ClockChủ Nhật, 21/03/2021 13:24

Điều chưa kịp nói

TTH - Căn nhà bốn mái nằm gọn lỏn giữa khu vườn rộng, bao quanh là bờ thành tre xanh. “Thánh địa” của bà Danh luôn được xem là uy thế trong vùng. Bà để một khoảnh lớn trồng chè, phần còn lại là cây ăn quả lâu năm nào mận, cam, bưởi… nơi mà phong thái từ bụi cỏ đến bờ tre cũng ăn theo sự uy phong của gia chủ. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, tiếng thân tre cọ vào nhau nghe đủ rợn người.

Mình trở lại Cầu Tình đi em...Hoa cải vàng cứ chao trong gióBi kịch từ đâu

Hồi tôi còn nhỏ, trong làng toàn nhà tre phên đất, vậy mà nhà bà Danh đã bê tông kiên cố. Chưa kể thêm mấy vật dụng hiện đại chỉ xuất hiện ở nhà bà thời điểm đó như đầu đĩa, tivi, tủ lạnh… Lũ con nít chúng tôi cũng chỉ “nghe nói” chứ ít khi có dịp được thưởng lãm. Toàn bộ tài sản này đều được đời trước để lại. Bởi thế, cả căn nhà và khu vườn trở thành xứ sở bí ẩn mà đám con nít vô cùng tò mò.

Bà Danh có đến mười người con sau khi cố sinh cho được đứa con trai nối dõi. Bởi vậy, từ khi cậu út ra đời, mọi sự chú ý, tình yêu đều đặt trọn. Lạ một điều, con người càng được chiều chuộng lại càng hư hỏng. Bà cho chú thỏa mãn chí tang bồng nam bắc, để rồi trong cơn sốc thuốc phiện, phải mang chú về quê khi còn nửa năm thôi là ra trường. Bà cho con học nghề cắt tóc và hỏi lấy một cô vợ hiền lành trong làng. Muốn theo sát con nên bà Danh cũng làm một quán bán tạp hóa cạnh cái tiệm của con trai mình.

Hai quán nhỏ liền kề, nép mình dưới bóng cây xà cừ cổ thụ. Đây có thể xem là vị trí đắc địa, nơi người ta thường xuyên qua lại hay lưu thông sang bờ sông bên kia. Quán làm bằng nan tre, được đan cẩn thận và phết lên bằng lớp bùn non trộn cùng phân trâu. Bên trên dùng ngói lợp đã ngả màu bởi lớp rêu dày đặc. Hàng hóa của bà Danh được đặt trên một chiếc giường tre. Thường chỉ thấy đôi ba chai nước mắm, vài cân đường, kim găm và kẹo lẻ. Bà bán hàng không hẳn vì thu nhập mà để “trông nom” đứa con trai sắp bước tới tuổi bốn mươi của cuộc đời.

Quán làm tạm bợ nên bà và cậu con trai dọn hàng ra vào mỗi ngày. Cứ sáng sớm, trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng vang danh của một thời, chú chở mẹ và đồ nghề của mình ra quán. Vợ chú gánh hàng hóa theo sau. Khi chú đạp xe đến nơi, hút xong điếu thuốc lá thì cũng vừa lúc gánh hàng của người vợ xuất hiện. Ba mẹ con cứ như những chiếc kim giờ, phút, giây của chiếc đồng hồ vạn năm, lặp đi lặp lại chuẩn xác vào mỗi ngày. Sau khi người mẹ bày dọn xong hàng hóa, chú bắt đầu những thao tác: treo chiếc gương, xếp lại kéo, tông - đơ, váy tay… và ngồi chờ khách. Khách thì thưa thớt, dăm thì mười họa mới có một lượt. Nhưng bao năm tháng trôi qua, điều đó không tác động gì đến cuộc đời chú, bởi dù không có khách nào thì người mẹ vẫn lo cho con, cho cháu đủ ngày ba bữa. Tuy nhiên, cái điệu bộ “bình chân như vại” của chú đối với cuộc mưu sinh thật xô lệch với những đứa con đang lớn dần từng ngày.

