ClockThứ Ba, 03/08/2021 15:56

Tiếng thương ngân dài trong gió

Thành phố mùa COVID-19

Chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế), 4 giờ sáng đã tấp nập xe và người. Những chuyến xe hàng chở đầy trái cây, nào là thơm, mít, nhãn, chuối... đầy ắp được dỡ hàng nhanh chóng, người bán buôn đã chờ sẵn và cứ thế mà phân phối hàng. Những chuyến xe hoa cũng cập bến, hàng được dỡ xuống; những mặt hàng thực phẩm tươi sống cá, tôm, thịt cũng từ từ cập bến. Những ngày dịch giã này, nhìn thấy cảnh hàng hóa vẫn lưu chuyển, tươi ngon, càng trân quý những thành quả phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và bà con mình. Tiếng của o bán hàng “Thương làm sao con ơi, nhìn cảnh bà con Sài Gòn xếp hàng đi siêu thị, mình càng quý những buổi chợ của Huế, bà con mình tự giác chấp hành nghiêm túc lắm”.

Tôi theo chị ở hội phụ nữ phường đi mua hàng tại chợ đầu mối về làm ruốc sả gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Hàng hóa ăm ắp, giá cả vẫn bình ổn, thịt heo ba chỉ giá 120.000đồng/kg; sả, ớt tươi, ớt khô, ruốc mua bao nhiêu cũng có. Làm thêm món muối sả chay ủng hộ bà con ăn chay, mua các loại nguyên liệu đậu phụng, mè... giá cả vẫn ổn định. Thị trường hàng hóa trong những ngày dịch bệnh vẫn giữ được bình ổn, đó là điều vui mừng và may mắn của người đi chợ, cũng có nghĩa là bữa cơm của mỗi gia đình vẫn được bảo toàn về mặt chất lượng.

Chị kể, người anh ruột của chị đang ở TP. Hồ Chí Minh điện thoại về cho biết, bà con ở đây đã nhận được những món quà tặng từ Huế gửi vào, ai cũng xúc động. “Của cho không bằng cách cho”, anh kể với giọng cảm xúc pha chút tự hào. “Ai cũng bảo người Huế tỉ mỉ, chu đáo, những thùng hàng có dán nhãn bên ngoài rất thuận tiện cho việc phân phối, đầy đủ tên mặt hàng, số lượng và luôn kèm theo dòng chữ như “ Gửi Sài Gòn yêu thương”, “ Huế yêu Sài Gòn”, làm bà con nhận hàng ấm lòng, anh thấy thương Huế của mình hơn bao giờ hết em gái ạ”. Anh của chị cũng kể nhiều câu chuyện đẹp trong những con hẻm giữa đại dịch, bà con nhường nhịn nhau trong việc nhận hàng cứu trợ, như gia đình anh, còn đủ thức ăn nên anh không nhận, để dành cho người khó khăn hơn và nhiều gia đình khác cũng làm vậy, ai khả dĩ chưa bị ảnh hưởng thì nhường cho người khác. Tôi có người bạn ở Bình Thạnh, gia đình bạn bốn người thì cả ba ở lại công ty chống dịch, chỉ còn con trai út học lớp 11 ở nhà, điện thoại về bao giờ cháu cũng bảo: “Mấy cô chú trong tổ phòng, chống dịch ngày nào cũng gửi đồ cho con. Con ổn, mẹ đừng lo!”, tin của bạn làm tôi vui lây.

Với bạn tôi, một người Huế định cư ở Sài Gòn gần 30 năm, bây giờ Sài Gòn cũng trở thành quê hương thứ hai của bạn. Trong từng câu chuyện, tôi nghe giọng bạn ấm áp, tha thiết với mảnh đất này. Bạn đã yêu thành phố này như yêu Huế, quê hương mình. Cả thành phố đang nỗ lực chống dịch và bạn tin Sài Gòn sẽ vượt qua được đại dịch này cũng như bạn đã và đang tin vào những điều tốt đẹp của con người Sài Gòn, mảnh đất Sài Gòn, ấm áp như tình cảm của người dân Việt dành cho nhau trong những lúc hoạn nạn. Đó là những giá trị đạo đức truyền thống từ xưa đến nay, trong những lúc khó khăn càng lấp lánh sáng nghĩa đồng bào.

Câu chuyện của bạn kể cũng có những nốt nhạc trầm, buồn. Bạn thương thành phố của mình, thành phố bị giăng dây không sợ bằng nghe tiếng còi xe cứu thương, mỗi lần âm thanh ấy vang lên là bạn lại thầm nguyện cầu mọi sự bình an đến với ai đó. Từ xưa đến nay, Sài Gòn vốn tấp nập rộn ràng từ sáng sớm đến đêm khuya, có người làm việc xuyên đêm, người giỏi tưởng tượng cũng chưa bao giờ nghĩ đến cảnh thành phố yên tĩnh như những ngày qua. Mong muốn lớn nhất của bạn bây giờ là những thử thách này sớm qua mau, đó cũng chính là ước muốn của tất cả mọi người trên thế giới này trước đại dịch COVID-19.

Lời hẹn của chúng tôi sau mỗi cuộc trò chuyện bao giờ cũng là về thăm Huế. Lần này cũng vậy, bạn hẹn sẽ về Huế, đi chơi nhiều hơn, thưởng thức hết những món Huế đậm đà hương vị. Từ nơi dịch đang hoành hành, bạn cũng dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Tôi bảo với bạn là tôi đang đi chợ để phụ làm hàng gửi vào TP. Hồ Chí Minh tặng bà con mình chống dịch, rằng chợ ở Huế vẫn bình ổn và lưu chuyển hàng hóa tốt. Đó cũng là một thành quả cho thấy Huế đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chính người dân được thụ hưởng thành quả đó. Bạn thầm thì với tôi: “Nè, biết không, trong cơn đại dịch này, tui nhận ra mình đã thương sâu đậm cả hai quê hương từ khi nào không biết nữa”. Tôi nghe tiếng thương của bạn ngân dài trong gió, biết chắc bạn sẽ kiên cường cùng thành phố của mình chống dịch.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Ủng hộ... quyết liệt

Đứa cháu vào cấp 2 đã gần hết học kỳ. Gặp, tôi hỏi cháu đi học có vui không? Cháu trả lời có. Hỏi lớp bao nhiêu bạn thì bắt đầu ậm ừ. Hỏi có thân bạn nào không, tên gì, cũng chỉ ậm ừ. Cứ ngỡ cháu có gì hơi bất thường thì bố nó đã thay lời, tụi nó bây chừ không như anh em mình trước đâu. Lên trường hở ra là chúi đầu vô cái điện thoại. Cứ nhoay nhoáy clip này qua clip khác, trò chơi này tới trò chơi kia, có đâu mà trò chuyện, mà chơi đùa với bạn bè…

Ủng hộ  quyết liệt
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Sau 1 tháng phát động, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Cứu trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động được hơn 35 tỷ đồng tiền mặt cùng với nhiều vật chất ủng hộ Nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

TIN MỚI

Return to top