ClockThứ Bảy, 07/09/2019 12:25

An Cư giờ thỏa ước mong

TTH - An Cư là tên của một trong 4 tổng thuộc huyện Phú Lộc trước năm 1945. Đó cũng là tên làng, không phải một mà là hai, An Cư Đông, An Cư Tây và còn nữa là An Cư Tân. Nó còn là tên gọi một đầm nước lợ, nằm nép mình dưới chân Hải Vân Quan huyền thoại.

Mùa hàu ở đầm Lập AnVượt đầm Cầu Hai

Đầm Lập An. Ảnh: SỞ DU LỊCH CUNG CẤP

1. Xin được bắt đầu bằng tổng An Cư. Năm 1822, vua Minh Mạng cho đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên và đến năm 1835, chia phủ này thành 6 huyện. Đơn vị phường trong dân gian trước đó khá nhiều kể từ nay bãi bỏ hết, đổi thành thôn, ấp hoặc xã. Nguyên là một phần đất thuộc huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc được thành lập bao gồm 4 tổng là An Cư, An Nông, Lương Điền và Diêm Trường.

Sử nhắc nhiều đến cái tên An Cư là vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945. Nằm chênh vênh và cô lập giữa trùng điệp là đèo cao, từ Phước Tượng đến Phú Gia, rồi sừng sững là Hải Vân đệ nhất đèo. Ấy thế mà phong trào mùa thu cách mạng vẫn sục sôi và đầy hào khí nơi đây. Nhận được chỉ thị ngày 18/8/1945, Mặt trận Việt Minh Phú Lộc họp bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa và vạch ra kế hoạch cướp chính quyền ở Huyện đường Cầu Hai.

Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Lộc tường thuật, rạng sáng 19/8, từ tổng Diêm Trường (khu III Phú Lộc), đội tự vệ vũ trang cùng Nhân dân trong tổng chia làm 2 đoàn, tập kết ở 2 bến đò Nghi Giang và Diêm Trường, đổ bộ vào Truồi và bến Nước Ngọt, bến đò Phước Tượng (tổng An Cư) rồi hợp quân với Nhân dân 2 tổng An Nông, Lương Điền ở phía bắc và tổng An Cư để kéo về huyện đường Cầu Hai khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước đó tại tổng An Cư, các đồng chí Trần Chí Cường và Nguyễn Đình Sản được lệnh của Huyện ủy về tại đình Trung Kiền tập hợp lực lượng cách mạng, chuẩn bị vũ khí tổ chức cướp chính quyền. Đình làng được sử dụng làm nơi tổ chức, hoạt động, huấn luyện cách mạng. Bấy giờ, một số thanh niên của các làng, ấp thuộc tổng An Cư đã hăng hái tham gia mặt trận Việt Minh và nhận nhiệm vụ Đảng giao phó, như: Nguyễn Phiên, Lê Công Trình, Lê Công Đăng, Võ Lạng. Một số thanh niên yêu nước đã rèn giáo mác, huấn luyện quân sự.

Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là lúc cái tên An Cư trở thành hoài niệm về một thời hào hùng để thay vào đó là khu II Phú Lộc vẻ vang với các tên xã Đại Hòa, Đại Nguyên, Đại Thuận, Đại Quang, Đại Hải, Đại Tiến, rồi Tân Lộc, Vĩnh Lộc anh hùng.

Đầm Lập An vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ. Ảnh: NGUYỄN PHONG

2. Trước khi có tổng An Cư đã có làng An Cư. Năm 1558, cùng thời điểm Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị lập nên xứ Đàng Trong, làng An Cư Đông được thành lập. Sang thời Cảnh Hưng thứ 12 (1752), làng có tên là Phường Phước An Kiều Cư. Thời Minh Mạng thứ 11 (1831), hai từ “An” và “Cư” trong cụm từ Phước An Kiều Cư để đặt cho làng đã đổi thành ấp, gọi là ấp An Cư. Không có chi hơn là mong muốn cho con dân trong làng được an cư, lạc nghiệp.

Đã có Đông thì phải có Tây. Lời rằng, phía Tây đầm An Cư có vùng thung lũng nằm dưới các chân núi ven con sông Hói Mít, bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (đầu thế kỷ 18) đã manh nha một làng quê mới. Lúc đầu vẫn gọi nôm na là Hói Mít. Đến thời Bảo Đại mới chính thức trở thành làng An Cư Tây. Đồn đại rằng, tại Hói Mít, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần có một đồn lính. Năm 1774, quân Đàng Ngoài tiến đánh. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ chạy vào Quảng Nam bằng thuyền. Mẹ chúa là bà Nguyễn Thị Ngọc Cầu từng ẩn trốn nơi đây.

