ClockChủ Nhật, 19/01/2025 10:52

Kỳ vọng những đường bay hút khách

TTH - Để thu hút khách và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, việc nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, phát triển các đường bay là yêu cầu quan trọng bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch.

“Mở cửa” bầu trời, thuận lợi di chuyểnXúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình (bìa phải) tặng hoa cho những du khách quốc tế đầu tiên đến Huế năm 2025 bằng đường hàng không

Cần đa dạng các đường bay

Có mặt trong những lần đón các chuyến bay quốc tế, cảm xúc trong tôi và những người làm du lịch đều rất phấn khởi và đầy kỳ vọng. Kể từ khi Nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài được đưa vào khai thác (tháng 4/2023), câu chuyện sân bay quốc tế mà thiếu chuyến bay quốc tế đã khác. Huế đã khai thác các đường bay Huế - thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Huế - Seoul (Hàn Quốc), Huế - Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) thông qua các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến).

Tuy nhiên, số lượng các chuyến bay và đường bay kết nối Huế và các thị trường khách quốc tế chưa phải quá lớn. Một thông tin từ ngành du lịch cho biết, năm 2024, có khoảng 40 chuyến bay quốc tế đến và đi từ Cảng HKQT Phú Bài. Xét về công suất và đối chiếu vào những kỳ vọng, rõ ràng, con số ấy còn quá khiêm tốn.

Ở các đường bay trong nước, ngoài Huế - Hà Nội, Huế - TP. Hồ Chí Minh, ngành hàng không đã khai thác chuyến bay Huế - Đà Lạt, song, việc duy trì tốt chỉ là các chuyến bay ở hai đầu đất nước. Còn ở đường bay đến Đà Lạt, nơi có nhiều người con xứ Huế sinh sống và kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch thăm thân thì vẫn gặp khó khăn.

Sau giai đoạn dịch COVID-19, đến nay, du lịch đã phục hồi mạnh mẽ. Năm 2024, ngành du lịch Huế đón được gần 3,9 triệu lượt khách, tăng gần 22%; trong đó, có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 17%; khách nội địa tăng 25%. Tỷ trọng khách du lịch quốc tế chiếm gần 36% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Thị trường khách du lịch chủ yếu đến từ các thị trường: ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc. Đối với các điểm đến xa, lựa chọn du lịch đường hàng không dường như là tất yếu. Nhu cầu khách lựa chọn điểm đến Huế tăng lên thể hiện ở những con số thống kê về du lịch, nhưng việc chưa thể khai thác những đường bay thẳng đến và đi từ Huế ít nhiều để lại những trăn trở.

Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Huế, một trong những lo lắng là chiều về từ các nước có khách, song chiều đi từ Huế đến các thị trường quốc tế lại khó khăn. Để đảm bảo vận hành hiệu quả, lâu dài, các chuyến bay phải đảm bảo được lượng khách từ hai chiều.

Việc phát triển các đường bay mới cũng đòi hỏi yêu cầu về lượng khách. Ông Minh phân tích, kinh nghiệm từ các hoạt động xúc tiến, mở đường bay cho thấy, có 2 yêu cầu quan trọng đặt ra. Thứ nhất là sản phẩm du lịch. Mỗi thị trường khách có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Chẳng hạn, khách Trung Quốc thích các trải nghiệm tắm biển, thưởng thức hải sản và một số dịch vụ theo nhu cầu của họ. Điều này đặt ra yêu cầu phải có các sản phẩm, dịch vụ du lịch cho từng thị trường khách. Thứ hai là cơ chế, chính sách dành cho các đối tác. Việc mở các đường bay, đòi hỏi phải tổ chức các hội nghị gặp gỡ các tổng công ty lữ hành quốc tế để giới thiệu về thông tin du lịch và các cơ chế, chính sách hợp tác. Phía đối tác đặc biệt quan tâm những chính sách, cơ chế hợp tác phù hợp. Đó cũng là yêu cầu quan trọng hàng đầu quyết định việc khai thác, duy trì đường bay hiệu quả và có khách lâu dài.

Để du lịch sôi động

2025 được đánh giá là năm của du lịch Huế khi địa phương được trao quyền đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Với nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc, và công tác quảng bá, truyền thông rộng rãi, Huế đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 38 - 40% tổng lượt khách.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025, lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, định hướng sắp tới, sẽ tập trung chính sách triển khai xúc tiến mở đường bay từ Huế đi đến các thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, lãnh đạo TP. Huế, ngành du lịch đã tổ chức rất nhiều buổi làm việc, các chương trình để thúc đẩy hợp tác với ngành hàng không nhằm xúc tiến, mở đường bay. Liên kết giữa du lịch - hàng không cũng được thắt chặt hơn. Tuy nhiên, để hút khách đến Huế bằng đường hàng không, mở và duy trì được các đường bay mới trong nước cũng như quốc tế, phải giải quyết được các bài toán về sản phẩm và cơ chế, chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, thành phố xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 sẽ là cơ hội, nền tảng, một vận hội mới để phát triển du lịch. Thành phố đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách một cách bài bản, có chiến lược để phát triển du lịch. Trong đó, một trong những hướng đi quan trọng là tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, nâng cao chất lượng các phố đi bộ, tạo nên sự đa dạng và thú vị các hoạt động về đêm, ẩm thực tại các tuyến phố đêm để thu hút và giữ chân du khách. Bên cạnh đó, còn có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hợp tác, xúc tiến, mở các đường bay.

Ngành du lịch và cộng đồng các doanh nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu, dựa trên thị hiếu, nhu cầu du khách và các xu hướng du lịch mới, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Du lịch Huế lấy văn hóa - di sản làm nền tảng và có nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ, từ đó sẽ đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ.

Minh Tâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ vọng vươn tầm giá trị di sản văn hóa Huế

Trước vận hội mới, di sản văn hóa Huế giàu tiềm năng đứng trước ngưỡng lịch sử được cởi bỏ “tấm áo” gò bó để tỏa sáng giá trị lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới.

Kỳ vọng vươn tầm giá trị di sản văn hóa Huế
Kỳ vọng đưa đô thị Huế lên một tầm cao mới

Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, đánh dấu một thời khắc lịch sử. Một giai đoạn mới, kỷ nguyên mới đã mở ra. Trước thềm lễ công bố Nghị quyết (NQ) của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Thừa Thiên Huế cuộc phỏng vấn.

Kỳ vọng đưa đô thị Huế lên một tầm cao mới
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

TIN MỚI

Return to top