ClockThứ Hai, 09/11/2020 14:09

Trách nhiệm trước rừng

TTH - Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội, một trong những nội dung làm nóng nghị trường là vấn đề trách nhiệm quản lý, khai thác rừng sau những thiệt hại nặng nề do bão, lũ liên tiếp diễn ra.

Các đợt mưa, lũ gần đây gây ngập, sạt lở đất nặng nề tại nhiều tỉnh ở miền Trung, làm nhiều người chết, mất tích; hàng ngàn người dân bị cô lập mà công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ vô cùng khó khăn.

Phân tích nguyên nhân sâu xa hậu quả thiên tai, nhiều đại biểu cho rằng, chính việc rừng tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng là một căn nguyên, tác động xấu lên môi trường, đời sống con người, khi rừng có vai trò quan trọng, được ví như lá phổi xanh điều hòa khí hậu, giữ nước, ngăn lũ, cản bão...

Thực tế cho thấy, dù đã được cảnh báo, kêu cứu nhưng rừng tự nhiên ở nhiều địa phương tiếp tục bị tàn phá. Chỉ riêng trong quý 3 năm 2019, hàng loạt vụ phá rừng đã được phát hiện ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Sơn La... Những cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ để trồng dược liệu; làm thủy điện; xây khu du lịch nghỉ dưỡng; lấy gỗ...

Tại tỉnh Quảng Nam, nơi xảy ra các vụ sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và của gần đây, trước đó, nhiều cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị phá trắng với mục đích lấy đất lập trang trại, trồng keo. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha rừng nguyên sinh, phòng hộ đầu nguồn thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My bị triệt phá.

Ở Thừa Thiên Huế, dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ nhưng gần đây, 2 ha rừng đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị chặt phá. Đầu tháng 5/2020, lực lượng kiểm lâm liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ rừng trái phép trên địa bàn huyện A Lưới, Nam Đông, TX. Hương Trà, cho thấy rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá âm ỉ.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân gây hậu quả nặng nề về thiên tai là do con người khai thác tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên, khi khai thác thủy điện mà chấp nhận đổi rừng; khi con người có tư duy sai trái là trong nhà dùng toàn đồ gỗ...

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 30 năm qua, tỷ lệ rừng tự nhiên trong cả nước tăng 1,3 triệu ha (từ 9 triệu ha lên 10,3 triệu ha). Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt. Trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt.

Từ diễn đàn Quốc hội và thực tế đặt ra, đã đến lúc cần phải có sự tổng rà soát công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng để có giải pháp phù hợp, quyết liệt. Như lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đại biểu, là sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất của rừng tự nhiên.

Đã đến lúc, nguyên nhân làm mất rừng, làm rừng suy kiệt phải được xem xét thấu đáo. Cùng với đó là gắn trách nhiệm bảo vệ rừng vì sự sinh tồn lâu dài của quốc gia với từng chủ thể. Nếu không gắn và truy trách nhiệm đến cùng về vai trò quản lý thì tình trạng như lâu nay, ở nhiều nơi, việc phá rừng diễn ra ngang nhiên như một đại công trường chốn không người, nơi vô chủ, sẽ lại tái diễn.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm và cống hiến

“Nhiều thanh niên đã tự nguyện viết đơn tình nguyện nhập ngũ để sẵn sàng bảo vệ quê hương, đất nước. Đây không chỉ là truyền thống quê hương, mà còn là sự lan tỏa từ mô hình “Dòng họ không có người vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự” (NVQS) trên địa bàn huyện”, Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền khẳng định.

Trách nhiệm và cống hiến
Trách nhiệm và tâm huyết

Ngày 1/1/2025, vùng đất Cố đô đánh dấu một mốc son lịch sử mới khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vinh dự và tự hào là cảm xúc chung của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố Huế trực thuộc Trung ương; cùng với đó là tinh thần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trách nhiệm và tâm huyết
Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh

TIN MỚI

Return to top