ClockThứ Ba, 26/07/2022 14:41

Bạn trẻ thấy gì trên không gian mạng

TTH - Tuyên truyền, giáo dục chính trị và tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên trong thời đại công nghệ số vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tổ chức Đoàn tiếp cận, nắm bắt tư tưởng, định hướng cho thế hệ trẻ.

“Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”

Tuyên truyền, giáo dục giúp người trẻ trở thành những công dân có ích là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn trong thời đại công nghệ số. (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường)

Hướng tiếp cận hiệu quả

Làm công nhân cho một công ty trên địa bàn huyện, chị Trần Thị Thúy Ngân, Phó Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) thường lựa chọn sử dụng dụng mạng xã hội để giải trí sau thời gian làm việc mệt nhọc. Đây cũng là lúc bản thân chị tiếp cận được các nguồn thông tin đa chiều, trong đó có không ít bài viết xuyên tạc, có ý đồ xấu.

 Theo chị Ngân, những lúc như vậy bản thân mới nhận thấy tầm quan trọng của việc định hướng thông tin cho người trẻ trên mạng xã hội, bởi đây là đối tượng có lập trường chưa vững, dễ bị lôi kéo và kích động. Hiện Xã đoàn cũng đã thành lập một Fanpage trên Facebook; tuy cơ bản đáp ứng nhiệm vụ truyền tải thông tin nhưng chưa thật sự thu hút được đoàn viên, thanh niên.

 Với thế hệ trẻ có lối sống “nhanh”, chị Ngân mong muốn mỗi bài viết nên có thêm nhiều hình ảnh minh họa sinh động và sử dụng ngôn từ ngắn gọn, gần gũi mới có thể tiếp cận được nhiều đoàn viên. Từ đó, từng bước lồng ghép tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người trẻ.

Anh Phùng Đức Chinh, Bí thư Xã đoàn Thủy Thanh cho biết, khó khăn lớn nhất khi tuyên truyền trên nền tảng số là việc lựa chọn các bài viết phù hợp, chính thống. Trên thực tế, bản thân anh phải tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau một cách thận trọng chứ chưa có một hệ thống bài viết chính thức của tổ chức Đoàn để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên.

Tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung việc định hướng tuyên truyền qua nền tảng mạng xã hội cũng gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt là trong công tác nắm bắt tư tưởng, suy nghĩ của đoàn viên.

“Khi tiếp cận nguồn thông tin đa chiều trên mạng xã hội không tránh khỏi tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên có suy nghĩ lệch lạc. Nhiệm vụ của cán bộ Đoàn là phải tìm hiểu cặn kẽ và tận tình vận động, giải thích để các bạn trẻ hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh bị thế lực xấu lôi kéo”, anh Chinh cho hay.

Nhiều băn khoăn

Mỗi tổ chức cơ sở Đoàn thành lập một Fanpage trên Facebook là chỉ đạo chung của Trung ương Đoàn những năm trở lại đây, nhằm xây dựng  mạng lưới thông tin tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội phục vụ người trẻ.

Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới sáng tạo, tận dụng ưu thế tích cực của internet, mạng xã hội, các nền tảng số để công tác giáo dục của Đoàn phù hợp hơn, đến gần hơn với thanh niên, tạo hiệu ứng rộng rãi, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của tuổi trẻ và của cả xã hội.

Trong năm 2021, Tỉnh đoàn đã xây dựng 11 phóng sự chuyên đề trên chuyên mục truyền hình “Thanh niên”, 158 tin thời sự, đăng tải 2.295 tin, bài với hơn 39.000 lượt truy cập, tương tác trên mạng xã hội.

Với hơn 22.000 lượt người theo dõi trên Fanpage “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế”, Tỉnh đoàn được đánh giá là một trong những đơn vị có trang mạng xã hội được nhiều người theo dõi so với các ban ngành, đoàn thể khác. Hình thức trình bày cũng được đổi mới khi tập trung vào khâu hình ảnh và giao diện trực quan, gần gũi để phù hợp với thị hiếu của người trẻ. Tuy nhiên, mỗi bài đăng chỉ thu hút được khoảng trên dưới 200 lượt tương tác và vài chục lượt bình luận. Nếu so với lượng người theo dõi thì đây vẫn là con số có phần khiêm tốn.

Hiện nay, việc phát triển các Fanpage được hầu hết các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh được triển khai đầy đủ, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức đăng tải các thông tin hoạt động của đơn vị mình hay chia sẻ các bài viết từ Đoàn cấp trên.

Theo Bí thư Huyện đoàn Quảng Điền - Trần Văn Đức, khó khăn lớn nhất khi tuyên truyền trên không gian mạng chính là công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện tổ chức Đoàn đang thiếu những “ngòi bút chiến” đủ trình độ, năng lực để trực tiếp đấu tranh, phản bác các luận điệu, bài viết xuyên tạc trên mạng.

Nhiệm vụ quan trọng

Tại buổi làm việc của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cuối tháng 5 vừa qua, vấn đề tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng cũng được đặt ra như một thách thức trong thời kỳ mới của tổ chức Đoàn.

Tuy đã có hệ thống Fanpage của tỉnh đến cơ sở, nhưng đại diện Trung ương Đoàn đánh giá việc hoạt động vẫn chưa mang tính thống nhất. Trung ương Đoàn cũng đặt ra vấn đề đồng bộ hóa hệ thống Fanpage của Thừa Thiên Huế với Trung ương Đoàn để có thể dễ dàng quản lý và chia sẻ các bài viết từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế chưa thể triển khai vì nhiều lý do khách quan.

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, để thu hút thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn trong giai đoạn hiện nay không thể xem nhẹ công tác tuyên truyền, giáo dục trên nền tảng số. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời định hướng tư tưởng cho thanh niên trên không gian mạng với nhiều hình thức mới, phù hợp với xu hướng và thị hiếu của giới trẻ.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện

TIN MỚI

Return to top