Bà cũng bắt đầu một ngày buôn bán của mình bằng sự bình thản nhất. Chờ ai đó đến mua dăm ba cái kẹo, chai nước mắm hoặc ngọn thuốc lá. Hàng hóa bán ra cũng nhỏ giọt như khi lấy hàng về. Toàn bộ hàng của bà cũng vẻn vẹn trong hai chiếc thúng tre mà người con dâu gánh ra vào mỗi buổi sáng và gánh về khi trời sẩm tối. Hồi đó quán xá ít. Đáng lẽ, bà có thể chuyên nghiệp và phong phú hơn với công việc của mình.

- Tui sợ bận rộn lại chẳng có nhiều thời gian cho con.

- Lẽ nào bà trông nó cả đời?

- Thì được ngày nào hay ngày đó.

- Chẳng lẽ bà không biết “miệng ăn núi lở”. Bà không tập cho con đi bằng đôi chân của mình, đến lúc bà “trăm tuổi”, nó biết xoay xở thế nào với cuộc đời?

Bà không nói gì. Chú nhìn thấy sự dềnh dàng của bà với mớ hàng hóa để tin thêm vào “kho báu” mà mẹ mình sở hữu. Đó là một ẩn số, kể cả với đứa con trai duy nhất của bà.

Hai mẹ con vẫn tiếp tục những tháng ngày đều đặn. Và tôi chỉ nhận ra sự thay đổi khi mái ngói rong rêu được thay vài ba viên mới, trông giống như hàm răng sún của người già. Vẫn chiếc giường tre và sơ sài hàng hóa, chú và bà vẫn đến quán đúng giờ. Chú vẫn làm việc đầu tiên trong nhiều năm qua là treo gương, sắp xếp đồ đạc và chờ đợi. Những ngày không có khách, khói thuốc càng trở nên dày đặc. Thời gian làm những đứa trẻ lớn lên còn người lớn bắt đầu già đi. Những sợi bạc đã phủ kín mái tóc của bà và làm hoa râm trên đầu của chú. Không biết, chú có nhìn thấy nó khi vô tình lướt qua gương trong hàng ngàn ngày qua?

Những đứa cháu nội lần lượt đi học ở xa. Nơi mà chi phí sinh hoạt lớn gấp nhiều lần so với quê nhà. Những đồng tiền còn lại của bà Danh chỉ đủ để trang trải chi phí cho mấy tháng đầu tiên. Tôi đồ rằng, cái kho báu của bà chắc chỉ là lời đồn thổi nào đó, bởi một hôm tôi thấy chiếc tivi rời đi khỏi nhà. Nhưng chú vẫn tin đống tài sản của mẹ mình chắc còn dào dạt lắm.

“Bán cái bình cổ đi con, nó không có tác dụng gì ngoài trang trí” – Bà Danh nói

“Bán cái bàn ủi than con gà đi con, nghe đâu giờ người ta sưu tầm rồi, được giá lắm đó”.

“Ai mua tre cũng bán luôn, để nhiều rậm nương chứ được gì?”.

Vậy là, nhiều thứ của sự uy phong lần lượt ra khỏi nhà bà. Dù có nhiều sóng gió thì bà vẫn song hành cùng cậu con trai út bên tiệm cắt tóc. Vẫn kéo và tông đơ, vẫn những làn khói nhả cao vút lên trời. Và gánh hàng của bà cũng theo đôi vai cô con dâu đi về mỗi sớm hôm bên cạnh những cửa hiệu đồ sộ mới mở.

