường hơn 1,5 tỷ dân như Trung Quốc luôn được đánh giá là rất tiềm năng, nên Huế cần chủ động, có các phương án kết nối, đón khách đến với Cố đô.

Nắm bắt nhu cầu để đón đầu

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức bàn thảo về những giải pháp mới để khách Trung Quốc trở lại. Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách Trung Quốc có đặc thù là thích du lịch ở những điểm nghỉ dưỡng có phong cảnh đẹp, gắn với biển và ăn hải sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau dịch, nhu cầu của du khách có sự thay đổi, như không đi đoàn lớn nên các doanh nghiệp cần quan tâm để điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, mặc dù đã mở cửa biên giới cho phép người dân đi du lịch, nhưng dự báo Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng trong phòng, chống dịch nên có thể bất ngờ đóng cửa trở lại. Vì vậy, các cơ quan quản lý về du lịch phải luôn bám sát thông tin độ mở cửa thị trường Trung Quốc.

“Cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thông tin thông suốt, đồng bộ, chính xác, giúp các doanh nghiệp có những bước đi đúng. Phía các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu mới. Lúc này, các doanh nghiệp cần chờ đợi các chính sách mới giữa hai quốc gia, về visa, thủ tục nhập cảnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tránh chạy theo số lượng với các tour giá rẻ, giá nào cũng làm”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngay sau khi thông tin khách Trung Quốc sẽ quay trở lại, ngành đã trao đổi với các doanh nghiệp và các chuyên gia để nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của khách Trung Quốc trong thời gian đến để đón đầu. Ngành cũng trao đổi với hai điểm đến đầu tiên là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để nối tuyến đến Huế. Ngành cũng đề nghị các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực, nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch. Đặc biệt là một số điểm nghỉ dưỡng gắn biển, đầm phá như Laguna Lăng Cô và Vedana Lagoon chuẩn bị dịch vụ, chủ động marketing sao cho hiệu quả nhất.

Việc đón khách Trung Quốc trở lại vẫn còn chưa rõ ràng, phải chờ đợi những chính sách, giải pháp của các cấp cao hơn. Trong giai đoạn này, bên cạnh vừa khai thác những thị trường truyền thống, ngành du lịch Huế cũng có những “kịch bản” với khách Trung Quốc. Vì tính chủ động vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Chuẩn bị cho một khởi động mới

Từ ngày 1/1/2025, huyện Phong Điền trở thành thị xã khi Nghị quyết (NQ) số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 -2025 có hiệu lực. Trước vận hội mới, Phong Điền đã chuẩn bị tâm thế để tăng tốc phát triển bền vững.

Chuẩn bị cho một khởi động mới

TIN MỚI

Return to top