ClockThứ Ba, 29/08/2017 10:30

Trang sử quê hương qua “đời người cách mạng”

TTH - “Đời người cách mạng” là cuốn hồi ký của ông Nguyễn Vạn, một cán bộ lão thành cách mạng của Thừa Thiên Huế. Hồi ký kể lại quãng thời gian gần 40 năm hoạt động của tác giả, từ phong trào Dân chủ (1936-1939) đến ngày giải phóng Thừa Thiên Huế 26/3/1975.

Nguyễn Vạn có tên khai sinh là Phùng Lưu, sinh năm 1916, quê làng Thanh Thủy Thượng, tổng Dạ Lê (nay là phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy). Trong kháng chiến chống Pháp, ông có tên là Lê Bổn; từ kháng chiến chống Mỹ, ông có tên là Nguyễn Vạn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước, ông tham gia phong trào Dân chủ (1936-1939), vào Hội truyền bá quốc ngữ. Nguyễn Vạn đã cùng Phạm Song mở trường tư thục ở làng. Đến tháng 3/1945, Nguyễn Vạn tham gia Việt Minh bí mật, hoạt động ở địa bàn hai tổng Dạ Lê và An Cựu.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, phong trào chống Nhật lên cao ở Thủy Thanh Thượng, bãi bỏ bộ máy hương lý địa phương, lập ra Hội đồng Dân ủy xã, lấy thóc trong kho của Nhật cứu đói cho dân. Khi Hội đồng Dân ủy xã đến tri huyện Võ Thọ đề nghị công nhận tổ chức này, thì Võ Thọ vốn là một trí thức yêu nước, được cách mạng giác ngộ đã ủng hộ và “mách nước”: “Tổ chức như Xô Viết thế này thì chưa công khai được, nên khi giao tiếp với Nhật cần lấy danh nghĩa hương lý để bọn nó không để ý”.

Hồi ký cho biết, vào một chiều tháng 5/1945, tri huyện Võ Thọ báo cho Nguyễn Vạn biết Nhật đang theo dõi ông, khuyên ông không làm việc công khai ở đình, đề phòng bị bắt. Từ đó, Nguyễn Vạn đã thoát ly gia đình, tham gia hoạt động bí mật. Điều thú vị là cũng chính Võ Thọ, theo sự chỉ đạo của Việt Minh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã dùng danh nghĩa tri huyện, thông tri cho hương lý các xã trong hai ngày 20 và 21/8/1945 tập trung ở đình làng, mang theo triện đồng, sổ bộ hành chính để tiếp quan về làng”. Nhờ đó, khi cán bộ Việt Minh cùng quần chúng đến đình làng, hương lý xã sẵn sàng chuyển giao chính quyền.

Tại huyện lỵ Hương Thủy, tri huyện Võ Thọ đã tự nguyện giao lại con dấu, tài liệu và toàn bộ nhân sự cho chính quyền mới, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện. Về sau, vị cựu tri huyện này đã trở thành cán bộ của Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Một trường hợp nữa nói lên sự cảm hóa của cách mạng, đó là Phùng Đông, Giám đốc Bảo an binh tỉnh Thừa Thiên Huế. Phùng Đông đã được cách mạng giác ngộ. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đã cung cấp cho Đội tự vệ cứu quốc xã Thủy Dương 3 súng tiểu liên, 2 súng trường và nhiều đạn, lựu đạn. Cách mạng nổ ra, ông đã giao toàn bộ đồn trại, binh lính, vũ khí cho chính quyền mới. Sau đó, ông được cử làm Tham mưu trưởng Chi đội Trần Cao Vân (sau là Trung đoàn Trần Cao Vân), bị địch bắt và thủ tiêu tháng 3/1947.

Hồi ký giúp người đọc hiểu thêm những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô cùng gay go, khốc liệt, những hy sinh, tổn thất to lớn của cách mạng, của đồng bào, đồng chí. Tinh thần “Mất đất chưa phải là mất nước, mất dân mới đáng lo” đã thể hiện sinh động rõ nhất trong hai giai đoạn: đó là khi mặt trận Huế bị vỡ đầu năm 1947 và địch phản công ác liệt sau chiến thắng Mậu Thân 1968. Trong hy sinh gian khổ, các lực lượng cách mạng đã bám dân giữ vững địa bàn, bám địch để đánh, gây dựng lại phong trào, dần dần chiếm thế chủ động và chiến thắng.