Gọi là Đông và Tây là cũng bởi do cả 2 làng này đều nằm ven đầm An Cư. Có bán kính rộng chừng 15km và diện tích khoảng 800 ha, đây là đầm nước lợ lớn nhất ở Thừa Thiên Huế. Được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước là vịnh Lăng Cô mênh mang nước lặng, bóng cây soi xuống tấm gương khổng lồ màu xanh mát như ngọc, đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên. Tên gọi An Cư cũng là câu chuyện thú vị. Sách Đại Nam Nhất thống chí (1875) ban đầu gọi là đầm Sam (do có nhiều sam). Một số tài liệu gọi là vũng Sò (do có nhiều sò sinh sống). Đến thời vua Kiến Phúc (1883), đầm mới chính thức có tên là đầm An Cư (nói chệch là vịnh An Cư hay vụng An Cư). Gần đây còn thêm tên gọi là đầm Lập An gây nhiều tranh cãi.

3. Có dịp về Lăng Cô, tôi thường thích dạo quanh đầm An Cư. Nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân với con đường uốn lượn chạy quanh, đầm Lập An như một dải lụa mỏng, mềm mại, làm say đắm lòng người, bên cạnh “người hùng” Bạch Mã và Lăng Cô thơ mộng. Đã có nhiều nhà hàng nổi lên giữa đầm tạo nên những điểm nhấn sinh động nhưng An Cư vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của ngày nào…

Nơi ven đầm An Cư, tôi đã có dịp làm quen với một người. Anh tên là Ty, trạc tuổi tôi, xấp xỉ 60. Mấy chục năm trước, đang làm ăn khá giả ở thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ vợ chồng Ty bỏ lại đằng sau phố hội đông vui để trở về quê hương, lập vườn, làm trang trại, sống cuộc đời ẩn sĩ. Ngôi vườn rộng cả chục ha với phong cảnh hữu tình, với bao của ngon vật miền thôn dã là điểm đến của bao người. Nghe đâu, vợ chồng anh là chỗ thâm giao với danh hài Hoài Linh. Năm nào cũng đôi lần, danh hài này ra Huế và nghỉ lại nơi đây. Hoàng hôn ngày hè, ngồi nhâm nhi ly rượu nồng cùng Ty giữa mênh mông núi đồi và sông nước, tôi như chợt hiểu, An Cư giờ đã điểm hẹn, nơi đất lành chim đậu.

Dừng bước lại Thừa Lưu, tôi ghé thăm đình làng Trung Kiền. Dấu xưa còn  tỏ và tôi như nghe lời người vọng vang khi cả tổng An Cư từ Lăng Cô lên, ở Cảnh Dương sang, từng đoàn người với gậy gộc và thí thế ngút trời cùng hội tụ để từ đó hợp cùng đồng chí, đồng bào ở Diêm Trường sang và An Nông, Lương Điền về, để cùng tiến lên giành chính quyền ở Huyện đường Cầu Hai trong mùa cách mạng 74 năm trước. Cũng chính nơi đây vào ngày 6/1/1946, Nhân dân trống dong, cờ mở, dương băng rôn, khẩu hiệu và bỏ lá phiếu đầu tiên bầu ra Quốc hội độc lập đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.  

Tổng An Cư xưa giờ đã là vùng 5 năm xã, thị trấn: Lộc Bình, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và Lăng Cô. Cách nay 13 năm, dự án Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  với tổng diện tích 27.108 ha đã ra đời, bao phủ lên các tên làng, tên đất thân quen từ Lộc Thủy về Lăng Cô và hiện nay đang là đại công trường của Thừa Thiên Huế với hàng loạt những công nghìn tỷ đang được xây dựng, hứa hẹn về một sự đổi đời thật sự cho vùng đất. Và tôi chợt nghĩ, An Cư, Lập An, Bình An, Phước An… những cái tên xưa là khát vọng chất chứa, giờ đã và đang thỏa nguyện đong đầy, vui sao!

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 5/1, Phòng Dân tộc huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Cựu giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao quà "Xuân yêu thương 2025". Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top