ClockThứ Tư, 22/07/2020 15:01
Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Vang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025

Xây dựng Phú Vang phát triển bền vững

TTH - Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Phú Vang đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đoàn kết, nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Bước chuyển quan trọng của Phong ĐiềnHướng dẫn Nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVBáo cáo dự thảo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI

13/13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật nhất, Phú Vang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển hiệu quả kinh tế biển, đầm phá và quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khai thác thủy sản là một trong những thế mạnh của Phú Vang. Ảnh: Nguyễn Phong

Phát triển kinh tế biển, đầm phá

Ông La Phúc Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Vang cho biết: Để thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Huyện ủy đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp trong từng lĩnh vực và chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đến cán bộ và Nhân dân toàn huyện nỗ lực thực hiện.

Xác định thế mạnh của địa phương là dịch vụ du lịch biển và đầm phá, Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang chú trọng lãnh, chỉ đạo tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, mở rộng phát triển đa dạng ngành nghề; kêu gọi đầu tư, có chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dịch vụ, du lịch nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo đó, nhiều dự án lớn được xúc tiến triển khai đầu tư trên địa bàn huyện, như: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp xã Vinh Thanh và Vinh Xuân của Công ty cổ phần Tập đoàn BRG với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; Dự án Hue Amusement & Beach Park có tổng vốn đầu tư 1.060 tỷ đồng, quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 93 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác trên diện tích 49,5 ha tại địa bàn 2 xã Vinh An và Vinh Thanh.

Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long chia sẻ: Sau khi các dự án trên đi vào hoạt động sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí, làm tăng tính hấp dẫn cho môi trường du lịch của Phú Vang và của tỉnh.

Song song với lĩnh vực dịch vụ du lịch, đánh bắt nuôi trồng thủy sản cũng là một thế mạnh của Phú Vang, vì vậy Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng lãnh, chỉ đạo phát triển thế mạnh này. Qua đó, đã tăng cường chỉ đạo chính quyền, đoàn thể các cấp vận động, khuyến khích ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu thuyền (hàng trăm tàu xa bờ có chiều dài 15 mét trở lên, có công suất đến 1.000CV), đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, xã Vinh Thanh là những địa phương có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong quá trình thực hiện chủ trương này; lực lượng ngư dân sở hữu các đội tàu công suất lớn đánh bắt, dịch vụ xa bờ hùng hậu, đảm bảo sản xuất quy mô, bền vững.

Ngư dân Trần Văn Hùng (xã Vinh Thanh) cho biết, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ (tầm 20 ngày) có khi lãi ròng tầm 500 - 700 triệu đồng. Đến nay, Phú Vang có tổng số tàu thuyền đánh bắt 1.215 chiếc. Năm 2020, sản lượng khai thác đạt 29.500 tấn, tăng hơn 3.860 tấn so với năm 2015.

Theo ông Hồ Thế Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Vang: Khai thác tiềm năng, lợi thế của đầm phá Tam Giang trong lĩnh vực nuôi trồng thủy - hải sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để mang lại hiệu quả về kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Phú Vang. Theo đó, chuyển đổi mô hình nuôi chuyên canh tôm sang nuôi xen ghép tôm, cua, cá là giải pháp hữu hiệu, đã được chính quyền, Nhân dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện tốt trong những năm qua. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.850 ha (trong đó diện tích nuôi xen ghép hơn 2.670 ha) với sản lượng đạt 3.500 tấn. Nhiều ngư dân hàng năm thu lãi ròng tiền tỷ từ nuôi trồng thủy sản, như ông Nguyễn Phước (xã Vinh An), ông Nguyễn Văn Hoàng (thị trấn Thuận An), ông Trương Công Nhật (xã Phú Gia)...

Để tăng hiệu quả, tính bền vững trong khai thác tiềm năng, lợi thế này, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh quy hoạch và xây dựng 7 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt là 177 ha, thành lập 22 tổ chức hội nghề cá; giao quyền và cấp phép khai thác thủy sản cho 13 chi hội nghề cá để ngư dân chủ động trong các hoạt động sản xuất và quản lý với diện tích 3.960 ha. Sản lượng khai thác sông đầm hàng năm luôn duy trì từ 750 đến 850 tấn.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển năm 2016, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các giải pháp kịp thời như hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, hỗ trợ đào tạo nghề..., được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nên Nhân dân tin tưởng, nỗ lực. Tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy hải sản đánh bắt và dịch vụ tắm biển, ăn uống tại các bãi tắm biển và đầm Chuồn sớm được phục hồi. Dịch vụ du lịch biển và du lịch sinh thái trên đầm phá phát triển cả về quy mô và hình thức, đã thu hút khách ngày càng nhiều, góp phần tăng doanh thu ngành du lịch trên 30%.

