ClockThứ Bảy, 03/02/2024 07:50

Ấn tượng với tết Việt

TTH - Được trải nghiệm tết Việt với những giảng viên nước ngoài sang Huế giảng dạy, hay sinh viên Lào đến Huế học tập, luôn là những ấn tượng khó quên và họ càng thêm yêu quý vùng đất Cố đô.
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam - Hàn QuốcSinh viên Hàn Quốc giao lưu, trải nghiệm Tết cổ truyền Việt NamLưu học sinh Lào ở lại đón tết Huế

Chanmany Seesavanh cùng cô bạn thân Keosy Xayakeo mặc áo dài chụp ảnh ở di sản Huế 

Những khám phá thú vị

Từ Lào sang Huế du học đã được 3 năm, Chanmany Seesavanh, cô sinh viên năm 3 Khoa Ngữ  văn, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã có đến 2 năm ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Dù dịp tết nào nhà trường cũng cho nghỉ học sớm, thời gian kéo dài, song cô sinh viên này không về nước. Phần vì tiết kiệm kinh phí, phần quan trọng hơn là để trải nghiệm tết truyền thống ở Việt Nam.

Hòa vào không khí của những ngày giáp tết, Chanmany Seesavanh cùng cô bạn thân Keosy Xayakeo, sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế diện lên mình bộ áo dài truyền thống Việt Nam và đi chụp ảnh ở hệ thống di sản, các điểm đến đẹp trong TP. Huế. Mặc trang phục truyền thống của Lào (có tên gọi là Sinh) đã quá quen thuộc nên khi được mặc áo dài của Việt Nam là một điều thật ấn tượng với hai cô gái trẻ. So sánh với Sinh, hai cô gái cho rằng, mỗi trang phục đều có nét đẹp riêng, thể hiện chiều sâu văn hóa của mỗi đất nước. Riêng áo dài vừa thể hiện sự thướt tha, vừa tôn vinh được vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.

Vào những ngày gần tết, thành phố khoác lên mình chiếc “áo hoa” mới thật rực rỡ. Chanmany Seesavanh chia sẻ, người Việt Nam vào những ngày tết, nhà nào cũng mua thật nhiều hoa về để trong nhà. Bạn trẻ này tìm hiểu và biết được ý nghĩa trang trí hoa trong nhà là thể hiện sự đơm hoa, kết trái. Đó là sự kết tinh của một chặng đường dài và hôm nay đã khoe sắc. Ngày tết phải có hoa trong nhà, mới có niềm vui, may mắn cho một năm. Biết vậy, nên cả nhóm bạn du học sinh Lào hào hứng ra chợ hoa mua một chậu hoa cúc nhỏ đặt trong phòng để có không khí tết Việt. Cả phòng ai cũng kỳ vọng có một năm mới nhiều may mắn và thành công hơn trong học tập.

Trong năm đầu tiên trải nghiệm tết Việt Nam, thấy nhiều người trao cho nhau một phong bao, có rất nhiều màu sắc; trong đó, phần lớn là màu đỏ. Trên đó có rất nhiều câu chúc mừng năm mới hanh thông. Hỏi ra thì biết đó là phong tục lì xì đầu năm của người Việt. Bất ngờ hơn với ý nghĩa, người nhỏ trao lì xì là dành lời chúc sức khỏe cho người lớn. Còn người lớn mừng tuổi con cháu là chúc các cháu nhanh lớn, đạt nhiều thành công trong công việc. “Đó là truyền thống mà với người trẻ như em cảm thấy thật ý nghĩa, chỉ mong những ngày tết có ai đó lì xì, để cũng gặp tài lộc cho cả năm”, Chanmany Seesavanh tươi cười.

