ClockThứ Ba, 05/03/2024 18:41

Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

TTH.VN - Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách bài bản để thu hút khách trong và ngoài nước.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏeXây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe Cố đôCần sự hợp lực từ nhiều phía

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại “Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend” năm 2023 do Sở Du lịch tổ chức

Tạo điểm nhấn từ sự khác biệt

Đầu tháng 3/2024, ngành du lịch tỉnh tổ chức fam trip “Thiên đường miền Trung” với hành trình Đà Nẵng - Cù Lao Chàm/Sơn Trà - Huế - Thanh Tân - Điện Kiến Trung - Đại Nam Thái Y Viện. Chương trình fam trip qua nhiều điểm du lịch phù hợp với xu thế liên kết vùng, song, đáng chú ý là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Huế mà các doanh nghiệp lữ hành trải nghiệm lần này sẽ được bán tour cho khách, bắt đầu từ ngày 9/3/2024.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, tại Huế, tour du lịch này lấy sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm chủ đạo, gắn kết với tham quan, khám phá di sản, văn hóa ở Huế. Tour du lịch sẽ được mở bán vào ngày thứ tư - thứ năm và thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. “Thời gian qua, chính quyền tỉnh và ngành du lịch luôn mong muốn phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với tài nguyên, lợi thế du lịch của Huế; bổ trợ cho sản phẩm chủ lực gắn văn hóa - di sản; quảng bá mạnh mẽ các thương hiệu chính của Huế là Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài, Huế - Thành phố lễ hội… Với nhiều lợi thế về dư địa và tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm được triển khai trong thời gian qua rất kỹ lưỡng và đến nay sẽ đưa vào khai thác phục vụ du khách”, lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ.

 Khách trải nghiệm dịch vụ spa tại Allba Thanh Tân

Lịch trình trải nghiệm là Thanh Tân - Cố đô Huế - Hop-on&Hop-off. Trong đó, tại Suối khoáng nóng Thanh Tân (Allba Thanh Tân), khách sẽ tham quan, thư giãn ngâm tắm khoáng nóng thanh lọc cơ thể tại khu du lịch Thanh Tân; nghe giới thiệu về lịch sử của nguồn suối khoáng nóng và vào rừng tham quan vườn hươu sao, trang trại, tham quan suối thiên nhiên; tự do trải nghiệm các hoạt động của khu du lịch. Khách cũng sẽ được tham gia các trò chơi công viên nước và trải nghiệm làm gốm, vẽ tranh trên đá … tại làng nghề; trải nghiệm xe 2 tầng mui trần (Hop-On Hop-Off) dạo quanh ngắm cảnh cố đô thơ mộng về đêm.

Trong hành trình này, khách còn được tham quan Điện Kiến Trung - công trình uy nghi, tráng lệ của Hoàng Cung Triều Nguyễn, đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Còn tại Đại Nam Thái Y Viện, ngoài tham quan, tìm hiểu về tinh hoa y học cổ truyền của dân tộc, nơi đảm bảo an toàn về y tế cho Vua, quan đại thần và Hoàng tộc Triều Nguyễn suốt 13 đời vua Nguyễn từ 1802-1945, khách còn được các lương y tiền bối bắt mạch tư vấn chăm sóc sức khoẻ bằng phương pháp Đông - Tây Y kết hợp mà không dùng thuốc, trải nghiệm trị liệu chân thư giãn và ngâm chân thảo dược tại Thái Y Đường; trải nghiệm xoa bóp, bấm huyệt tại spa. Ngoài ra, khách còn được tham quan cơ sở Sâm bố chính Hoàng Gia - sản vật tiến Vua, loại sâm quý này được người Chăm phát hiện cách nay hơn 300 năm tại Châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay); dùng bữa thực dưỡng tại nhà hàng An Nhiên Garden.

