ClockThứ Hai, 30/01/2023 06:24

Chủ động thích ứng với thời tiết cực đoan

Cũng đã khá lâu, ra Tết, Huế mới có mưa to và rét kéo dài như thế này. Trước Tết, thời tiết cũng không mấy thuận lợi, đã ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc hoa và rau màu vụ đông của nông dân.

Theo quy luật hàng năm, sau Tết trời đất thường ấm, là dịp để nông dân ra đồng chăm sóc lúa đông xuân và làm đất khô để trồng lạc, sắn, khoai lang, ngô, đậu và rau màu các loại. Nhưng năm nay, thời tiết đã không thuận.

Đáng lo hơn, do mưa to kéo dài đã làm hàng ngàn ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng, tập trung tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và những cánh đồng thấp trũng ở nhiều địa phương. Trong lúc, công tác đấu úng gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo một số hợp tác xã, do mưa không ngớt đã duy trì lượng nước trên đồng khá lớn, hệ thống đê bao lại không đảm bảo, nước trong các khu dân cư còn tràn ra, khiến việc tiêu úng rất chậm...

Qua kiểm tra thực tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh những diện tích đang bị ngập. Có phương án hướng dẫn, hỗ trợ bà con gieo sạ lại những diện tích lúa bị mất trắng, giảm thấp nhất thiệt hại cho bà con trong vụ lúa đông xuân…

Thời tiết diễn biến thất thường, trái quy luật, đã diễn ra từ nhiều năm nay, mà nguyên nhân được cho do biến đổi khí hậu. Nhớ lại vụ đông xuân năm ngoái cũng không mấy thuận lợi bởi thời tiết. Ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022, một đợt không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao gây mưa lớn trên diện rộng làm hơn 20.000ha lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Chưa hết, vào đầu tháng 5/2022, một đợt không khí lạnh trái mùa khác tràn vào gây mưa gió lớn làm hơn 8.000ha lúa đông xuân đã chín bị đổ rạp, ngập úng…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, rét đậm, rét hại còn xảy ra, tập trung trong nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2023; đồng thời, trong năm 2023, dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền; nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022...

Việc nắm chắc các diễn biến của thời tiết để có sự chủ động ứng phó trong sản xuất là hết sức cần thiết; nhất là việc hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, công tác này đã được lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương, ngành nông nghiệp và người dân quan tâm. Việc thu thập, khảo nghiệm, xác định các loại giống mới năng suất, ưu điểm vượt trội, ít sâu bệnh, chống chịu với thời tiết, thích hợp với từng chân đất của địa phương được áp dụng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trên địa bàn hiện đạt 94%; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ tiếp tục phát triển với hơn 55.900m2 nhà lưới, 7.000ha sản xuất theo VietGAP, 245ha theo hướng hữu cơ…

Tuy nhiên, trên thực tế con số này cần phải được duy trì và phát triển hơn nữa để thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu; nhất là tiếp tục đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc chế kiểu thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất, nhằm đảm bảo năng suất và sản lượng.

ĐẶNG THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

TIN MỚI

Return to top