ClockThứ Bảy, 09/11/2024 06:49
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:

Cách làm hay ở Kim Long

TTH - Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Khởi công trùng tu nhà vườn tại phường Kim LongHuế phải lấy nền tảng văn hóa, con người để trở thành nguồn lực

 Ban tổ chức trao giải cho đại diện hai tập thể tại cuộc thi

Hiểu hơn, tự hào hơn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến những giá trị truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng, Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Nhân dân phường Kim Long 1930-2020” (gọi tắt là Cuộc thi). Mỗi người dự thi ngoài thực hiện phần trắc nghiệm còn phải dự đoán số người trả lời đúng. Hàng tuần, ban tổ chức đều trao giải cho các cá nhân, tập thể. Sau 4 tuần phát động, triển khai, lễ tổng kết, đánh giá trao giải diễn ra sôi nổi và để lại nhiều cảm xúc cho những “thí sinh”.

Bà Bùi Thị Minh Túy, một người dân tổ dân phố (TDP) 2 tham gia đều đặn 4 tuần thi; bà còn kêu gọi hai con gái hưởng ứng. “Tôi rất tâm đắc về quá trình đấu tranh cách mạng của cán bộ lão thành giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, gian khổ là thế nhưng bậc tiền bối thể hiện ý chí chiến đấu quật cường, bất khuất. Qua cuộc thi, tôi hiểu biết thêm nhiều điều. Tôi khá ấn tượng với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vì họ có lực lượng hùng hậu, tham gia đều và kết quả thi cũng tốt”, bà Túy chia sẻ.

Tuy đạt giải Khuyến khích song ông Đặng Thanh Lương, một cán bộ hưu trí 70 tuổi rất tự hào. Quê Quảng Bình, vào sinh sống ở Kim Long đã lâu, ông bảo rất quan tâm đến sự đổi thay của vùng đất này. Ông cho hay: “10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh. Từ 2012, trên địa bàn chỉ có 130 đảng viên thì nay, Đảng bộ phường có hơn 300 đảng viên. Tôi hiểu và tự hào hơn về truyền thống lịch sử địa phương, vốn kiến thức cho bản thân được bổ trợ sẽ phục vụ công tác tuyên truyền cho người dân”.

Bạn trẻ Phan Cát Tường, sinh viên Trường đại học Luật Huế ở TDP 10 cùng cả gia đình dự thi, bàn bạc số dự đoán đều đặn hàng tuần. Tường nói: “Em biết đến cuộc thi qua zalo, facebook phường. Mỗi lần thi, gia đình em trao đổi, thảo luận sôi nổi lắm. Nhờ cuộc thi, em hiểu thêm về lịch sử quê hương, biết thêm một số địa danh nổi bật. Người trẻ như em tự hào về quá trình đấu tranh cách mạng của thế hệ đi trước, càng trân trọng những thành quả đạt được của ngày hôm nay”.

Ứng dụng công nghệ phục vụ tuyên truyền

Để đảm bảo chất lượng, ban tổ chức cuộc thi xây dựng, biên tập, trình Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế thẩm định bộ đề thi và đáp án theo quy trình, kỹ lưỡng gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm trải đều kiến thức trên các lĩnh vực. Đảng ủy phường triển khai cuộc thi trên trang fanpage Phường Kim Long - Thành phố Huế và trang thông tin facebook Mặt trận Kim Long. Các đoàn thể chính trị - xã hội phường cùng đăng tải, chia sẻ trên trang thông tin của đơn vị mình, hệ thống truyền thanh của phường phối hợp xây dựng đưa tin về Cuộc thi thường xuyên. Cấp ủy Chi bộ các tổ dân phố tận dụng các nhóm zalo tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia thi. 

Cuộc thi thu hút 3.356 lượt người dự thi. Trong đó, có 2.579 thí sinh trả lời đúng 15/15 câu trắc nghiệm tìm hiểu “Truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Nhân dân phường Kim Long 1930-2020” (chiếm tỷ lệ 76,8%). Các đơn vị có số thí sinh tham gia nhiều nhất theo thứ tự gồm: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường, TDP 10, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, TDP 9… Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho hai tập thể có số thí sinh tham gia nhiều nhất và 20 cá nhân xuất sắc đạt giải với cơ cấu: 4 giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích/4 tuần, 2 giải tập thể. Giải Nhất tập thể thuộc về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường, giải Nhì tập thể thuộc về cán bộ và người dân TDP 10.

Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là sân chơi bổ ích về tuyên truyền, phổ biến truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Nhân dân phường Kim Long. Qua đó, còn cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, khẳng định tính đúng đắn trong hướng đi mới của công tác tuyên truyền, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay đối với công tác này. Bí thư Đảng ủy Phường Kim Long - Trần Duy Sanh thông tin: “Thời gian tới, để các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu mang lại hiệu quả cao hơn nữa, Đảng ủy sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Sáng kiến, đổi mới cách thức tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu, hướng đến chuyển đổi số, phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng. Từ cuộc thi này, chúng tôi có thêm kinh nghiệm trong việc kêu gọi cán bộ, nhân viên, người dân đồng hành trong các hoạt động của địa phương”.

Theo bà Trần Hải Yến - UVTV Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, bên cạnh những phương pháp tuyên truyền truyền thống, khi kết hợp hài hòa với sự đổi mới, sáng tạo, tận dụng công nghệ số, kiến thức lịch sử sẽ được truyền tải một cách dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, qua đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, khơi dậy ý chí tự lực tự cường và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc trong mỗi người dân.


Bài, ảnh: L. GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top