ClockThứ Sáu, 18/09/2020 15:43

Biển xâm thực, nhiều nhà tốc mái

TTH.VN - Do ảnh hưởng của bão số 5, sáng nay (18/9) khu vực địa bàn tỉnh có gió lớn và mưa to. Vùng ven biển Phú Thuận, Thuận An (Phú Vang) xuất hiện triều cường kết hợp gió mạnh, sóng lớn đã làm đoạn bờ biển sạt lở, xâm thực, nhiều nhà tốc mái.

Gió lốc làm tốc mái 25 ngôi nhà ở Điền HòaNhiều chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão số 5An toàn công trình giao thông trước cơn bão số 5Công an tỉnh huy động khẩn 100% quân số ứng trực, phòng chống bão số 5Hồ tôm phập phồng đón bãoCác dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo điểm dừng kỹ thuậtPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 5

Biển Phú Thuận bị sạt lở, xâm thực

Tại xã Phú Thuận, sóng biển lớn đã làm khoảng 2km bờ biển qua địa bàn thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5-10m, đe dọa trực tiếp đến nhà cửa của 64 hộ dân khu vực này. Tại khu vực đầu múi kè đã thi công, liên tục có sóng lớn và triều cường dữ dội trong sáng nay làm nhiều doi cát ở khu vực này liên tục bị sạt. Tình trạng sạt lở chưa dừng hẳn mà ăn sâu vào chân khu vực rừng dương phía trong. Ngoài ra, gió lớn cũng là nhiều nhà dân ở khu vực Phú Thuận bị tốc mái. 

Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Thuận thông tin, hàng năm vào mùa mưa bão, triều cường, có khoảng 600 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3, nằm trong vùng ảnh hưởng của sạt lở biển. Từ năm 2012-2017, chính quyền xã đã tiến hành di dời 40 hộ dân từ vùng sạt lở ven biển An Dương lên khu tái định cư Xuân An cùng xã. Mỗi hộ dân lên tái định cư được bố trí đất nền ở trung tâm 140m2 cộng với số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng. Cuối năm 2014, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển khu vực thôn An Dương chia làm hai giai đoạn với tổng chiều dài gần 1km.

Trạm biến áp Thuận An bị đổ sập

“Khu vực bờ biển đi qua địa bàn xã ở những nơi chưa được đầu tư hệ thống kè chống sạt đều xảy ra tình trạng xâm thực nông, sâu khác nhau. Hiện tại địa phương đang thống kê và bố trí lực lượng giúp các hộ dân khắc phục thiệt hại”, ông Dân cho biết thêm.

Tại thị trấn Thuận An, gió lớn từ sáng 18/9 cũng làm nhiều nhà và một trạm biến áp bị tốc mái, sập.

Hiện trường trạm biến áp bị sập

*Trưa 18/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, vùng thiệt hại nặng do bão số 5 tập trung ở các huyện ven biển Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc,...

Trường THPT Phong Điền bị hư hỏng do bão số 5

Thống kê bước đầu đến trưa ngày 18/9 cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết ở xã Phong Thu (Phong Điền) do bị cây gãy đè và 23 người bị thương (trong đó 2 người bị thương nặng); 1.664 nhà bị tốc mái, tập trung nhiều nhất ở TX. Hương Thủy với 1.459 nhà, Phong Điền 60 nhà. Có 3 nhà tại huyện Phú Lộc bị sập. Điện lực Thừa Thiên Huế đã sa thải lưới điện toàn tỉnh trước khi bão vào, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Ở các địa phương nhiều trụ điện, đường dây bị đứt, hệ thống các trạm biến áp bị hư hỏng.

Hiện, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an và các địa phương đã triển khai lực lượng phương tiện tìm kiếm cứu nạn, tham gia khắc phục bão số 5. Công ty Công viên Cây xanh Huế đã triển khai lực lượng dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ.

* Do ảnh hưởng của bão số 5, sáng 18/9 tại các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế nhiều cây xanh ngã đổ gây cản trở giao thông.


Xưởng sản xuất tại Cụm CN Hương Sơ bị tốc mái, gây thiệt hại nặng

Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế huy động hàng trăm công nhân giằng chống, xử lý cây gãy đổ, đồng thời dọn dẹp vệ sinh tại các khu vực xung quanh.

Qua báo cáo nhanh của UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn có nhiều nhà xưởng, nhà dân bị tốc mái, cây xanh ngã đổ, các lực lượng quân đội, công an và UBND các phường đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão.

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, thành phố đã di dời 498 hộ với 1.890 nhân khẩu đến nơi an toàn.

* Trưa 18/9, ngay sau khi cơn bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ động viên lực lượng đang khắc phục hậu quả của bão số 5 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến những vùng bị thiệt hại nặng nề của bão, thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng tâm bão đi qua.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống nên mức độ thiệt hại của bão trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những thương vong về người, cây xanh gãy đổ, nhà dân bị tốc mái và sập, các tuyến hạ tầng đường viễn thông, đường điện bị gián đoạn…

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm tối thiểu thiệt hại của nhân dân. Trước tiên, chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông.  

