ClockThứ Bảy, 09/11/2019 12:59

Kỹ sư xây dựng mê lan

TTH - Là kỹ sư xây dựng trong một cơ quan Nhà nước “kiêm” ông chủ của vườn lan đẹp, mang đến thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm, anh Lê Văn Tổng, đoàn viên Xã đoàn Vinh Phú (huyện Phú Vang) là tấm gương năng động, vươn lên làm kinh tế.

Anh Lê Văn Tổng chăm sóc vườn lan

Đến thôn Mộc Trụ, xã Vinh Phú tìm nhà anh Tổng, sau khi hướng dẫn tận tình, người chỉ đường không quên giới thiệu “Tổng có vườn lan đẹp lắm”. Quả thật trong khu vườn 700m2, gần một nửa diện tích đất đã được phủ kín loài lan Mokara đang rực rỡ khoe sắc đỏ, vàng, hồng. Ngỡ ông chủ của khu vườn là nông dân “thứ thiệt”, thế nhưng, Tổng hiện đang là kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp tại một cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh.

Người thanh niên trẻ nở nụ cười thật tươi kể, cách đây 7 năm, anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng chưa kiếm được việc làm phù hợp với ngành học. Không để lãng phí thời gian, Tổng lên mạng, đọc sách tìm hiểu; đồng thời,  học hỏi kinh nghiệm từ người khác, sau đó “bắt tay” vào việc buôn cây giống. Tổng tìm những loại cây ăn trái thích hợp với đất và khí hậu của Thừa Thiên Huế như ổi, mít, mận, vú sữa…, từ tỉnh Bến Tre, mua về bán. Trong thời gian tập kết ở vườn nhà, Tổng chăm sóc rất tỉ mỉ, để khi cây giống đến tay người mua đảm bảo khỏe mạnh, khi trồng phát triển tốt. Giữ được chữ tín với khách hàng nên việc buôn bán cây giống ngày một thuận lợi.

Năm 2015, được nhận vào làm kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh, Tổng giao lại việc buôn bán cây giống cho người em ruột, để chuyên tâm với công việc chuyên môn. Thế nhưng đối với người thanh niên năng động ấy, để thời gian sau giờ làm việc và những ngày nghỉ cuối tuần trôi qua trong rảnh rỗi là một sự lãng phí. Lần này, Tổng suy nghĩ phải làm “cái gì đó” vừa để tăng thêm thu nhập vừa làm đẹp cho không gian sống.

“Mộc Trụ đất cát nên rất khó trồng cây, trồng rau. Đã thiếu màu xanh, đến mùa hè, cỏ cây cháy cả, quang cảnh Mộc Trụ càng thêm cằn cỗi. Cây lan thích hợp với khí hậu nhiệt đới, càng nắng nóng càng ra hoa. Không cần đất, lan chỉ cần giá thể đậu phụng (vỏ đậu phụng) và bón phân phù hợp. Một vườn lan nở quanh năm không chỉ mang đến thu nhập ổn định mà còn góp phần làm “mềm”, làm đẹp không gian sống. Và nếu những người trong địa phương, nhất là các bạn trẻ được “truyền” hứng thú, “nhân” lên nhiều vườn lan, thì Mộc Trụ nói riêng và xã Vinh Phú sẽ đẹp hơn rất nhiều. Vậy tại sao mình không bắt tay làm”?- Tổng bày tỏ.

Từ suy nghĩ đó, Tổng lại tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan. Sau khi đã “dồn” được kha khá kiến thức, Tổng dùng số vốn tích lũy được từ việc buôn bán cây giống, vay thêm bỏ ra tổng cộng 250 triệu đồng đầu tư trồng lan. Mỗi tuần, Tổng cắt cành 2 lần đem bỏ cho những mối hàng hoa ở TP. Huế. Đến nay đã trả xong nợ, Tổng chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng lan. Mong muốn của người thanh niên năng động này là phủ kín hoa lan toàn bộ khu vườn.

“Tổng là đoàn viên tiêu biểu của Xã đoàn Vinh Phú biết năng động vươn lên làm kinh tế, tấm gương dám nghĩ, dám làm cho những người trẻ ở địa phương”- chị Nguyễn Thị Sương, Bí thư Xã đoàn Vinh Phú nhận xét.

Bài, ảnh: THÙY CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện

TIN MỚI

Return to top