ClockThứ Hai, 22/10/2018 05:30

Đảm bảo song hành vai trò người đại biểu dân cử tại diễn đàn Quốc hội cũng như các hoạt động ở địa phương

TTH - "Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri tỉnh nhà", Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Cử tri gửi nhiều tâm tư, nguyện vọng tới kỳ họp thứ 6 (khóa XIV)Những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIVLần đầu tiên Quốc hội xem xét bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 22/10 và dự kiến bế mạc ngày 20/11

Về  nội dung, chương trình trọng tâm của kỳ họp lần này, ông Phan Ngọc Thọ cho biết: Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét, đánh giá một số báo cáo quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án luật. Những dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị hết sức chu đáo vì đây là những dự án luật rất quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống người dân cũng như sự phát triển của đất nước trong thời gian đến.

Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình; tiếp tục rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt công việc mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay đầu Kỳ họp thứ 6 và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 23/10. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các quy trình về miễn nhiệm và phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định của pháp luật.

Từ sau Kỳ họp thứ 5 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hoạt động gì để chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới?

Đoàn đã tiến hành tổ chức giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017”. Sau giám sát, đã tổng hợp kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan nhiều vấn đề trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện các chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả trong thời gian tới. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH đã làm việc với Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp về việc giải quyết các vụ án tồn đọng có thời gian kéo dài hơn 10 năm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với các thành viên Ủy ban MTTQVN tỉnh, Câu lạc bộ Công an nghỉ hưu... Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Xin ông cho biết những đóng góp của ĐBQH tỉnh nhà trên diễn đàn Quốc hội trong thời gian vừa qua?

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ (bìa phải) kiểm tra tình hình xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho đến nay, các ĐBQH đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tham gia thảo luận và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Các ĐBQH tỉnh đã có 78 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, tập trung vào các nội dung cụ thể như: Thực trạng quản lý, sử dụng các trang thiết bị cho công tác dạy nghề tại một số địa phương gây lãng phí thất thoát; giải pháp để bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động; thực trạng chuyển nguồn ngân sách; phân bổ ngân sách nhà nước chậm giữa Trung ương và địa phương; chính sách thu hút nhân tài để phục vụ đất nước; những giải pháp đột phá về công tác cán bộ; việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, nhất là kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ... và trách nhiệm của các Bộ trưởng liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Tại các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, các ĐBQH luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp những ý kiến, nội dung có chất lượng vào các báo cáo KT-XH hằng năm, các báo cáo chuyên đề của Chính phủ, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội… và 33 dự thảo luật với hơn 92 lượt ý kiến tham gia.

Nhìn chung, các ĐBQH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử tại diễn đàn Quốc hội cũng như các hoạt động ở địa phương. Kết quả hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao, qua đó tạo được uy tín, vị thế của Thừa Thiên Huế trên nghị trường Quốc hội.

Vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ mang những tâm tư, nguyện vọng gì của cử tri đến kỳ họp lần này?

Hiện nay, khu vực I Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không gian chật hẹp, không được tu sửa, nâng cấp, các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng Quần thể Di tích Cố đô Huế. Một trong những nội dung trọng tâm được cử tri tỉnh nhà quan tâm đó là công tác di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho số hộ dân này. Do vậy, tại kỳ họp lần này, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ về nguyện vọng của bà con cử tri TP. Huế mong muốn sớm được di dời, tái định cư nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, trả lại cảnh quan, môi trường, bảo vệ Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục đại học đoàn sẽ tham gia thảo luận, tạo điều kiện để các trường thành viên trực thuộc Đại học Huế nâng cao tính tự chủ, phát huy vị thế, tiềm lực của mình trong quá trình phát triển.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ làm việc với Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH của tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top