ClockThứ Năm, 18/07/2024 11:07

Ơi những chuyến đò Cồn

TTH - Cồn Hến, địa danh từng được ví là con rồng xanh nằm chầu và bảo vệ cho Kinh thành Huế, là một dải đất khá dài và rộng nằm giữa lòng sông Hương về phía đông. Cồn Hến nổi tiếng với các món ăn “rặt Huế” như cơm hến, chè bắp, bánh bột lọc... Nhưng ít ai biết quanh chiếc Cồn này, còn có những con đò đang thầm lặng chở biết bao hoài niệm về một thời sông nước…

Lần về dấu xưaTháng Giêng theo mẹ ra đồng

 Con đò nằm đợi khách. Ảnh: MC

Cách đây khoảng 2-3 năm, tôi ghé thăm nhà một người quen ở cồn Hến và được rủ lên đò đi chợ Đông Ba. Bến đò là mỏm đất nằm khuất sau những lùm cây ven sông, khá rộng và bằng phẳng. Hiếu, một thanh niên trẻ là chủ đò ở đây cho biết, nghề này là của cha cậu để lại, ông làm nghề đưa đò ở đây từ những năm 1980. Chuyến đò của Hiếu hôm đó có mấy gánh ốc, gánh cơm hến của mấy chị, mấy mệ từ Cồn qua bán bên chợ Đông Ba, hoặc đi vào các ngả đường Thành nội. “Thời ba em một ngày có vài chục gánh như vậy, người lao động ở cồn phải đi kiếm sống khắp nơi, giờ chỉ còn vài gánh”, Hiếu cho hay.

Đò chuẩn bị rời bến thì có một đôi vợ chồng đã lớn tuổi bước lên, người phụ nữ giới thiệu mình vốn là dân xóm Cồn, đã vào Nam sinh sống mấy chục năm. Bà cho biết, một thời từng gắn bó với những chuyến đò dọc đò ngang ở quãng sông này. “Mạ tui đi chợ bằng đò, tui đi học cũng bằng đò. Đò từ cồn Hến chở sắp nhỏ qua Đập Đá tới bến Tòa Khâm thì cập bờ để bọn tui đi bộ vô trường Nguyễn Tri Phương hoặc Lý Thường Kiệt, sau đó mới chở các mạ qua Đông Ba đi chợ, rồi về lại Cồn là hết một quệt”.

Cồn Hến, Đập Đá, Tòa Khâm, Đông Ba là những bến đò còn lưu lại trong ký ức của rất nhiều người Huế một thời. Đò là phương tiện nhanh nhất, rẻ nhất và cũng tiện lợi nhất. Cả một khúc sông Hương giữa bốn bến đò là xóm vạn đò của phường Vỹ Dạ với hàng trăm gia đình sống trên sông nước. Chỉ cần ới một tiếng là có đò đưa đón.

Trên chuyến đò cồn Hến - Đông Ba hôm đó, người phụ nữ lớn tuổi cứ ngồi tư lự trên khoang thuyền, thả ánh mắt mênh mông trên dòng sông. Đò cập bến Đông Ba nhưng bà dùng dằng chẳng muốn lên bờ, nói rằng muốn đi nữa để tìm lại kỷ niệm. “Chú cho O đi một vòng lên cầu Trường Tiền rồi lui lại, chạy chậm chậm thôi, mấy tiền O gửi”. Hiếu gật đầu, nháy mắt với tôi: “Hai chị cứ lên đi chợ chút nữa em ghé lại đón, lâu lâu cũng gặp mấy mối khách đi tìm hoài niệm như ri, em kiếm thêm chút tiền dầu chạy đò”.

Tôi có người bạn thời đại học nhà cũng ở cồn Hến. Còn nhớ suốt mấy năm học ở giảng đường Sư phạm, thỉnh thoảng lại thấy bạn đi bộ từ bến Tòa Khâm vô trường mà không đạp xe như mọi khi. Gặp nhau ở cổng trường, đọc được câu hỏi trong mắt tôi, hắn cười tỉnh ro: “Hôm ni tau hư xe, nên đi đò, vừa nhanh vừa mát”. Khi ra trường được phân công dạy ở một trường bên vùng Gia Hội, gặp nhau cô bạn lại khoe tau đi dạy gần lắm, ngày mô cũng đi đò. Đó là chuyến đò từ cồn Hến chạy thẳng qua phố Chi Lăng, từ bờ này sang bờ kia chỉ mất có hai phút.