Càng sống lâu tại Việt Nam, am hiểu nhiều hơn văn hóa của người Việt, những du học sinh càng yêu mến Huế nhiều hơn. Huế là vùng đất Cố đô, nơi từng kinh đô cuối cùng triều đại phong kiến của Việt Nam, vì vậy, cái tết cũng có những nét riêng biệt trong dòng chảy tết ở Việt Nam. Với những chàng trai, cô gái đến từ nước bạn Lào, ngày tết ở Việt Nam họ thường dành trọn thời gian để du xuân, hòa vào những nét đặc trưng của Tết Huế. “Chúng em đã vào Đại Nội, dừng lại rất lâu tại các trò chơi cung đình. Em thấy các trò chơi này thật độc đáo, thể hiện sự khéo léo và bác học nữa”, Keosy Xayakeo nói.

Cô giáo dạy văn tương lai Chanmany Seesavanh tâm đắc, ấn tượng nhất đối với em về tết Việt là những mâm cơm ngày cuối năm. Ai đi xa, tết cũng cố gắng để trở về nhà. Trong những giây phút cuối năm đó, tất cả mọi người tập trung lại, cùng làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Sau đó là cùng ngồi lại ăn một bữa cơm tất niên cuối năm. Đó là bữa cơm quan trọng nhất của cả một năm dài đằng đẵng.

Những sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đi xa

“Mỗi khi trở về nước, em đều đi chợ, mua thật nhiều thực phẩm ngon, về nấu những món ăn ở Việt Nam và món ăn  truyền thống của Lào rồi cùng ngồi ăn với ba mẹ. Trong bữa cơm đó, em kể cho bố mẹ nghe về những nét truyền thống ở Việt Nam. Đặc biệt là những bữa cơm cuối năm. Con cái dù đi xa muôn phương cũng về nhà và cùng ăn một bữa cơm cuối năm với ước nguyện đoàn viên, sum vầy”, Chanmany Seesavanh kể lại.

Đến Huế với thời gian đủ để những người trẻ ở nước bạn Lào hiểu về con người, văn hóa của vùng đất Cố đô. Chọn Huế làm nơi học tập để xây dựng nghề nghiệp cho tương lai, những du học sinh từng bước trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và nước Lào. “Năm nay, em quyết định ở lại Huế và sẽ đi khám phá, trải nghiệm tết truyền thống nhiều hơn. Để sau này trở về Lào sinh sống sẽ giới thiệu những nét văn hóa tốt đẹp, nhất là trong ngày tết ở Việt Nam đến với thật nhiều người Lào”, Chanmany Seesavanh đặt mục tiêu.

Đã đến Việt Nam nhiều lần, GS. Patrice Baillet, nguyên Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Bệnh viện Simon Veil, Eaubonne, Cộng hòa Pháp, giảng viên thính giảng tại Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cũng có dịp trải nghiệm tết Việt. GS. Patrice Baillet chia sẻ, tết truyền thống ở Việt Nam khác nhiều ở quê hương ông. Ở Pháp, đó là dịp nghỉ lễ cuối năm, mọi người dành thời gian cho gia đình, người thân. Còn ở Việt Nam thích nhất là không khí du xuân. Có rất nhiều điểm đến được hình thành để mọi người cùng đến vui chơi, tham gia các trò chơi, chụp ảnh… Sau khi về nước ông đã kể cho rất nhiều người nghe về tết truyền thống ở Việt Nam và đã có nhiều người thân chọn Huế nói riêng và Việt Nam nói chung làm điểm du lịch thời gian qua.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác Sinh viên, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng, do khoảng cách về địa lý cùng kế hoạch học tập, các bạn sinh viên Lào đang học tập tại trường đã không thể về nhà trong thời khắc đặc biệt như tết. Để chung vui cùng các bạn lưu học sinh Lào, trường tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu với các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường, với mong muốn giúp các em phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, đồng thời động viên các em chuyên tâm, chăm chỉ học tập. Từ khi đón nhận du học sinh Lào sang học tập, các em đã giúp quảng bá văn hóa của Việt Nam sang Lào và Lào sang Việt Nam; là nhân tố tích cực góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, tình cảm keo sơn gắn bó của Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top