ClockThứ Hai, 03/07/2017 05:31

Cần chủ động phối hợp quảng bá với các “ông lớn”

TTH - Khi nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp (DN) du lịch trong tỉnh cho việc quảng bá còn khá hạn chế, việc chủ động phối hợp với các DN lớn trên cả nước được xem là giải pháp bắt buộc.

Ngành du lịch Huế làm việc với Công ty Bến Thành Tourist (Ảnh Sở Du lịch cung cấp)

Quên những “đối tác” lớn

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch, gần đây, ngành nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ phía các DN trên địa bàn. Nhận thức của nhiều DN thay đổi, một số DN còn chủ động phối hợp, chứ không như trước đây thường “lơ” khi được đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, trong các hội chợ du lịch trong và ngoài nước gần đây đều có sự tham gia khá đông đủ DN, cả lữ hành và lưu trú. Có DN còn “chịu chơi”, đưa cả đoàn nhân viên đi để quảng bá chung cho ngành du lịch Huế.

Ngoài các chi nhánh, văn phòng đại diện, DN du lịch của Huế đa số vừa và nhỏ, nguồn lực kinh tế không mạnh. Các chi nhánh thường đứng ngoài “cuộc chơi” vì họ đã có tổng công ty thực hiện công tác xúc tiến quảng bá. Trung tâm Xúc tiến du lịch cho biết, với nguồn lực đang có, việc quảng bá trong nước và một số nước trong khu vực Đông Nam Á được thực hiện khá tốt. Nhưng vẫn chưa thể tăng tần suất quảng bá đến các thị trường mới, tiềm năng như ở châu Âu hay châu Mỹ, và nếu có thì cũng chỉ theo dạng “ký gửi” Tổng cục Du lịch như nhiều năm qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng hiệu quả việc quảng bá, du lịch Huế cần phải chủ động đến “gõ cửa” từng DN lớn, như: Saigontourist, Vietravel, Công ty Du lịch Việt, Bến Thành Tourist… và đặt vấn đề cho sự phối hợp. Với nguồn kinh phí vào khoảng 3-5% doanh thu hằng năm để xúc tiến quảng bá thì các DN lớn hầu như có thể quảng bá đến các thị trường mong muốn. Như quảng bá đến các dòng khách đi tàu biển, du lịch Huế không đủ nguồn lực để thực hiện, cách hiệu quả hơn hết là phối hợp với Saigontourist. Xã hội hóa là điều bắt buộc, nhưng chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương thì e khó mà có những đột phá.

Ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Huế cho biết, đối với chi nhánh chủ yếu có chức năng giao dịch với khách đặt tour. Còn việc quảng bá, đánh giá thị trường… là do tổng công ty thực hiện. Ngành du lịch Huế có những phối hợp quảng bá thì phải làm việc với tổng công ty.

Sở Du lịch nhìn nhận, các DN du lịch hàng đầu hiện nay chính là những đối tác lớn mà du lịch Huế đã “bỏ quên” trong nhiều năm qua. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch cho hay, qua những chuyến hội chợ đầu năm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch đã có những cuộc làm việc với các hãng lữ hành hàng đầu trong nước, để đặt vấn đề phối hợp. Trong các cuộc làm việc đó, các hãng lữ hành cho rằng “Huế đơn điệu các sản phẩm” nên họ ít có lựa chọn trong thiết kế tour tuyến, dẫn đến không đưa Huế vào các kế hoạch quảng bá.

Khi nghe ngành du lịch Huế giới thiệu một loại sản phẩm du lịch ngoài di sản, các DN lớn hai đầu đất nước cho rằng, những thông tin này chỉ mới biết đến. Vì sao các sản phẩm hấp dẫn như thế, đã khai thác một thời gian dài mà Huế lại không tăng cường quảng bá để các DN biết và chủ động đưa vào tour tuyến.

Du khách đi tàu biển cập cảng Chân Mây 

Cần chủ động hơn

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhấn mạnh, trong phát triển du lịch, quảng bá là công tác quan trọng hàng đầu. Chỉ khi quảng bá hiệu quả mới tiến tới hoàn thiện các dịch vụ, tăng cường chất lượng. Có một quan điểm chưa đúng của du lịch Huế về quảng bá du lịch và cần thay đổi là chỉ cần làm tốt sản phẩm, đầu tư dịch vụ thì sẽ có khách đến. Sự thật không phải vậy, làm tốt mà không để cho du khách biết thì làm sao họ đến Huế để sử dụng các dịch vụ đó.

Đơn cử như du lịch tàu biển, ngành du lịch Huế rất quan tâm, đẩy mạnh khai thác. Nhưng có một con số từ cảng Chân Mây sẽ khiến nhiều người không thể tin. Gần đây, một chuyến tàu biển đưa hơn 4.000 khách cập cảng Chân Mây; trong đó, 2.500 xuống tàu đi tham quan, nhưng chỉ có 18 khách đi TP. Huế, còn lại đi Đà Nẵng và Hội An. Trong khi đó, các báo cáo thống kê về lượng khách vẫn ghi đủ 4.000 khách tàu biển đến Huế. Đó đúng là con số đến Huế, nhưng chỉ điểm dừng chân, chứ hiệu quả và mức độ tiêu tiền của khách tàu biển cho Huế gần như không đáng kể. Nguyên nhân được phía DN chuyên khai thác du lịch tàu biển là trong tay họ, Huế chỉ có một tour tham quan di sản, còn các địa phương khác có đến 4-5 tour.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, trong các cuộc làm việc với DN ở hai đầu đất nước, khi nghe họ nói du lịch Huế đơn điệu, chỉ có di sản, thiếu các sản phẩm khác thì các thành viên đi theo đoàn đã phải “giật mình”. Đây là tồn tại mà ngành du lịch cần sớm khắc phục. Thời gian đến, sự chủ động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên hơn. Ngành sẽ chủ động cung cấp thông tin cho các lữ hành này biết để có sự quảng bá hiệu quả.

Xã hội hóa luôn từ hai phía và cùng nhau có lợi, khi các DN bỏ kinh phí hỗ trợ thì họ phải được quyền lợi nào đó. Trong kinh doanh sẽ không có từ gọi là “giúp không công”. Ông Đinh Mạnh Thắng góp ý, về lâu dài, cần thu hút được các “ông lớn” về Huế, khi đó sự phối kết hợp được thường xuyên và chặt chẽ hơn. Để thu hút, ngành du lịch Huế cần có những cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho họ về thuế, mặt bằng… đổi lại họ sẽ quảng bá cho Huế và đưa khách về tiêu tiền.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây

Sáng 9/1, Sở Du lịch phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến TP. Huế bằng đường hàng hải năm 2025. Tham dự chương trình đón chuyến tàu có ông Hoàng Hải Minh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế.

Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025

Sáng 1/1, Sở Du lịch TP. Huế chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, Cảng HKQT Phú Bài và Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Huế, Pacific Airlines tổ chức chương trình chào mừng chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP Huế năm 2025

TIN MỚI

Return to top