Khi chưa có chiếc cầu sắt Phú Lưu nối đường Nguyễn Sinh Cung với cồn Hến thì chiếc cồn nằm giữa sông Hương này còn có thêm vài bến đò đưa người từ Cồn qua Vỹ Dạ, hoặc chạy thẳng về phía Tây Thượng, nơi có phủ ông hoàng Định Viễn quận vương, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long và ngôi chợ Gia Lạc nổi tiếng một thời. Từ những chuyến đò như vậy, bắp cồn, cơm hến cồn tỏa đi khắp nơi.

Bẵng đi vài năm, một ngày hè nóng bức, có người bạn bên Gia Hội rủ tôi đến quán café cuối đường Trịnh Công Sơn ngồi hóng gió. Bạn nhắn là café Đò Cồn. Hóa ra đó lại là bến đò mà người bạn học cũ của tôi vẫn thường sang đi dạy năm nào. Như gặp được người quen, tôi rủ bạn ngược đò sang cồn Hến. Xuống đò với chúng tôi hôm đó có gánh cơm hến vừa bán xong bên Chi Lăng trở về, và một mệ bán vé số dắt chiếc xe đạp cà tàng. Mệ nói hôm ni bên Gia Hội bán ế quá, tui vượt đò qua Vỹ Dạ bán coi răng. Đò vừa cập bến thì có gánh bắp luộc và một nách bèo nậm lọc đang chờ. “Ngày chỉ vài chuyến thôi chị, không còn người đi xe đạp và mấy gánh hàng rong qua sông thì chắc em cũng nghỉ chạy đò luôn”, cậu chủ đò gầy gò cho biết.

Tôi cùng bạn rảo quanh cồn Hến, dự định đi tìm cậu lái đò tên Hiếu năm nào nhưng tìm mãi không ra. Người dân quanh đó cho biết, Hiếu đã bán đò và nghỉ hẳn vì không đủ sống qua ngày. Tôi ngỏ ý kiếm một chiếc đò đi quanh Cồn ngắm cảnh, chờ một hồi thì có một lão ngư chèo tới trên chiếc đò nhỏ. Mái chèo khua nước bồng bềnh trên sông, lão kể mình vốn là dân chài lưới của vạn đò Vỹ Dạ, năm 2009 nhà nước giải tỏa, được lên bờ định cư. Từ chỗ ở mới gần ngã ba Sình, lão nhớ Cồn quay quắt, thỉnh thoảng lại nhắm hướng cũ mà cho đò chạy. Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, lão chọn nơi đây quanh quẩn tối ngày. “Hễ có ai cần đò đi mô là tui có mặt liền, đi mô tui cũng chở. Dân chài lưới không rời con đò được, không mưa to gió lớn là tui lênh đênh ở đây suốt cả tuần mới về nhà một lần”, lão cười móm mém. Trên sông, vài chiếc thuyền lá mỏng manh thỉnh thoảng lướt qua với dáng liêu xiêu của một O nào đó chắc là tự chèo đi chợ. Thuyền rồng du lịch xếp hàng dài chờ khách, thỉnh thoảng một chiếc lạch tạch rời bến.

Lão ngư quay đò đưa chúng tôi về phía bờ sông nơi có quán café Đò Cồn. Nhìn về bờ bên kia, chiếc đò lúc nãy đang nằm im lìm chờ khách. Lão ngư vẫy tay chào, gạt chèo quay về phía ngã ba sông, phía đó, nắng trưa đang hanh hao cả một vùng sông nước…

Nguyên Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ cất nóc công trình Nhà đa chức năng tại Huế

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, ngày 1/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ cất nóc công trình Nhà đa chức năng cho học sinh Trường tiểu học Vỹ Dạ, TP. Huế.

Lễ cất nóc công trình Nhà đa chức năng tại Huế
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão ở các địa phương

Chiều 27/9, trước khi bão số 4 (bão Noru) đổ bộ vào đất liền, trực tiếp ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo một số ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương phường Vỹ Dạ (TP. Huế) đã đến thăm, động viên các hộ dân sinh sống ở cồn Hến dọc bờ sông Hương và chỉ đạo công tác ứng phó với bão, lũ.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão ở các địa phương

TIN MỚI

Return to top