ClockThứ Bảy, 30/04/2016 10:06

Ăn chay: Nét ẩm thực độc đáo của cố đô Huế

Cố đô Huế nổi tiếng với những lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, miếu mạo, di tích lịch sử và phong cách ẩm thực cung đình thanh tao… Nếu một lần đến đất cố đô, du khách sẽ nhận ra nhiều đặc trưng thú vị, trong đó có thói quen ăn chay của người Huế.

Thư giãn cùng nhà hàng chay Thiền Tâm

“Truyền thống” ăn chay

Thực đơn chay phong phú ở Huế. Ảnh: mytour

Bên cạnh phong cách ẩm thực cung đình độc đáo – đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, Huế còn được biết đến là thành phố có “truyền thống” ăn chay. Nhắc đến ăn chay, không thể không nhắc đến thành phố Huế.

Dường như không nơi nào có nhiều món chay phong phú, đa dạng, bắt mắt như ở Huế. Ăn chay gần như trở thành nét văn hóa ẩm thực thú vị, độc đáo tại đây.

Thói quen ăn chay ở Huế đã có từ lâu và nhận được sự ủng hộ của cả tầng lớp bình dân đến quý tộc. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, hoàng tộc đều ăn chay, các hoàng thân đều xây chùa riêng làm công đức. Còn có cả một khu nhà đồ sộ tên “Trai cung” tại đàn Nam Giao - Huế, là nơi vua ở, ăn chay trước khi tế trời. Những đầu bếp ở Trai cung đều là những người tài ba, có thể nấu ra các món ăn chay siêu hạng.

Với hơn 400 ngôi chùa và 230 niệm phật đường, Huế hiện là thành phố có nhiều chùa chiền bậc nhất nước ta. Mỗi làng ở Huế đều có chùa, được gọi là “chùa làng”.

Mâm cỗ chay cầu kỳ của người Huế. Ảnh: Internet

Có người từng nói rằng, núi Huế không cao, sông Huế không sâu nhưng lòng người Huế luôn tĩnh lặng bởi họ biết cách tu, biết ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh. Ở Huế, có những người không theo đạo Phật, không hay đi chùa nhưng vẫn có thói quen này.

Hầu hết phụ nữ Huế đều biết nấu món chay và những món chay giả mặn. Mâm cỗ chay thanh đạm cũng là cách để người Huế bày tỏ sự chân tình, quý mến với bạn bè đến chơi nhà. Dường như, Huế là nơi duy nhất có nét văn hóa độc đáo này. Thậm chí, trước đây, ngày Tết ở xứ Huế cũng không thể thiếu mâm cỗ chay. Ngày nay, truyền thống ấy có phần mai một nhưng trong mâm cỗ Tết cũng phải có vài ba món chay để dâng lên tổ tiên.

Những “phố chay” ở Huế

Món chay được bày trí cầu kỳ chẳng khác gì ẩm thực cung đình. Ảnh: Internet

Ghé thăm bất cứ ngôi chùa nào ở Huế trong ngày rằm, mùng một, du khách sẽ được nhà chùa mời cỗ chay. Các hàng quán cũng đồng loạt đổi sang bán món chay để phục vụ người dân và du khách thập phương bởi họ không sát sinh trong ngày này. Thậm chí cả trong những ngày thường, du khách cũng dễ dàng tìm được các món ăn chay tại nhiều quán hàng ở Huế.

Ngay cả một khu chợ quê hay một sạp hàng nho nhỏ cũng có ít nhất 30 – 50 món chay làm từ rau, củ, quả, đậu phụ, mì căng… phục vụ thực khách. Đặc biệt còn có những món chay giả mặn như thịt luộc, gà bóp, gà rán, nộm, bánh chưng, bánh tét, bánh canh, bún, phở…

Huế có một số “phố chay” nổi tiếng như ở chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu (chỉ bán món chay ngày mùng 1, ngày rằm). Nếu thích ăn kiểu buffet, du khách hãy tới vùng phụ cận phía tây Huế - khu phố “chùa chiền”, dọc theo các phố cổ Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Thuỷ Xuân. Món chay ở đây phong phú, giá cả phải chăng, trung bình 20.000 – 30.000 đồng một món.

