ClockThứ Sáu, 16/10/2020 07:15

Không bầu vào cấp ủy những người kê khai tài sản thiếu trung thực

TTH - Đại hội Đảng là thời điểm số cán bộ, đảng viên quy hoạch bầu cấp ủy phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Vấn đề đặt ra là người thuộc diện kê khai tài sản phải trung thực, nghiêm túc, minh bạch, thể hiện sự trong sáng khi được lựa chọn để bầu vào cấp ủy hoặc đề bạt lãnh đạo.

Thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làmĐó không chỉ là tham ô

1. Câu hỏi cần nêu là tài sản của cán bộ, đảng viên từ thu nhập chính đáng tại sao không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ? Nếu không có gì khuất tất, không minh bạch việc gì phải giấu diếm?

Hiến pháp và pháp luật Nhà nước ta thừa nhận, bảo hộ sở hữu chính đáng về tài sản của công dân, không ai có quyền xâm phạm. Đảng ta chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế, làm giàu hợp pháp trong khuôn khổ pháp luật. Tài sản có được từ thu nhập minh bạch, làm đầy đủ nghĩa vụ cho Nhà nước còn được hoan nghênh, khen thưởng. Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ chỉ có thể là làm ăn trái phép, thu nhập bất minh. Cho nên, giữa kê khai tài sản không trung thực với tham nhũng, làm ăn trái pháp luật có quan hệ mật thiết với nhau. Đảng viên, lãnh đạo không thực hiện hoặc thực hiện kê khai không đầy đủ còn vi phạm quy định đảng viên, vi phạm pháp luật cần được phát hiện, xử lý kịp thời.

Lâu nay, ở nhiều cơ quan, địa phương, cán bộ, đảng viên trong diện phải kê khai tài sản đều thực hiện việc kê khai nhưng chưa nghiêm túc, nặng thủ tục, hình thức. Có những quan chức sở hữu nhiều nhà, đất, ô tô (tài sản có thể nhìn thấy) tính ra tiền tỷ, so với mức lương phải hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có được, nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Đó là chưa kể vàng, tiền, ngoại tệ được cất giấu kín đáo thì không thể kiểm soát nổi. Một số quan chức có nhiều bất động sản giá trị cao lại đứng tên người khác, khó xác định chủ nhân thực sự. Cấp trên có thể biết của ai, nhưng khi muốn xử lý lại không đủ căn cứ pháp lý. Dư luận ông X nào đó mua nhà cho con ở nước ngoài, nhưng chuyển tiền bằng cách nào, nguồn tiền từ đâu, xác minh cho được còn khó hơn “mò kim đáy biển”. Mặt khác, công tác xác minh tài sản rất khó khăn. Những trường hợp phát hiện khai không đúng, không đủ lại chỉ bị xử lý kỷ luật quá nhẹ. Thực tế xử lý kỷ luật với vi phạm này rất ít, đếm được trên đầu ngón tay, cho nên hiệu lực pháp luật bị xem thường.

2. Phiên họp thứ 18, ngày 22/7/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra con số: Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay đã kiến nghị thu hồi hơn 447.000 tỷ đồng, 8.600 ha đất. Đó là những con số gây thiệt hại đáng báo động. Trong số đó có bao nhiêu tiền và đất đai đã bị tham nhũng, tiền chảy vào túi ai? Thử làm phép đối chiếu tổng tài sản kê khai trên toàn quốc so với con số thất thoát nêu trên để xem tỷ lệ kê khai không đúng là bao nhiêu?

Muốn kiểm soát chặt chẽ tình trạng này phải thực hiện nghiêm túc ngay từ khi kê khai tài sản lần đầu và bổ sung hàng năm với những trường hợp bắt buộc. Người có điều kiện tham nhũng có nhiều tài sản lớn cần được tổ chức kiểm tra, xác minh chính xác, đầy đủ. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm túc, khách quan, không thể để tình trạng kỷ luật quá nhẹ hoặc làm xuê xoa, chiếu lệ.

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã chú trọng kiểm soát tài sản, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định”. Ngày 3/5/2017, Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đặc biệt Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội bổ sung, sửa đổi ngày 20/11/2018 đã nêu rõ quy định và chế tài xử lý. Đó là những “cẩm nang” quan trọng buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện và tổ chức các cấp có trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền.

Trong bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình được nguồn gốc...”. Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ là kê khai tài sản mà chính là xác định nguồn gốc và sự bất minh của những tài sản đó.

Những cán bộ, đảng viên được quy hoạch vào cấp ủy, dự kiến bổ nhiệm nếu qua kê khai hoặc thực tế xác minh có nhiều tài sản không phù hợp với mức thu nhập cần phải được kiểm tra thận trọng, kết luận rõ ràng. Không để lọt vào cấp ủy, bầu chức vụ lãnh đạo rồi mới phát hiện tham nhũng của cán bộ như đã xảy ra trong một vài nhiệm kỳ vừa qua.

Kê khai thiếu trung thực là biểu hiện không nghiêm túc, dứt khoát loại bỏ ra khỏi cấp ủy và  không bổ nhiệm lãnh đạo. Đó cũng chính là giải pháp cơ bản để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng hiệu quả.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lừa làm giấy tờ đất đai, chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng

Ngày 26/12, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Võ Nguyễn Hoàng Nguyên (sinh năm 1990), trú tại số nhà 22/13 Phan Kế Bính, phường Thủy Xuân (TP.Huế) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa làm giấy tờ đất đai, chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng
Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

TIN MỚI

Return to top