Đối với những nơi có nhà bị tốc mái, bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Có phương án hỗ trợ cho người dân bị tốc mái, sập nhà. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.  

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; bảo quản nông sản. Cùng với đó, phải tiếp tục kiểm tra, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập; tiếp tục quản lý chặt chẽ, cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, hạn chế phương tiện trên các tuyến giao thông xung yếu.

Thăm hỏi, động viên người dân bị thương do bão số 5 

Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Yêu cầu địa phương phát huy Ngày Chủ nhật xanh, huy động lực lượng sớm tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; triển khai sớm các biện pháp phục hồi sản xuất.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đến Hương Thủy thăm các nạn nhân bị thương do bão số 5 gây ra đang điều trị tại Trung tâm y tế thị xã.

* Sáng 18/9, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành cắt, tỉa cây xanh ngã đổ do bão số 5 gây ra trên địa bàn, nhất là ở TP. Huế.

Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý hiện trường cây xanh ngã đổ do bão số 5 gây ra

Theo đó, Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC và CHCN) Công an tỉnh đã cùng với các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn việc cắt tỉa, dọn dẹp cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cây xanh cổ thụ ngã đổ trên đường đã được các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh giải phóng thành công; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông trở lại.

Tuy vất vả, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh đều xác định mục tiêu: “Sẵn sàng CHCN dù bất cứ hoàn cảnh nào”.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN cưa, dọn cây xanh ngã đổ do bão 

Theo thống kê chưa đầy đủ về thiệt hại thì đến 12 giờ sáng nay, bão số 5 đã làm hàng loạt cây xanh ngã đổ chắn ngang nhiều tuyến đường. Không chỉ ngã đổ, chắn ngang đường, cây xanh cũng đã đè trúng cả xe ô tô và nhiều xe máy đậu đỗ ven đường…

Dịp này, các an các đơn vị, địa phương trực thuộc Công an tỉnh cũng đã đồng loạt huy động cán bộ, chiến sĩ về giúp chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả mà cơ bão số 5 gây ra trong sáng 18/9. 

* Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới, ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn huyện A Lưới đã có mưa to đến rất to, gió giật cấp 6, gây ra một số thiệt hại.

Các lực lượng chức năng cùng người dân xã Trung Sơn tập trung khắc phục hậu quả sau cơn bão số 5

Cụ thể, có 6 nhà bị tốc mái 1 phần (xã Trung Sơn 2 nhà; Hồng Kim 2 nhà; Hồng Thủy 2 nhà); 44 hộ dân bị chia cắt do đập tràn nước dâng (33 hộ tại xã Trung Sơn; làng thanh niên lập nghiệp Hương Phong 11 hộ).

Về nông nghiệp, có 2 ha diện tích lúa cạn tại xã Hồng Thủy bị gãy đổ; 2 ha sắn tại xã Hồng Hạ bị ngập úng; 120 cây chuối ở xã Hồng Kim bị gãy đổ. Ngoài ra, một số ao cá bị tràn, ngập khoảng 8 ha (xã Sơn Thủy). Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 1 điểm tại dốc A Năm, xã A Roàng (đã được khắc phục).

Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo huyện A Lưới đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương tập trung khắc phục nhanh thiệt hại sau bão.

* Từ chiều hôm qua đến 9 giờ ngày 18/9, trên địa bàn huyện Nam Đông có mưa lớn cộng với việc xã lũ của Thủy điện Thượng Lộ và Thượng Nhật khiến mực nước ở các sông, suối tăng báo động.

Nước lũ dâng nhanh trên địa bàn xã Hương Xuân và Thượng Nhật

Theo đó, lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn Thượng Nhật từ tối qua đến sáng nay là gần 266mm, đỉnh điểm là từ 4h - 7h ngày 18/9, mực nước tăng 5m.

Ngay trong sáng 18/9, lãnh đạo huyện Nam Đông đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại các địa phương và vận động một số hộ ở chợ Hương Xuân không chịu sơ tán. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, đến nay trên địa bàn không có thiệt hại về người và tài sản; cây trồng lâu năm và hoa màu của người dân thiệt hại không nhiều. Huyện đã tổ chức sơ tán 728 hộ/ 2.490 khẩu tới nơi an toàn, nhưng vẫn còn 44 người đi làm trong rừng, các vùng sản suất chưa về nhà.

Tại cầu Trần Đức Lương, xã Thượng Nhật, do cầu xây dựng đã lâu và nước chảy siết nên chính quyền địa phương tiến hành đặt rào chắn, khuyến cáo không cho người dân ở 2 thôn Ta Rinh và thôn Lập lưu thông qua cầu nếu không có việc cần thiết. Tương tự ở thôn Phú Mậu, xã Hương Phú có hơn 100 hộ dân bị chia cắt do cống ngầm nước dâng cao, không qua lại được.

* Trên địa bàn TX. Hương Thuỷ có 1.459/1.664 ngôi nhà trên toàn tỉnh bị tốc mái do bão số 5, chưa kể 10 người nhập viện, nhiều trụ điện và hàng trăm cây xanh bị gãy đổ.


