ClockThứ Ba, 12/05/2015 16:30

Sử dụng bằng giả để... làm thầy

TTH - Công an tỉnh vừa khởi tố 13 bị can về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Cụ thể, đã nhờ người khác làm Chứng chỉ sư phạm dạy nghề (CCSPDN) giả để được vào giảng dạy tại Trung tâm đào tạo nghề (TTĐTN) Tâm An. Khi bị khởi tố, nhiều người vẫn "ngây ngô" chưa biết rằng sử dụng bằng giả là phạm pháp.

Chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả được công an thu giữ

Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4-7 năm…

Năm 2012, để chuẩn bị cho khâu đào tạo, TTĐTN Tâm An (số 100 Phạm Văn Đồng, TP Huế) tuyển dụng 30 giáo viên dạy lái xe. Theo quy định, giáo viên dạy nghề phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm kỹ thuật, Cao đẳng sư phạm kỹ thuật, hoặc chứng chỉ sư phạm dạy nghề phù hợp với trình độ đào tạo. Tuy nhiên, khi cơ quan công an vào cuộc đã phát hiện trong số 30 giáo viên được tuyển dụng có nhiều trường hợp sử dụng CCSPDN nhiều dấu hiệu nghi vấn. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và kết quả giám định, cơ quan công an đủ chứng cứ khẳng định nhiều giáo viên của TTĐTN Tâm An sử dụng CCSPDN giả. Sau đó, cơ quan điều tra khởi tố 6 đối tượng về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, gồm Nguyễn Công Anh (36 tuổi, trú Nghi Lộc, Nghệ An) người trực tiếp làm giả, Đoàn Phước (58 tuổi, nguyên nhân viên tuyển sinh của TTĐTN Tâm An), Phạm Viết Quang (49 tuổi), Hồ Văn Thủy (41 tuổi, đều trú TP Huế) và Nguyễn Kim Hồng (50 tuổi), Đậu Thị Tuyết (45 tuổi, đều trú TP Vinh, Nghệ An). Những người có nhu cầu làm bằng giả và đối tượng làm giả liên hệ với nhau chủ yếu qua internet hoặc môi giới, móc nối với nhau để thực hiện mua giấy tờ giả. Mỗi trường hợp làm giả, các đối tượng nhận 3-8 triệu đồng. Các chứng chỉ được làm giả là của Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Sau gần 5 tháng mở rộng điều tra, cuối tháng 4/2015, cơ quan công an đã khởi tố thêm 13 bị can (đều trú ở Huế) sử dụng chứng chỉ giả về tội danh trên với hành vi nhờ người khác làm giả CCSPDN để được tuyển dụng làm giáo viên dạy lái xe tại TTĐTN Tâm An. Một đối tượng vừa bị khởi tố cho biết, tại thời điểm xét tuyển giáo viên, TTĐTN Tâm An bắt buộc phải có CCSPDN nhưng bản thân đối tượng không có và ở Huế không tổ chức khóa giảng dạy để cấp chứng chỉ này. Thời gian tuyển dụng của trung tâm đưa ra ngắn và với mong muốn có công việc nên qua internet thấy có người rao bán kèm số điện thoại đối tượng này đã liên lạc để mua. Với chiêu thức trên, các đối tượng còn lại đã qua mặt được hội đồng tuyển dụng để vào làm việc tại TTĐTN Tâm An.
Đại diện TTĐTN Tâm An cho rằng, do lần đầu thành lập trung tâm dạy nghề nên chưa có kinh nghiệm trong khâu tuyển dụng giáo viên, dẫn đến tình trạng có nhiều giáo viên sử dụng CCSPDN giả để xin việc. Rất may, những giáo viên này chưa đứng lớp vì đang trong thời gian hoàn tất thủ tục tuyển dụng để ký hợp đồng lao động thì phát hiện seri trên bằng trùng nhau. Từ đó, cơ quan điều tra vào cuộc.
Rút kinh nghiệm từ việc tuyển giáo viên ở TTĐTN Tâm An hiện nay Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các trung tâm dạy nghề khi tuyển giáo viên cần phải đào tạo tập trung để đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao trình độ. Theo chương trình đào tạo của Tổng cục Đường bộ, quá trình tuyển dụng giáo viên cần chặt chẽ để tránh trường hợp sử dụng bằng giả. Bằng lái xe phải xác minh trên mạng, riêng chứng chỉ dạy nghề phải gửi đến nơi đào tạo nhờ xác minh tên người đó đã qua đào tạo hay chưa.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, việc xử lý đúng người, đúng tội trong vụ án này sẽ góp phần ngăn chặn các văn bằng, chứng chỉ giả được rao bán tràn lan đã để lại những hệ lụy khôn lường trong công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn lực lao động.
THÁI SƠN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top