Những ngày hè, miền Trung oi bức đổ lửa. Cơn nóng dường như gia tăng hơn khi màu xanh bớt dần. Trước đây, vùng quê này xanh lắm. Cây cối nhiều đến độ tôi không dám đi về một mình vào ban đêm bởi tiếng gió thốc, tiếng hàng tre rì rào cọ rít vào nhau. Từ nhà bà Danh sang nhà tôi cỡ mấy chục bước chân, vậy mà lần nào cũng phải nín thở, chạy nguyên một mạch để về trong những hôm trời đã tối. Nhưng giờ đây, mọi thứ dần thay đổi. Cả đến bờ thành tre như rừng rậm của bà cũng thưa dần để lo cho “cơm áo, gạo tiền”.

Dưới tán xà cừ già, bà nói:

“Nóng quá nhỉ”?

“Tiếc là con vừa bán cái quạt đi rồi”.

Tiếng gió lất phất từ quạt tre bay đi đâu đó trong không gian mênh mang của mùa hè cho đến một ngày bà Danh không còn nữa. Cậu con trai vẫn tiếp tục công việc cắt tóc trong quán nhỏ ven sông. Vẫn chậm rãi với từng thao tác của mình và vẫn chờ những lượt khách đến quán. Và khách vẫn dăm bữa nửa tháng mới có một lượt.  Một buổi sớm, chú chạy xe đi trước, người vợ chở thùng hàng theo sau. Chờ chồng dọn hàng và thong thả hút xong điếu thuốc, người vợ thông báo:

- Đến kỳ nộp học cho con rồi, mà nhà đâu có tiền. Tiền sinh hoạt của cả nhà cũng...

Vợ chú dừng nửa chừng câu nói, khi bắt gặp ánh mắt của chồng, lần đầu tiên trong đời có vẻ gì đó như hoang mang.

- Vậy thì bán tạm nửa mảnh vườn đi.

- Còn 2 đứa nhỏ đang lớn nữa. Rồi những ngày sau...

Chú đưa thuốc lên rít liên tục cho đến lúc chỉ còn cái đầu lọc trơ ra. Tiếc là bà chưa bao giờ nói với con trai, chỉ cho nó thấy ngày sau sẽ ra sao khi đã bán hết đất hết vườn...

YÊN THƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn

Chiều 19/1, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Cùng tham dự có có Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn
Ánh sáng lặng thầm

Ông nội tôi ốm, phải nằm viện huyện. Năm ấy, tôi học lớp 9. Nghe tin, buổi chiều tan học, tôi đạp xe gần 10 cây số vào viện thăm ông. Mặt trời mùa hè buông ánh nắng vàng nhạt, con đường nhỏ dẫn vào bệnh viện loang lổ bóng cây. Khi rẽ vào đường mòn, tôi húc phải đống đá ai đó đổ tràn ra đường. Cú ngã đau điếng khiến tôi bật máu ở đầu gối, chiếc quần cũ rách lỗ chỗ. Tôi hì hục lắp lại chiếc xích xe bị tuột, tay dính dầu đen nhẻm.

Ánh sáng lặng thầm
Lời xin lỗi muộn màng

Sáng nay trời trở rét, mưa phùn lất phất. Từ đêm qua, gió mùa đã tràn về, mang theo hơi lạnh đặc quánh. Sau những ngày nắng đẹp đón Tết, hôm nay trời lại chuyển lạnh, như mùa đông chưa chịu rời đi dù mùa xuân đã về. Nhưng nghĩ đến cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè sắp đến ở miền Trung, Hoàng lại cảm thấy cái lạnh này thật đáng giá biết bao.

Lời xin lỗi muộn màng
Mùa hiền ngoan

Cuối cùng chiếc áo ấm cất trong góc tủ cũng được mẹ lấy ra. Rõ ràng mùa đông đã đi qua hơn một nửa nhưng trời vẫn còn hiền ngoan lắm. Cho đến vài hôm trước, khi cơn mưa liên tục kéo dài mấy ngày liền, vậy là hương vị mùa đông bắt đầu ùa vào gian bếp của mẹ.

Mùa hiền ngoan
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top