ClockThứ Năm, 13/10/2022 10:11

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến dành 2,5 ngày cho chất vấn

Một số ý kiến đề nghị xem xét giảm thời gian chất vấn từ 3 ngày xuống 2,5 ngày để giảm thời gian kỳ họp; cân nhắc không nên tăng thời lượng phát sóng trực tiếp các nội dung của kỳ họp.

Đề xuất thí điểm đấu giá "biển số đẹp"Xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách cần đảm bảo tính khả thiỦy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận phương án điều chỉnh tiền lương và các vấn đề quan trọng khácỦy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự tại Phiên họp thứ 16Ngày 10/10 sẽ khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên làm việc 

(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Dự kiến Kỳ họp thứ 4 họp trong 21 ngày

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về chương trình chi tiết, có ý kiến đề nghị chuyển phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ tuần thứ 3 (từ 31/10 đến 4/11) sang tuần thứ 4 (từ 7-11/11), tránh tình trạng sắp xếp các nội dung phát thanh, truyền hình trực tiếp dày đặc và liên tục.

Một số ý kiến đề nghị xem xét giảm thời gian chất vấn từ 3 ngày xuống 2,5 ngày để giảm thời gian kỳ họp; cân nhắc không nên tăng thời lượng phát sóng trực tiếp các nội dung của kỳ họp; lựa chọn các phiên họp phù hợp để phát thanh, truyền hình trực tiếp; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để cử tri nắm rõ.

Đối với mỗi nội dung, nhất là công tác lập pháp, một số ý kiến cho rằng nên bố trí trình bày và thảo luận về một nội dung trong cùng một buổi để đại biểu tập trung theo dõi, nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến phát biểu.

Trong trường hợp dự thảo luật còn nhiều vấn đề, cần dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận thì nên bố trí cả 1 buổi cho việc trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra; không nên bố trí họp vào ngày thứ bảy để đại biểu có thời gian xử lý công việc của cơ quan, đơn vị vì đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm.

Ý kiến khác đề nghị bố trí Quốc hội làm việc thêm ngày thứ bảy (ngày 5/11 hoặc 12/11/2022); đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp việc bố trí kết hợp các nội dung cho hợp lý để rút ngắn thêm thời gian kỳ họp...

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí họat động chất vấn trong 2,5 ngày (từ chiều 3-5/11). Ngoài những nội dung phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quy định và thông lệ, đề nghị vẫn giữ bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do 3 nội dung này đã được truyền hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ 3.

Ngoài ra, bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy trong thời gian diễn ra kỳ họp (ngày 22/10 và ngày 5/11); bố trí thảo luận ở tổ và hội trường về Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cùng với phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Giảm thời gian thảo luận ở hội trường từ 0,5 ngày xuống còn 0,25 ngày/nội dung đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đối với nội dung về công tác nhân sự, phần Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về nhân sự, cho phép báo chí vào lấy hình ảnh để đưa tin về công tác nhân sự đến cử tri và nhân dân (như các kỳ họp về nhân sự trước đây).

Ngoài ra, đối với phiên họp giám sát tối cao, đề nghị bố trí Quốc hội xem video clip trong thời gian 20 phút theo như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15.

"Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, bế mạc vào thứ ba, ngày 15/11/2022," ông Bùi Văn Cường cho biết.

Sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết

Theo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Quốc hội xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trong đó, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

Ngoài ra, Quốc hội xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021."

Bên cạnh việc xem xét công tác nhân sự, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có)…

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh đại học 2025: Dự kiến bỏ xét tuyển sớm

Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/1, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ dự kiến sẽ bỏ xét tuyển sớm.

Tuyển sinh đại học 2025 Dự kiến bỏ xét tuyển sớm
Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top