Ngôi nhà của chị Lê Thị Mỹ Lan (thôn Vân Thê Thượng - xã Thuỷ Thanh) tan hoang sau bão số 5

Theo đó, xã Thuỷ Thanh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất khi có gần 800 nhà bị tốc mái, tiếp đến là P. Thuỷ Châu với 600 ngôi nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thuỷ, nguyên nhân có thể do Hương Thuỷ nằm trong tâm của gió lốc sáng nay nên dù bà con đã giằng néo cẩn thận nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Chiều nay, thị xã sẽ huy động toàn bộ lực lượng giúp bà con làm lại mái tôn, mái lợp và quyết tâm hoàn thành trong ngày 20/9”, ông Minh nói.

Một thông tin liên quan, ông Nguyễn Cửu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Dương Hoà cho biết, hiện mực nước ở hồ Tả Trạch trên địa bàn xã vẫn đang ở mức bình thường.

* Tại TX. Hương Trà, sau khi bão số 5 quét qua, trên các tuyến đường, hàng ngàn cây xanh đổ, ngã. Thống kê bước đầu, địa phương không có người chết, có 1 người bị thương ở xã Hương Toàn (gãy tay do sập đòn tay mái hiên), 1 người mất tích (Trần Văn Định - xã Hương Bình, đi rừng đã 4 ngày gia đình không liên lạc được).

Cây xăng Thanh Lương trên QL 1A qua phường Hương Xuân tốc mái toàn bộ

Có 1.175 nhà tốc mái. Hệ thống điện, thông tin liên lạc hư hỏng chưa khắc phục được. Hiện, UBND thị xã cùng các địa phương huy động lực lượng cùng với người dân tập trung công tác dọn dẹp cây đổ ngã, khắc phục nhà bị tốc mái, hư hỏng.

* Để kịp thời khắc phục hậu quả của bão, giải phóng mặt bằng trên các tuyến phố, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ kịp thời cắt cây, thu dọn cây đổ trên các tuyến đường chính và giúp dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái.

Ngay sau khi bão tan, các cán bộ, chiến sĩ đã có mặt tại đường Nguyễn Trãi, tại đây rất nhiều cây lớn bị gãy đỗ. Để đảm bảo giao thông thông suốt, hoạt động kinh doanh của người dân trở lại bình thường, các cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương chặt cây, thu dọn cành để đảm bảo cho giao thông được thông suốt.

Bộ CHQS tỉnh đã nhanh chóng điều động cán bộ, chiến sĩ khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra

Còn tại đường Yết Kiêu, nhiều vị trí cây xanh bị bật gốc, ngã đổ chắn toàn bộ mặt đường, lực lượng quân đội đã dùng máy cưa, rựa, dao để chặt cây; di dời các cành cây bị gãy để tạo thông thoáng cho các phương tiện giao thông qua lại bình thường.

“Được cấp trên điều động là chúng em lập tức lên đường, mặc dù lượng cây gãy đổ rất lớn, nhưng với tinh thần khẩn trương, sớm trả lại mặt bằng để bà con kinh doanh, buôn bán chúng em đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão”, binh nhất Trần Quốc Thuận, chiến sĩ Trung đội Kiểm soát quân sự, phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh nói.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Sau khi bão đi qua, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng, khẩn trương cơ động đến các địa phương bị ảnh hưởng nặng để khắc phục hậu quả giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ khắc phục hậu quả do bão

Chỉ gần 2 tiếng đồng hồ sau, hệ thống cây xanh bị gãy đổ cơ bản được thu dọn. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ  Trung đoàn Bộ binh 6 và lực lượng dân quân giúp bà con phường Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Phương thị xã Phú Bài giúp người dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái và tiếp tục chỉ đạo dân quân, cán bộ thường trực các địa phương bám địa bàn, sẵn sàng giúp dân khi cần thiết.

* Ngay sau khi cơn bão số 5 gây ra, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế đã huy động 100% quân số phối hợp cùng các cơ quan ban ngành trên địa bàn khắc phục hậu quả do bão.

100% cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Huế được huy động để khắc phục hậu quả do bão

Tại các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẫn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, 23/8, Đặng Thái Thân… cán bộ, chiến sĩ của Công an TP. Huế cùng các cơ quan, ban, ngành nhanh chóng dọn dẹp cây đổ, làm thông các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tính đến trưa 18/9, cơ bản các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế đã được thông thoáng.

Thống kê sơ bộ, của Công an TP. Huế và ngành chức năng, tính đến 13 giờ chiều 18/9, trên địa bàn thành phố có 7 người bị thương; 816 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 11 tụ điện và 1 biến áp bị gãy đổ; 19 ô tô, mô tô hư hỏng do bị cây xanh gãy đè; hơn 250 cây xanh lâu năm, có nhiều giá trị bị gãy đổ… Trước khi bão số 5 vào, Công an TP. Huế đã cùng các ban, ngành di dời 501 hộ, 2.025 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tin, ảnh: Nhóm PV 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

TIN MỚI

Return to top