ClockChủ Nhật, 31/03/2024 11:40

Nỗi thương món Huế

TTH - Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Ngắm Huế qua “Đi mô rứa?”

 

Tôi yêu Huế da diết. Những ngày xa Huế, xa tiếng “dạ thưa”, “mô, chi, răng, rứa”..., tôi thấy thèm món Huế lạ lùng. Tìm khắp thành phố phương Nam không có nổi một chỗ bán cơm hến, ở quán nhỏ của một o gốc Huế di cư vào Nam sinh sống và phổ biến ẩm thực Huế chỉ có mỗi bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo... bởi những món này có vị phù hợp với người miền Nam. Còn cơm hến, nhất là nước luộc hến - đôi khi lại không phù hợp, hoặc vì khó tìm được hến sạch như hến trên dòng sông Hương...

Mỗi lần về Huế, sau khi xuống tàu, việc đầu tiên mà tôi làm là tấp vào quán bún bò Huế ăn một tô thật to cho no bụng. Gặp lại vị bún bò, tôi thấy mình như gặp lại cố nhân, một cố nhân đã xa cách mấy tháng trời giờ tương ngộ trùng phùng trong niềm vui rộn rã. Xứ Huế đã cho tôi những món ăn ngon và đậm đà hương vị miền Trung. Trong số đó, tôi nhớ nhất là bún bò bởi nước dùng thanh đạm, thơm nồng, bởi thịt bò mềm mại chứ không dai, hành hoa thơm chứ không cay xè con mắt. Những quán bún bò trước chợ Đông Ba lúc nào cũng tấp nập khách. O vẫn nhớ tôi, gửi lời chào bằng giọng Huế ngọt ngào rồi mời tôi thưởng thức tô bún nóng hổi trong cơn mưa phùn xứ Huế.

Có lần tôi ăn bánh Huế ở miền Nam, nhưng không bắt gặp được mùi vị vốn dĩ của các loại bánh như khi tôi ăn ở đất Huế. Có lẽ, mỗi vùng đất đã lặng lẽ thổi hồn vào những món ăn riêng để rồi khi mình thưởng thức món ấy tại quê hương sinh thành của nó, cảm giác như ăn cả hồn cốt, hương vị, tình đất, tình người xứ sở vậy. Đến Huế, những buổi sớm mai sau khi đi lễ chùa Thiên Mụ, tôi lại về bên này sông Hương, tìm đến đường Hàn Mặc Tử vừa ăn bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo... vừa loáng thoáng nghĩ năm nào cố nhà thơ Hàn Mặc Tử đã lặn lội đến đây để rồi phải lòng người con gái xứ Huế. Trong cái nắng tháng năm, tháng sáu nóng hâm hấp, tôi ăn bánh Huế trong làn gió mát lành từ cây quạt mo trên tay cô bán hàng, nghe cô nói chuyện Huế xưa và nay, tự dưng thấy mình gắn bó với đất Huế quá! Tự dưng thấy mình như một người con của xứ sở này, để khi trở về với cội nguồn sinh dưỡng lại thấy đời thực sự rất đáng sống.

Lần đầu ăn cơm hến, bún hến, thực sự tôi không “bắt” lắm! Nhất là nước luộc hến. Nhưng kỳ lạ thay, càng ăn tôi lại càng thấy thích thú, lại càng thấy cuốn hút lạ lùng. Nhiều người bạn của tôi ở miền Nam ra Huế ăn cơm hến cũng có cảm giác giống hệt như tôi, sau này xa Huế lại ước ao có được bát cơm hến ăn cho thỏa lòng mong nhớ. Tôi nhớ vị thanh thanh, béo béo của hến dòng sông Hương, nhớ những thứ rau trộn cùng với cơm hến như dọc mùng, giá đỗ, cải, rau mùi..., nhớ da heo giòn rụm và nhớ sâu đậm vị nước luộc hến làm súp. Đôi lần tôi sang Cồn Hến bằng đò, rẽ vào một quán cơm hến lâu năm, ăn vội một bát giữa buổi trưa nước sông Hương phẳng lặng. Nhìn sang những vườn cau, vườn trúc thôn Vỹ Dạ, ngắm bóng cây xanh lòa xòa mặt nước Hương giang ở bờ bên kia..., tôi thấy Huế mình đẹp và duyên dáng quá. Cái chất điềm đạm, cổ kính của Huế, của người Huế chính là dư vị riêng đậm sâu trong lòng lữ khách mỗi độ ghé ngang qua mảnh đất này.

Thi thoảng, trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi thương món Huế.

Lạ lùng!

Hoàng Khánh Duy
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế
Giữ gìn văn hóa Huế

Văn hóa Huế tuy chỉ là một đường vân, một mảng màu, một góc riêng trong bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sống động, lộng lẫy, bao la và đằm sâu. Tự biết sức mình nên tôi chỉ chọn những gì cụ thể, mắt thấy tai nghe về văn hóa Huế, những nét riêng có và dĩ nhiên Đẹp của người Huế viết ra đây để chúng ta có thể tự hào.

Giữ gìn văn hóa Huế
Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế

TIN MỚI

Return to top