ClockThứ Tư, 22/01/2025 13:45

Để khách hạng sang “rút hầu bao”

TTH - Tài nguyên văn hóa, du lịch cùng những tiềm năng về du lịch là yếu tố thu hút các dòng khách hạng sang đến Việt Nam nói chung, Huế nói riêng. Thế nhưng, để những vị khách này “chi tiền” cho hoạt động du lịch, đòi hỏi phải có những dịch vụ xứng tầm cùng nhiều giải pháp khác.

Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”Thu hút dòng khách “hạng sang” đến HuếHút khách du lịch tàu biển đến Huế

 Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Huế tặng quà cho du khách đến Huế bằng đường tàu biển

Để khách du lịch “tiêu tiền”

Liên tục trong 2 tháng 12/2024 và tháng 1/2025, tôi có cơ hội theo chân ngành du lịch địa phương đón chuyến tàu hỏa du lịch 5 sao đến Huế và chuyến tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây. Không ngoa khi nói đây là những vị khách nhà giàu bởi kinh phí cho mỗi chuyến đi du lịch của họ rất lớn. Chỉ riêng chuyến tàu hỏa 5 sao, mỗi vị khách phải bỏ ra 7.320 USD (khoảng 186 triệu đồng) cho hành trình 8 ngày 7 đêm, áp dụng trong tháng 12/2024. Năm 2025, giá vé là 8.610 USD (khoảng 219 triệu đồng). Còn đối với khách du lịch tàu biển, chắc chắn số tiền bỏ ra lớn hơn nhiều.

Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút khách và để khách “chi tiền” khi đi du lịch? Theo thống kê từ ngành du lịch, chuyến tàu du lịch Anthem Of The Seas, hãng tàu Royal Caribbean mang theo 4.455 khách du lịch mang quốc tịch Anh, Úc, Mỹ… cập cảng vào lúc 7 giờ sáng ngày 9/1 và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã khai thác được gần 2.000 khách mua tour du lịch. Riêng ở Huế, công ty khai thác được hơn 500 khách tham quan các điểm du lịch, đa số khách còn lại đến các địa phương bạn. Ngoài ra, còn một lượng lớn khách ở lại trên tàu.

Xét ở mặt tích cực, du lịch Huế đã có bước chuyển biến lớn về thu hút khách tàu biển, với số lượng tàu du lịch cập cảng Chân Mây tăng. Ngoài ra, các loại hình du lịch mới như tàu hỏa hạng sang, hay giới siêu giàu các nước đến Huế thuê resort để nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện đã cho thấy sức hút của mảnh đất Cố đô. Nhưng đối chiếu với những kỳ vọng và tiềm năng, lợi thế của du lịch Huế, rõ ràng vẫn chưa tương xứng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch nhận định: “Khách tàu biển thường đến và đi trong ngày, nên việc chi tiêu cho dịch vụ lưu trú dường như không có. Trong khi đó, lượng khách lên trung tâm TP. Huế để tham quan, trải nghiệm du lịch còn quá ít, chưa bằng các địa phương bạn, dù tàu cập cảng Chân Mây. Khách hạng sang, khi mức chi tiêu cho hoạt động du lịch ở Huế còn thấp, chủ yếu là giá vé tham quan, ăn uống theo tour là một điều đáng tiếc”.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch trăn trở, mặc dù triển khai nhiều giải pháp, nhưng suất chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Huế nói chung hiện vẫn chưa vượt qua con số 2,1 triệu đồng/lượt khách. Huế vẫn còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ theo từng thị trường khách, đặc biệt chưa có các thương hiệu lớn về du lịch.

Chiến lược bài bản, lâu dài

Thời gian qua, Việt Nam đang đón nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ từ Ấn Độ, bên cạnh đó, tiềm năng thị trường khách du lịch người Hồi giáo với khả năng chi tiêu lớn cũng là cơ hội. Tuy nhiên, câu chuyện hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng là bài toán đặt ra trước mắt.

Báo cáo thống kê từ Sở Du lịch đến cuối năm 2024 cho thấy, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn có 886 cơ sở lưu trú, với 14.019 phòng và 22.565 giường, trong đó có 198 khách sạn. Trong đó, có 24 khách sạn từ 3-5 sao với 3.424 phòng. Con số này vẫn còn ít, nếu muốn thu hút khách hạng sang, bởi nhu cầu của “khách nhà giàu” thì nơi ăn, chốn ở phải thực sự đẳng cấp. Ngoài ra, còn đảm bảo các yếu tố: Sự yên tĩnh, tính riêng tư, bảo mật thông tin, thực phẩm đạt chuẩn tuyệt đối…

Hiện nay, chính quyền địa phương, ngành du lịch rất quan tâm đến chiến lược du lịch và đã làm việc với rất nhiều đối tác quốc tế, các hãng tàu biển nhằm hợp tác, giới thiệu, quảng bá và thu hút khách. Song, bên cạnh đó cần có các cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn, các thương hiệu du lịch lớn về đầu tư ở Huế

Phát biểu tại hội nghị phát triển du lịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng muốn đón loại khách chi trả cao và để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia. Chính phủ cần tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch.

Hiện nay, Huế đã hình thành và phát triển khá tốt loại hình du lịch golf - loại hình du lịch khách hạng sang khá quan tâm. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch ở phân khúc cao cấp, gắn với từng thị trường khách. Đồng thời làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá.

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, thành phố Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và rất quan tâm đầu tư, phát triển du lịch. Lãnh đạo thành phố đã giao cho ngành du lịch Huế xây dựng Đề án Phát triển du lịch, dịch vụ du lịch thành phố Huế giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện theo chiến lược phát triển của Nghị quyết 54/NQ-BCT của Bộ Chính trị. Thành phố và ngành du lịch địa phương đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách một cách bài bản, có chiến lược để phát triển du lịch và sẽ triển khai nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam

Ngày 22/1, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Huế, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) do Đại tá Khăm Phạ May – Xay Phu Ban, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ nhiệm kỹ thuật làm trưởng đoàn, đến chúc Tết cổ truyền Việt Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam
Hoa kiểng Tết bắt đầu xuống phố

Đường phố trung tâm hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa những ngày này hoa Tết từ nhiều nơi bắt đầu tụ hội, không khí mua sắm cũng dần trở nên nhộn nhịp hơn.

Hoa kiểng Tết bắt đầu xuống phố
Bắt tạm giam bị can Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế

Ngày 18/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét và bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Bắt tạm giam bị can Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế

TIN MỚI

Return to top