ClockThứ Hai, 26/09/2022 14:28

Bão số 4 giật cấp 12: Nhà cấp 4, tường gạch 10 rất khó chống chịu

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, với cường độ giật cấp 12, nhà cấp 4 và tường gạch 10 sẽ rất khó trụ nếu nằm trên đường đi của bão số 4.

Sức tàn phá của siêu bão NORU mạnh đến đâu?Sẵn sàng các phương án, chủ động ứng phó bão số 4

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên bãi biển Đà Nẵng đang được tháo dỡ vận chuyển vào sâu đất liền tránh bão Noru. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Nhận định bão số 4 (tên quốc tế là bão Noru) là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, ông Trần Hồng Thái-Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng với cường độ giật cấp 12, nhà cấp 4 và tường gạch 10 rất khó trụ nếu nằm trên đường đi của bão.

Tuyệt đối không chủ quan

Theo dữ liệu của cơ quan khí tượng quốc gia, trước khi đón bão Noru, trong lịch sử, các tỉnh Trung và Nam Trung bộ từng hứng chịu nhiều cơn bão mạnh vào những tháng cuối năm. Bão đổ bộ vào khoảng thời gian này thường là những cơn bão rất mạnh, gây ra thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản.

Một số cơn bão mạnh gây ra thiệt hại nặng nề nhất, cần nhắc đến, đó là bão Sangxane năm 2006, bão Ketsana 2009, bão Molave 2020.

Trong số các cơn bão trên, bão số 6 (có tên quốc tế là cơn bão Xangsane) đổ bộ vào miền Trung vào tháng 10/2006. Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong 20 năm tính đến thời điểm đó, với cường độ gió cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Sau bão, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại; gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại; ước tính thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10.000 tỷ đồng...

Tương tự như các cơn bão mạnh kể trên, bão số 4 lần này được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Theo ông Thái, với cấp 12, nhà cấp 4, tường gạch 10 sẽ rất khó trụ nếu nằm trên đường đi của bão.

Thông thường, với những ngôi nhà xây dựng không kiên cố, nếu gió giật cấp 7-8, nhà sẽ bị rung lắc, tốc mái, bung cửa; gió từ cấp 9-10 sẽ làm sập đổ một phần của ngôi nhà, hư hỏng kết cấu; gió từ cấp 11-12 sẽ làm sập đổ hoàn ngôi nhà; cấp gió từ 13-16, với sức gió cực kỳ lớn sẽ cuốn bay nhà, chỉ còn lại mỗi phần móng…

Xác định tuyệt đối không chủ quan trước mọi diễn biến của cơn bão, sáng 26/9, ông Thái cho biết hiện tại, cả hệ thống khí tượng thủy văn đang tập trung cao độ theo dõi sát cơn bão này. Cũng trong sáng nay, bão Noru đã chính thức đi vào Biển Đông và trở thành bão số 4, cường độ cấp 12, giật cấp 15.

Theo ông Thái, dự báo trong 48 giờ tới, bão số 4 sẽ di chuyển hướng Tây và Tây Tây Bắc, cường độ có thể tăng cấp 13-14, giật cấp 17 khi ở trên Biển Đông, ảnh hưởng rất mạnh đến tàu thuyền ở Bắc và giữa Biển Đông. Từ khoảng đêm 27/9, bão số 4 bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền ven biển khu vực Trung Trung Bộ.

Nói thêm về đường đi của bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết theo dự báo, bão số 4 sẽ di chuyển trên vùng biển ấm (trời hửng nắng, nước biển ấm); độ đứt gió nhỏ hướng đến vùng biển ấm nhất hiện nay trên Biển Đông.

Do vậy, từ nay tới vùng biển ấm nhất hiện nay trên Biển Đông, bão sẽ dần tăng cấp trở lại, mạnh nhất khi ở phía nam quần đảo Hoàng Sa.

Cảnh báo mưa lớn từ chiều 27/9

Dự báo đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Với diễn biến đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sẽ có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế-Bình Định, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng.

Trong đất liền, dự báo từ gần sáng 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, ở khu vực từ Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to, đến rất to, dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 4, dự báo sẽ lên tới cấp 4 ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; cấp độ 3 ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư

Sau vụ đắm tàu gần đây nhất xảy ra ở vùng biển ngoài khơi phía đông Tunisia khiến ít nhất 27 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên đảm bảo an toàn cho trẻ em di cư.

UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top