ClockThứ Hai, 17/01/2022 06:25

Văn hóa - ngành “công nghiệp” quan trọng

TTH - Công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận là một lĩnh vực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Với tài nguyên văn hóa phong phú, Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp “mới” đầy tính sáng tạo này để đạt hiệu quả kép - đồng thời phát triển văn hóa và mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia.

Quảng bá di sản Huế qua cổ phụcĐối thoại mới với lịch sử & văn hóa

Ca Huế luôn có sức hút với du khách khi đến Huế. Ảnh: Đức Quang

Mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia

Sự phát triển văn hóa được coi là yếu tố bên trong, hữu cơ của tất cả các quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới hiện nay, càng cần thiết phải có những nhận thức, lý luận mới về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế; về lực lượng sản xuất văn hóa và các lý thuyết, mô hình phát triển kinh tế văn hóa, công nghiệp văn hóa (CNVH)...

Tài sản lớn nhất của một đất nước là con người, sự sáng tạo cá nhân, kỹ năng và tài năng của người dân đất nước đó. Trong quá trình toàn cầu hóa, sáng tạo trở thành phương tiện mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. CNVH nằm trong và là một bộ phận của kinh tế tri thức. Nó là sự kết nối giữa văn hóa với thương mại và tạo ra lợi nhuận.

CNVH bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm. Đã có 11 ngành được coi là thuộc về CNVH gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính.

Phát triển các ngành CNVH sẽ tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp tích cực, trực tiếp tăng thêm tổng thu nhập quốc gia. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển văn hóa của Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hàng hóa -  dịch vụ văn hóa Việt Nam phát triển phong phú cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế chính là “sức mạnh mềm” văn hóa của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống kinh tế - xã hội, cũng như khẳng định và phát huy những giá trị của văn hóa Việt Nam với thế giới. CNVH có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế để Việt Nam xây dựng nền kinh tế sáng tạo và độc đáo.

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Điều này cũng thể hiện bước phát triển về nhận thức trong đường lối lãnh đạo phát triển văn hóa của Đảng.

Phát huy những lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một nền kinh tế có ngành CNVH phát triển. Việt Nam có thị trường nội địa lớn cùng với thị trường bên ngoài đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn. Việt Nam có dân số trẻ, có “độ nhạy” thương mại và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao. Việt Nam còn có lợi thế về sự đa dạng văn hóa. Cảnh quan văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú.

Sự phong phú và khác biệt vùng miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những sáng tạo văn hóa đa dạng, phong phú.

Ở Việt Nam, nhiều ngành sản xuất mới trong chuỗi cung của ngành CNVH đã hình thành (trong lĩnh vực thời trang, dệt may, vi điện tử và tin học...). Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), các ngành sản xuất trình độ cao, một số ngành công nghiệp tri thức (như công nghệ thông tin) cũng tạo những điều kiện tốt cho CNVH ở Việt Nam phát triển.

Ngành CNVH dựa trên nền văn hóa dân tộc có bề dày và chiều sâu, được kết nối rộng và hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và sức cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, muốn xây dựng CNVH trước hết, cần thay đổi tư duy coi văn hóa - sáng tạo là ngành/nghề phi sản xuất, không đem lại của cải (hữu hình) cho xã hội và phải nhìn nhận đúng các vấn đề (sẽ) xuất hiện trong thị trường văn hóa.

Khi đề cập tới một chiến lược cho CNVH cần phân biệt giữa “chính sách văn hóa, nghệ thuật” với các “chương trình phát triển và đầu tư” - nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành CNVH nói chung hoặc là nhằm tăng tốc sự phát triển của các ngành cụ thể (như phim ảnh, truyền thông, thời trang, trò chơi...).

Để CNVH phát triển, nhất thiết cần chuyển từ mô hình “bao cấp” sang mô hình “đầu tư” cho ngành văn hóa. Điều này có nghĩa, Chính phủ phải xác định được (trước) các giá trị thu về từ sự đầu tư đó. Thí dụ: sự đổi mới nội dung, có thêm công việc mới, thu hút được nhiều khán giả hơn, sự xuất hiện của các cá nhân xuất sắc... gắn với tăng trưởng, thu nhập và số thuế được nộp lại cho ngân sách. Ngoài ra, cần có các chương trình phát triển kỹ năng, tri thức và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực hoạt động trong các tổ chức văn hóa nhằm nâng cao năng lực và cả sự tự tin giúp cho ngành văn hóa có thể mang lại sự tăng trưởng cho ngành CNVH.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

TIN MỚI

Return to top