Được trình bày bên cạnh hoa sen đẹp mắt. Ảnh: mytour

Tại bờ nam sông Hương như Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ, du khách cũng sẽ dễ dàng thấy các hàng ăn chay với những cái tên thanh nhã như: Bồ Đề, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình… Tất nhiên, cũng có những quán chay sang trọng giá đắt hơn vì sử dụng nguyên liệu và gia vị của Đài Loan, Hong Kong, Singapor để phục vụ du khách nước ngoài.

Thực đơn món chay của người bình dân chỉ cần xì dầu, muối mè lạc, muối sả, rau củ quả là đủ, vừa đơn giản vừa rẻ, giá chỉ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/suất. Sang hơn thì có món canh, món mặn, món xào như chả phù chúc, mì căn giả thịt bò, thịt gà, món xào, bún, xúp, phở, mì xào giòn…

Ở Huế, nấu món chay là cả một quá trình làm nghệ thuật. Trong đó có sự kết hợp, đan xen giữa nghệ thuật ẩm thực và nghệ thuật tạo hình để mang lại những món ăn rực rỡ sắc màu. Món chay ở Huế không những thanh đạm, ngon, rẻ, tốt cho sức khỏe mà còn có hình thức hấp dẫn, được bày biện đẹp mắt.

Bún chay. Ảnh: eva

Để làm nên một mâm cỗ chay, người ta phải mất gấp đôi thời gian so với nấu cỗ mặn. Đầu bếp cũng phải bỏ ra nhiều công phu, sự tỉ mỉ và chu đáo hơn thì mới có mâm cơm chay hoàn hảo.

Chỉ từ những nguyên liệu giản đơn, người dân Huế đã khéo léo tạo nên những món ăn chay, món chay giả mặn y như thật, phong phú và hấp dẫn về màu sắc, hương vị nhưng tuyệt nhiên không có mùi cá, thịt. Có những mâm cỗ chay thơm ngon, đẹp mắt không kém ẩm thực cung đình là mấy.

Chẳng hạn như món gà được làm từ gốc sả nhồi tàu hủ non, lăn bột chiên giòn thơm phức. Chả quế làm từ khuôn đậu, phết phẩm màu thực phẩm rồi đem hấp. Chả ram là nấm, miến tàu và gói bánh đa nem. Chả lụa làm từ chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhuyễn trộn với gia vị, bột thính, bí đao thái hột lựu, gói trong lá chuố đen hấp. Sườn rán làm từ khoai lang bọc đậu xanh chiên vàng. Cá lóc làm từ chuối xanh tẩm gia vị… Ngay cả quả mít non, đầu bếp cũng khéo léo nấu thành món thịt gà bóp tiêu muối, rau răm y như thật.

Bên cạnh ẩm thực cung đình, khám phá ẩm thực chay tại các phố ở kinh thành Huế xưa là trải nghiệm được yêu thích của nhiều du khách. Đặc biệt trong thời đại đầy những cao lương mỹ vị thì món chay sẽ cho bạn thấy sức hút và ưu điểm của nó: Ăn no nhưng không đầy bụng, lạ miệng, rẻ và giúp con người hướng thiện hơn.

Theo Timeoutvietnam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

Huế có nhiều lĩnh vực nổi bật để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Điều này không chỉ quảng bá được bản sắc văn hóa địa phương ra với thế giới mà còn cơ hội để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Huế. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực nào để làm nổi bật lên sự đặc trưng, riêng biệt của Huế khi tham gia UCCN là chuyện cần tính toán kỹ lưỡng.

Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

TIN MỚI

Return to top