ClockThứ Ba, 23/03/2021 14:13

Những đứa trẻ

Điều chưa kịp nóiXa xưa vọng về

“Mẹ ơi”…

Chị nghe tiếng gọi của đứa con gái đầu bên ngoài cánh cửa. Chẳng lẽ nhớ con quá nên chị “quáng gà”, bởi vì bây giờ con gái chị đang ở Nhật kia mà. Từ ngày con gái “bay” sang Nhật, theo diện xuất khẩu lao động cách đây 2 năm, mặc dù hầu như ngày nào mẹ con cũng gặp nhau qua điện thoại, nhưng nỗi nhớ, nhất là nỗi thương con cứ nặng trong lòng.

Con bé là chị cả của 3 đứa em. Cách đây mười mấy năm, khi còn là một cô gái nhỏ, nó đã phải cùng mẹ gồng gánh cuộc sống chông chênh, quá nhiều đau khổ, khó khăn, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, khi người bố bỏ mấy mẹ con, đành đoạn, chuyển hẳn vào Đà Nẵng sống. Tiền cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng tổng cộng 1,2 triệu đồng cho cả 4 đứa, đến lúc con tròn 18 tuổi, do tòa tuyên buộc, được người cha gửi thông qua cơ quan thi hành án dân sự. Mười mấy năm, người cha không thăm hỏi một lời. 

Hiểu mẹ làm thuê làm mướn vất vả, là chị cả nên nó đỡ đần mẹ bằng cách vừa học, vừa chăm sóc, cơm nước, giặt giũ, kèm cặp 3 đứa em nheo nhóc, để mẹ bớt nặng nhọc. Khi bước chân vào đại học, nó vừa học vừa làm thêm, phụ mẹ về kinh tế. Tuổi thơ của con gái chị bị “đánh cắp” bởi gánh nặng cùng mẹ mưu sinh, chống chèo…

Ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch, con gái của chị cũng phải “bỏ lại” sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ. Nó quyết định đi xuất khẩu lao động sang Nhật, chấp nhận xa mẹ, xa các em, một mình nơi đất khách quê người lạ lẫm, vùi đầu vào công việc, kể cả liên tục tăng ca, để cố gắng kiếm một số vốn, sau này gia đình có điều kiện thuận lợi hơn trong việc mưu sinh.

“Mẹ ơi, mở cửa…”

Chị bật dậy. Đằng sau cánh cửa đúng là gương mặt, hình dáng thân yêu của con gái. Chị ôm chầm lấy con. Trong lúc chị rơi nước mắt vui mừng, thì mấy đứa con chẳng tỏ vẻ bất ngờ, cười toe. Thì ra, mấy đứa em đã biết trước chị sẽ về thăm nhà dịp tết. Nhưng vì dịch COVID-19, cô chị sau khi xuống sân bay tại Đà Nẵng, phải thực hiện cách ly y tế tập trung ở tỉnh Quảng Nam. Như vậy có nghĩa cái tết cũng đã qua đi. Nếu biết những ngày tết, con gái ở khu cách ly, không được sum vầy cùng gia đình, chắc chắn ngày nào mẹ cũng buồn, cũng bồn chồn, không yên. Rồi mẹ cũng chẳng tâm trạng nào để “ăn tết” vui vẻ. Vậy nên mấy chị em bàn nhau giấu mẹ, cho đến lúc cô chị thực hiện xong cách ly, “bất ngờ” xuất hiện trước cửa nhà. Vậy là các con biết yêu thương, biết nghĩ cho mẹ. Thật chẳng “bõ công” bao nhiêu năm qua chị đã chịu vất vả, khổ sở, dành hết yêu thương cho chúng nó.

Chiều hôm đó, con gái: “Mẹ ơi, chúng con muốn vào Đà Nẵng thăm ba. Mẹ…”

“Mẹ ủng hộ mà”- chị vội nói để con khỏi “lăn tăn”, đồng thời cho con biết “ông ấy” hiện đang về quê chăm sóc bà nội của các con đang bị ốm. Chị quyết định cùng bọn trẻ về quê.

Bà nội của bọn trẻ đã bị lẫn, không còn nhớ con, nhớ cháu, đang “phản đối” không chịu ăn. Người đàn ông - cha của các con chị vất vả bón cháo cho mẹ. Con gái chị đỡ bát cháo trong tay cha, vừa nói chuyện vui chọc cho bà nội cười, vừa bón từng thìa cháo một cách gọn ghẽ.

Con gái: “Bà nội ốm sao ba không nhắn cho chị em con biết”. Người cha: “Các con…” “Dạ, chúng con sẽ đến thăm bà nội nhiều hơn và sẽ học ba cách chăm sóc bà nội. Để sau này ba già yếu, chúng con biết cách chăm sóc ba”.

Người cha sững lại, quay đi giấu những giọt nước mắt. Chị không biết chồng cũ của chị - cha của bọn trẻ đang vui mừng, xúc động, hay ân hận. Cũng có thể là xen lẫn tất cả những cảm xúc đó. Riêng chị thật hạnh phúc bởi sự trưởng thành, bao dung trong tâm hồn bọn trẻ. Dù “vắng bóng” tình yêu thương của người cha, nhưng các con không những không oán giận, mà còn biết yêu thương trọn vẹn.

DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn

Chiều 19/1, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Cùng tham dự có có Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn
Ánh sáng lặng thầm

Ông nội tôi ốm, phải nằm viện huyện. Năm ấy, tôi học lớp 9. Nghe tin, buổi chiều tan học, tôi đạp xe gần 10 cây số vào viện thăm ông. Mặt trời mùa hè buông ánh nắng vàng nhạt, con đường nhỏ dẫn vào bệnh viện loang lổ bóng cây. Khi rẽ vào đường mòn, tôi húc phải đống đá ai đó đổ tràn ra đường. Cú ngã đau điếng khiến tôi bật máu ở đầu gối, chiếc quần cũ rách lỗ chỗ. Tôi hì hục lắp lại chiếc xích xe bị tuột, tay dính dầu đen nhẻm.

Ánh sáng lặng thầm
Lời xin lỗi muộn màng

Sáng nay trời trở rét, mưa phùn lất phất. Từ đêm qua, gió mùa đã tràn về, mang theo hơi lạnh đặc quánh. Sau những ngày nắng đẹp đón Tết, hôm nay trời lại chuyển lạnh, như mùa đông chưa chịu rời đi dù mùa xuân đã về. Nhưng nghĩ đến cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè sắp đến ở miền Trung, Hoàng lại cảm thấy cái lạnh này thật đáng giá biết bao.

Lời xin lỗi muộn màng
Mùa hiền ngoan

Cuối cùng chiếc áo ấm cất trong góc tủ cũng được mẹ lấy ra. Rõ ràng mùa đông đã đi qua hơn một nửa nhưng trời vẫn còn hiền ngoan lắm. Cho đến vài hôm trước, khi cơn mưa liên tục kéo dài mấy ngày liền, vậy là hương vị mùa đông bắt đầu ùa vào gian bếp của mẹ.

Mùa hiền ngoan
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top