 Lương y Phan Tấn Tô bắt mạch cho khách ở Đại Nam Thái Y Viện

Theo Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các đơn vị lữ hành trong toàn quốc vẫn có các sản phẩm du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên, chưa có tour trọn vẹn và có chủ đề thiên về chăm sóc sức khỏe, vì vậy khi khai thác sản phẩm du lịch này, Huế sẽ cùng các doanh nghiệp  xây dựng các chương trình tour có chủ đề riêng theo nhu cầu của từng thị phần khách.

Thực tế, lợi thế của Huế với du lịch chăm sóc sức khỏe rất lớn. Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc từng chỉ ra rằng, bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp, Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng. Trong đó, có 2 nguồn nước nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ sức khỏe và du lịch. Cùng với đó, Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon, Làng Hành hương, Hue Riverside Boutique, Hue Ecolodge... Ngay trong nội đô cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo hình thức đông y cổ truyền như: Spatel D’Annam của Công ty Đại Nam Thái Y viện, hay có dịch vụ spa đẳng cấp như: Azerai La Residence, SilkPath Grand, Melia Vinpearl, Senna... Tất cả các tài nguyên này đã trở thành thế mạnh để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, mảnh đất Cố đô còn có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y danh tiếng. Nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của đông y ở Huế là nền Đông y phục vụ cung đình với y dược phát triển ở trình độ cao do triều đình tổ chức, quản lý, đại diện và đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn. Còn Tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém hai đầu đất nước với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế và trong thời gian tới sẽ có thêm dự án Bệnh viện quốc tế được triển khai… Điều đó làm nên sự khác biệt khi Huế khai thác sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Hoàn thiện và chuyên sâu

Với xu hướng du lịch của du khách hiện nay, Thừa Thiên Huế vẫn nỗ lực gắn kết, tập trung liên kết vùng, địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch. Du lịch chăm sóc sức khỏe không đơn thuần chỉ là chăm sóc sức khỏe mà còn kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm nhưng vẫn lấy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm chủ đạo. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch thường gồm: Làm đẹp và chống lão hóa; ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân; tập thể dục; spa; suối khoáng nóng…

 Ngâm tắm khoáng nóng thanh lọc cơ thể tại khu du lịch Thanh Tân

Theo đại diện Sở Du lịch, thời gian qua, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe cũng sẽ được nâng cấp, phù hợp nhu cầu du khách. Trong đó, thời gian tới sẽ kết hợp các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ y học hiện đại của bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế để khách đi du lịch có thể được kiểm tra sức khỏe tổng quát; thậm chí là các hoạt động khám sức khỏe tận nơi tại điểm nghỉ dưỡng cho khách.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh sẽ xây dựng các tour du lịch để khách trải nghiệm ngồi thiền, trải nghiệm văn hóa Phật giáo gắn với thiền giúp cải thiện và cân bằng thân - tâm - trí.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, tour du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp. Ngành du lịch tỉnh và các doanh nghiệp sẽ gắn kết hơn, đặc biệt là mối liên kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trị liệu, spa, massage… để tạo ra chương trình du lịch chăm sóc, khám, chữa bệnh bài bản. Ngoài ra, sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm để thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe của Huế đến du khách gần xa.

HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây

Sáng 9/1, Sở Du lịch phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến TP. Huế bằng đường hàng hải năm 2025. Tham dự chương trình đón chuyến tàu có ông Hoàng Hải Minh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế.

Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây
Phấn đấu thu hút 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch năm 2025

Chiều 3/1, Sở Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành du lịch năm 2025. Đến dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Về phía TP. Huế có các UVTV Thành ủy: Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế; Hoàng Khánh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Phấn đấu thu hút 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch năm 2025
Phối hợp, tạo dấu ấn cho Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025

Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch TP. Huế mở rộng, tổng kết nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 2/1. Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế; nguyên lãnh đạo tỉnh (nay là TP. Huế) qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phối hợp, tạo dấu ấn cho Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025
Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025

Sáng 1/1, Sở Du lịch TP. Huế chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, Cảng HKQT Phú Bài và Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Huế, Pacific Airlines tổ chức chương trình chào mừng chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP Huế năm 2025

TIN MỚI

Return to top