ClockThứ Hai, 04/02/2019 15:24

Thượng thành, ngày cuối năm

TTH.VN - Ngày cuối cùng của năm âm lịch với nhiều hộ dân sinh sống trên thượng thành chẳng khác gì nhiều so với mọi gia đình: nhộn nhịp không khí chuẩn bị tết trên bàn thờ gia tiên, tranh thủ trang trí những chậu hoa để làm đẹp cổng, kịp nấu những đòn bánh tết chờ đón giao thừa….

Nguyện vọng chính đáng của người dân và trách nhiệm của chính quyềnDành những gì tốt đẹp nhất cho bà con vùng di dời Kinh thành HuếHoàn thành tái định cư hơn 520 hộ dân khu vực Thượng thành trong năm 2019

Một góc thượng thành ngày cuối năm. Những đứa nhỏ vui bên mẹ cùng với chậu hoa tết được mua về từ chợ hoa để chờ đón năm mới. Rồi đây, những người sống ở thượng thành sẽ về vùng tái định cư mới, kí ức về nơi này sẽ rất đặc biệt

Có lẽ với người dân thượng thành dọc theo các tuyến đường bên trong Thành Nội Huế, tết này vô cùng ý nghĩa khi sẽ có gia đình qua tết này sẽ nói lời chia tay với nơi mà họ từng gắn bó đến nửa cuộc đời.

Họ xúc động khi được hỏi, nếu được nghĩ gì vào giây phút này? Ai ai cũng có câu trả lời chung: “Nhiều kỉ niệm lắm. Chưa đi đã thấy nhớ. Huống chi mai này đi rồi, chắc buồn lắm!”. Người nói rằng ở đây cao ráo, không lụt. Người khác nói sống ở đây quen rồi, không biết về nơi sống mới có vui như vậy không? Người nữa chen vào, đi đâu cũng được nhưng sẽ không bao giờ quên thượng thành…

Có người chưa đi đã kịp nhớ. Họ mua hoa trang trí khắp cổng và nói rằng năm nay phải ăn tết thật hoành tráng, biết đâu năm sau không được ăn tết ở mái vách đã dung dưỡng họ suốt những năm tháng cuộc đời, nơi mà mấy thế hệ cùng sống chung suốt qua bao nhiêu mùa nắng mưa của Huế.

Thượng thành chiều cuối năm không khí nhộn nhịp nhưng đâu đó vẫn chậm rãi. Tiếng trẻ con vui đùa, tiếng người lớn gọi nhau í ới vượt qua những bức tường thành như xuyên qua màn thời gian lẫn giữa tiếng nhạc xuân.

Những bình hoa, dĩa trái cây cũng người dân đã được chuẩn bị trước để kịp giờ cũng giao thừa. Hỏi khấn gì vào thời khắc ấy, một người dân sống trên thượng thành đường Xuân 68, thật thà: “Giàu thì không giàu, mà chỉ mong sức khỏe, ấm no. Mong cho sau này dù có đi khỏi đây vẫn xin thổ thần đất đai nơi đây phù hộ, vì chính mảnh đất này đã che chở tụi tui hàng chục năm qua”.

Những mâm cũng tất niên cuối cùng của người dân thượng thành vì bận rộn mưu sinh cũng đã xong. Giờ là lúc họ thoải mái đón tết, nhìn lên trời và ước nguyện. Và không biết tết sau, kí ức về thượng thành sẽ là gì trong họ...

Những hình ảnh ngày cuối năm của người dân Thượng Thành:

Anh Huỳnh Công Tuấn, người dân sống ở khu vực thượng thành thuộc đường Xuân 68 đang quét sơn lên cột nhà để kịp đón năm mới về. Anh bảo tuổi thơ đã gắn với nơi đây, lớn lên cũng nương tượng thượng thành. "Nghe nói sắp giải tỏa. Cũng vui mà cũng buồn. Vui về chỗ mới, buồn khi xa nơi đã gắn bó một phần đời", anh Tuấn tâm tình

Vợ chồng ông Nguyễn Phước Liên Kiên và bà Hồ Thị Thương đang cùng nhau chuẩn bị những bình hoa để kịp đặt lên bàn thờ gia tiên trước giờ giao thừa. Hai ông bà kết hôn và sống ở thượng thành đã gần 40 năm, con cháu giờ đây cũng đề huề. "Rồi đây nếu xa nơi đây chúng tôi sẽ rất nhớ!", bà Thương xúc động

Với nhiều người dân, thượng thành đúng là mái nhà đúng nghĩa, họ không xem đó là tạm bợ. Trong ảnh, một người phụ nữ đang tưới nước cho những chậu hoa trang trí trên tường rào của mình để chờ đón tết. 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc nở nụ cười tươi bên chậu hoa trang trí tết. Bà Cúc năm nay 75 tuổi, sống ở thượng thành hơn 30 năm. Bà nói rằng, đã chuẩn bị mọi thứ cho tết. Bà rất vui và sẵn sàng di dời khỏi thượng thành bất cứ khi nào vì đó là chủ trương chung của Nhà nước. "Người dân chúng tôi đồng thuận, miễn sao có chỗ ở mới ổn định là vui rồi", bà Cúc nói

Mâm cúng tất niên cuối năm của bà Phan Thị Chuyên, 84 tuổi ở thượng thành đường Xuân 68. Với bà Chuyên, kí ức thượng thành gắn với cuộc đời bà. 25 tuổi lấy chồng, về đây sinh sống, con đàn cháu đống, giờ đây bà cho biết sẽ rất buồn nếu một mai phải xa thượng thành

Cũng như nhiều dân Huế khác, anh Trương Trọng Công (48 tuổi) đang chăm chút bên bếp lửa canh cho nồi bánh tét kịp chín để đặt lên bàn thờ cúng ông bà, chờ đón năm mới

Bà Phan Thị Thương, 85 tuổi tranh thủ ngày cuối năm trời nắng rao kịp quét lại cảnh cổng nhà để đón tết. Nhà bà nằm cạnh thượng thành, thuộc diện giải tỏa. Bà cho biết, chưa biết khi nào sẽ đi nhưng nghe chủ trương rất đồng ý. Gì thì gì, bà vẫn phải tô điểm cho căn nhà của mình, chừng nào đi rồi tính tiếp

Những căn nhà trên thượng thành ngăn nắp, được trang trí hoa hòe rất ấn tượng để chờ đón năm mới. Rồi mai đây, họ phải di dời đi nơi khác để trả lại không gian cho di sản nhưng trong sâu thẳm sẽ luon nhớ về nơi đây, bởi đã gắn bó với đủ kiểu vui buồn trong những năm tháng sinh sống trên thượng thành

PHAN THÀNH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

TIN MỚI

Return to top