Phú Vang phát triển cánh đồng mẫu lớn

Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long: Cùng với tập trung phát triển kinh tế biển, đầm phá, trong những năm qua, một chương trình trọng điểm khác của Phú Vang là nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Triển khai chủ trương của Huyện ủy, hưởng ứng mạnh mẽ sự vận động của các cấp Đảng, chính quyền, Nhân dân Phú Vang đã thể hiện vai trò chủ thể, trung tâm thông qua thực hiện hiến đất, đổi đất, đóng góp sức người sức của với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, góp phần to lớn trong mở rộng, bê tông đường sá, “phủ sóng” hệ thống điện chiếu sáng, camera an ninh trên các đường thôn, đường liên thôn, liên xã, xây dựng các nhà văn hóa thôn khang trang... Điển hình như ông Nguyễn Văn Giám ở xã Vinh Xuân đóng góp gần 3,1 tỷ đồng; ông Trương Thanh Phúc ở xã Phú Diên đóng góp gần 2 tỷ đồng…

Dịch chuyển cơ cấu kinh tế đúng hướng, lĩnh vực dịch vụ của Phú Vang tăng từ 41,2% năm 2015 lên 46,9% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 31,2% năm 2015 lên 34,4% năm 2020. Giá trị sản xuất hàng năm tăng trưởng khá, từ 7.691 tỷ đồng năm 2015 lên 13.589 tỷ đồng ước thực hiện năm 2020, nhịp độ phát triển 5 năm đạt 176% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 8,32% năm 2015 giảm còn dưới 5% năm 2020.

Ngoài ra, Phú Vang còn huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau. Từ năm 2015 đến nay, huyện đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng. Nhưng trên hết, từ ý thức, trách nhiệm, hành động thiết thực của cán bộ, Nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, những mô hình hiệu quả đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ, làm sạch, đẹp môi trường, đảm bảo an ninh, chính trị, nâng cao đời sống, để bây giờ Phú Vang tiếp tục bước những bước vững chắc đến đích xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những cánh đồng mẫu lớn có liên kết trong tiêu thụ khoảng 2.300 ha (đạt 18,3% tổng diện tích lúa toàn huyện, lợi nhuận thu được cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2- 7,5 triệu đồng/ha), đang được nhân rộng hơn để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo huyện Phú Vang. Trong nông nghiệp, huyện đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ sinh học, tăng mạnh cơ giới hóa trong trồng trọt, mang lại năng suất và chất lượng cao.

Bí thư Huyện ủy Phú Vang, ông La Phúc Thành cho hay, từ sự nỗ lực trên mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Vang, đến nay toàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 19 tiêu chí, 2 xã đạt 18 tiêu chí, 2 xã đạt 17 tiêu chí, 1 xã đạt 16 tiêu chí, đúng với chỉ tiêu đã đề ra.

“Chúng tôi tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đối với các xã đã công nhận nông thôn mới; hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới các xã còn lại nhằm đưa Phú Vang sớm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới” - ông La Phúc Thành khẳng định.

Đảng bộ huyện Phú Vang có 44 tổ chức cơ sở Đảng với tổng số 4.020 đảng viên. Năm 2019, Đảng bộ huyện được Tỉnh ủy đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Phú Vang dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết

Nhiều mặt hàng đặc sản của Phú Vang được khách hàng ưa chuộng, tăng số lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tăng thu nhập cho người dân.

Phú Vang dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết
Tăng thu nhập từ vụ hoa Tết

Hộ ông Phan Bá Hùng (thôn 2, xã Vinh Thanh, Phú Vang) là một trong những hộ điển hình ở Vinh Thanh (Phú Vang) đầu tư “bài bản” cả về số lượng và chủng loại hoa phục vụ thị trường Tết, tăng thu nhập.

Tăng thu nhập từ vụ hoa Tết
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng

TIN MỚI

Return to top