ClockThứ Tư, 20/11/2019 06:15
20 năm “đại hồng thủy” 1999

Từ “rốn lũ” Quảng Điền

TTH - 20 năm trôi qua kể từ sau trận “đại hồng thủy” 1999, Quảng Điền đang vươn mình, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020.

Hòa Duân hồi sinh20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi cònDấu ấn công trình “chống lũ”

Mô hình đậu bắp ở Quảng Thọ cho thu nhập 200 triệu đồng/ha

Khởi sắc

Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Điền đến nay đã 80 tuổi, chưa bao giờ ông Hoàng Công Bảo ở xã Quảng Thọ chứng kiến trận lũ nào thảm khốc như “đại hồng thủy” 1999.

Ông Bảo kể: Một buổi chiều yên bình. Bỗng chốc nước lũ cuồn cuộn đổ về kéo dài thâu đêm. Mọi thứ, vật nuôi đều trôi theo dòng lũ xiết...

Sau những ngày chống chọi với trận lũ lớn, nước trong khu dân cư cũng rút dần “lộ diện” những con đường, kênh mương thủy lợi, nhiều công trình công cộng bị tàn phá. Nhà cửa, vườn tược, lợn, gà... phục vụ dịp tết, cũng là niềm hy vọng của người dân có một cái tết ấm đều bị lũ cuốn...

Khi những tia nắng bắt đầu sau những ngày ngập lũ cũng là lúc Quảng Điền bắt tay “tái thiết”. Điều đầu tiên là hỗ trợ, giúp dân dựng lại nhà cửa, kết hợp công tác cứu trợ lương thực, không để bà con thiếu đói. Các công trình giao thông, thủy lợi cũng được khắc phục tạm thời để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Những năm sau đó, phát huy nguồn kinh phí hỗ trợ kết hợp ngân sách địa phương, huyện Quảng Điền từng bước hỗ trợ người dân sản xuất, xây dựng nhà cửa, khôi phục các công trình công cộng...

Cuộc sống và diện mạo Quảng Điền bắt đầu đổi thay kể từ sau trận lũ 1999, nhất là từ khi triển khai xây dựng NTM. Cùng với  sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đóng góp vật chất, công sức xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học...

Đến nay, hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã đều được bê tông, thảm nhựa, gần 100% tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông. Nhiều công trình thủy lợi lớn đa mục tiêu “mọc lên” đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với các công trình công cộng như nhà văn hóa cộng đồng thôn, xã, hay trường học, trụ sở UBND xã được xây dựng kiên cố cao tầng, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, giáo dục mà còn phục vụ người dân trú tránh khi xảy ra bão, lũ. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đều có các công trình hai, ba tầng đảm bảo kiên cố.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến đánh giá, chừng 10-15 năm trở lại đây, diện mạo các địa phương có nhiều chuyển biến. Đường sá, nhà văn hóa, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, chỉnh trang tươm tất, sạch đẹp. Điều vui hơn là hầu hết các hộ dân không chỉ “cơm no, áo ấm” mà còn hướng đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Hộ khá, giàu ngày càng nhiều, xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Hướng đến giảm nghèo bền vững 

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, để hướng đến giảm nghèo bền vững (GNBV), nhiều năm qua,  huyện Quảng Điền đã lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án bố trí, huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, gắn với triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.

Tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia GNBV đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng bãi ngang ven biển. Các địa phương tích cực vận động, hỗ trợ sản xuất, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Một số ngành nghề như đan lát Bao La, đan lát Thủy Lập, làm nón lá, chế biến trà rau má, cơ khí, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, nhà hàng... có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai và mang lại hiệu quả khá cao, như mô hình cánh đồng mẫu lúa, nuôi trồng thủy sản xen ghép, trồng mía, trồng rau an toàn, mô hình trang trại tổng hợp... cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha.

Các ban ngành đang triển khai các hoạt động đào tạo nghề, phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Với các hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện làm việc tại các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn (Công ty CP Triệu Phú ở thị trấn Sịa, Công ty Huy Long ở xã Quảng Công); khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề trên địa bàn như mây tre đan Bao La, mây tre đan Thủy Lập, bún, bánh Ô Sa, mắm ruốc, nem chả, tôm chua...

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đánh giá, có được kết quả như hiện nay, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực của cấp trên cần phải kể đến sự đồng lòng, tham gia, hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Đây chính là động lực cho các địa phương triển khai các tiêu chí NTM một cách thuận lợi. Các tiêu chí NTM được các địa phương thực hiện khá tốt như quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...

Đến nay, toàn huyện Quảng Điền có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM; đang tiến hành xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu; các xã còn lại đạt từ 15-17 tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, các địa phương còn lại đều đạt 19/19 tiêu chí NTM, đưa huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện trên 33 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,56%...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
Dấu mốc của di sản Huế

Tối 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Dấu mốc của di sản Huế

TIN MỚI

Return to top