Là người trong cuộc, tác giả kể lại những trận đánh của Đội cảm tử xã. Rồi sau này là những trận đánh của quân dân ta trong các chiến dịch Xuân 1968, 1975. Tác giả xúc động kể lại gương đồng chí, đồng bào hy sinh trong những trận đánh ác liệt, hoặc những người dân yêu nước đã ngã xuống trước mũi súng kẻ thù để chở che cho tác giả và các đồng chí khác sống để hoạt động cách mạng. Có thể kể nhiều tấm gương như vậy, tiêu biểu như anh Kê, cảm tử quân xã Thủy Dương bị địch bắt, kiên quyết không khai đã bị chúng chặt đầu; anh du kích tên Heo và ba thanh niên Xuân, Hẹt, Khu ở xóm Cầu, xã Mỹ Thủy không chỉ hầm bí mật của ông Nguyễn Vạn đã bị địch bắn chết; anh du kích A Vầu - người dân tộc thiểu số bị quân Mỹ giết, bêu xác ở làng A Trừa…

Hồi ký cũng cho người được biết thêm những cống hiến, hy sinh của cán bộ quân sự, chính trị từ cấp khu, cấp tỉnh, thành phố, huyện xã đến các đơn vị quân đội, du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Vạn từng phụ trách miền núi Trị Thiên và hai tuyến đường: đường Thống Nhất và đường Trường Sơn (tức đường 559) đi qua địa bàn Trị Thiên. Đây là những tuyến đường chiến lược của kháng chiến chống Mỹ. Tác giả cho biết, riêng đường Thống Nhất có 10 trạm, mỗi trạm cách một ngày đi đường rừng. Mỗi trạm có 8 đến 10 người, đa số là thanh niên dân tộc thiểu số. Đối với đường vận tải 559, đi qua Trị Thiên gọi là Đoàn Bắc Sơn. Ông là Trưởng ban chỉ huy Đoàn Bắc Sơn. Ngày 28/7/1959 là mốc thời gian không thể quên của Đoàn Bắc Sơn khi được tiếp nhận chuyến hàng quân sự đầu tiên…Cán bộ, chiến sĩ Trị Thiên vui mừng đến chảy nước mắt. Có người quên cả giữ gìn bí mật, reo lên: “Anh em ơi! Súng đạn Cụ Hồ đã vào Nam!”.

“Đời người cách mạng” là cuốn hồi ký, nhưng tác giả không nói về mình nhiều. Ông đã dành nhiều trang để viết về các sự kiện chính, chiến dịch lớn; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử của nó. Tác giả là người từng 2 lần giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời giữ các chức vụ cao trong khu ủy, Quân ủy khu Trị Thiên. Sau giải phóng năm 1975, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên và nghỉ hưu năm 1977. Tác giả ấp ủ viết cuốn hồi ký đã khá lâu, khi tuổi cao sức yếu mới hoàn thành. Hồi ký tự tay ông viết.

Tác giả qua đời đã lâu, nhưng đọc lại “ Đời người cách mạng” càng thêm trân trọng những dòng hồi ký của người lão thành cách mạng. Qua hồi ký, trang sử quê hương một lần nữa lại hiện lên.

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ (9/1969 - 9/2024)
Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Năm 2024, tròn 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

Ngay từ đầu năm 1945, khi cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi, chiến tranh Thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, nhà thơ đã tiên đoán vận hội mới cho dân tộc Việt Nam sẽ được mở ra qua bài thơ Xuân đến...

Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu
Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba vừa tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày xây dựng và phát triển (1899 – 2024). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, những tiểu thương ưu tú của chợ Đông Ba đã tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng đấu tranh, kiên cường kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong tiến trình đó, những ngày đầu cách mạng ở chợ Đông Ba đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đóng góp chung cho sự lớn mạnh của Thành ủy Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

TIN MỚI

Return to top