ClockThứ Ba, 14/04/2015 11:30

Lừa đảo trúng thưởng qua mạng internet

TTH - Công an TP Huế vừa đấu tranh làm rõ nhóm đối tượng chuyên nhắn tin lừa đảo trúng thưởng trên các trang mạng xã hội. Nhóm này gửi tin nhắn đến tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, thông báo trúng thưởng xe máy cao cấp và phiếu quà tặng trị giá 50 triệu đồng, yêu cầu đóng phí làm hồ sơ nhận giải...

Nhiều người sập bẫy

Chị Phan Thị Hồng N. (19 tuổi, trú đường Tam Thai, TP Huế) kể: “Đầu năm 2015, chị nhận được tin nhắn mình trúng thưởng qua mạng Zalo số tiền 192 triệu đồng, gồm một xe máy SH cùng thẻ quà tặng và yêu cầu truy cập trang web sukienapp.com để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi truy cập vào trang web trên, chị N. làm theo hướng dẫn, nộp tiền bằng thẻ cào điện thoại và nộp vào một tài khoản ở Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Quảng Nam mang tên Võ Đại Nghĩa số tiền 7 triệu đồng, sau đó liên lạc thì đối tượng này tắt máy.
Chị Trần Thị Thanh L. (22 tuổi, trú đường Hồ Đắc Di, TP Huế) cho biết: “Vào mạng facebook thấy có người rao bán xe máy Piagio giá rẻ nên mua. Sau khi thỏa thuận theo một số điện thoại, chị L. đã nộp trước 3 triệu đồng vào một tài khoản ở Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Quảng Nam cho người tên Võ Đại Nghĩa. Khi tiền đã nộp, chị L. liên lạc với Nghĩa qua số điện thoại cũ thì không được. Xác định đã bị lừa nên chị L. làm đơn tố giác đến Công an TP Huế.
Xác định đây là đối tượng sử dụng mạng internet để hoạt động lừa đảo, bị hại nạp tiền vào một tài khoản ngân hàng xác định để chiếm đoạt, Ban Chỉ huy Công an TP Huế đã chỉ đạo trinh sát xác lập hiềm nghi để đấu tranh. Phối hợp với Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Quảng Nam kiểm tra thông tin 2 bị hại cung cấp, công an xác định có chủ tài khoản mang tên Võ Đại Nghĩa. Kiểm tra giao dịch, phát hiện từ tháng 8/2014 đến đầu năm 2015, tài khoản này được nhiều người nạp tiền vào với tổng số gần 300 triệu đồng. Liên hệ với những số điện thoại ghi trên giấy nộp tiền, cơ quan công an phát hiện có 42 người bị lừa đảo với cùng thủ đoạn trúng thưởng qua mạng internet.
Đánh vào lòng tham
Từ kết quả xác minh Công an TP Huế nhận thấy hoạt động của đối tượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng internet, lừa đảo với thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng trên nhiều tỉnh thành cả nước, số người bị hại nhiều, tài sản thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ngang nhiên và thách thức pháp luật. Đầu năm 2015, Công an TP Huế xác lập chuyên án mang bí số 1214-L1 để đấu tranh với loại tội phạm mới nổi này. 
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định đối tượng sử dụng ATM mang tên Võ Đại Nghĩa chính là Lê Văn Sơn (19 tuổi, trú ở Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam). Sơn không có công ăn việc làm nhưng có biểu hiện bất minh về kinh tế, thường xuyên ăn chơi đua đòi và mua đổi nhiều mô tô xịn, điện thoại sang để sử dụng và luôn mang bên người máy tính xách tay. Công an TP Huế phối hợp với công an sở tại triệu tập Sơn lên để chuyển hóa chứng cứ.
Sơn khai nhận, từ tháng 8/20014, Sơn đặt mua 2 trang web “Hosonhaxe2014.com” và “Tangqua2014.com.vn”. Nội dung các trang này yêu cầu người truy cập cung cấp thông tin để nhận thưởng mô tô cao cấp Libety hoặc SH có giá trị 65-100 triệu đồng cùng phiếu mua quà tặng trị giá 50 triệu đồng. Sau khi sở hữu các trang web nói trên, Sơn đã gửi tin nhắn trúng thưởng đến những người dùng mạng Zalo và yêu cầu truy cập vào các trang trên để biết thêm thông tin hoặc liên hệ qua một số điện thoại “rác” để được hỗ trợ. Khi bị hại đã “cắn câu”, để nhận được giải, chủ thuê bao “rác” sẽ yêu cầu khách hàng phải mua thẻ cào của nhà mạng, đóng tiền phí làm hồ sơ nhận giải, phí chuyển khoản, vận chuyển, thuế. Cơ quan công an xác định, Sơn sử dụng 12 số điện thoại, 3 điện thoại đắt tiền, 1 máy tính xách tay và 1 tài khoản ngân hàng để lừa đảo nhiều người với số tiền 100 triệu đồng.
Từ manh mối của Sơn, cơ quan công an mở rộng điều tra và biết được chỉ với 1 tài khoản trên, Sơn cho nhiều đối tượng khác mượn để nhận tiền lừa đảo cùng với phương thức, thủ đoạn trên và Sơn lấy 10% trên số tiền rút 200 triệu đồng. Các đối tượng bước đầu khai nhận, ngoài sử dụng số tài khoản mang tên Võ Đại Nghĩa (được mua lại) để lừa đảo qua mạng như trên, có 14 đối tượng khác (từ 18-25 tuổi, cùng ở Duy Xuyên) sử dụng trang web hoặc faceboook lừa đảo nhưng không mở được tài khoản nên dùng chung tài khoản này để nhờ Sơn rút tiền…    
Hiện, Công an TP Huế đang phối hợp với công an các tỉnh tiếp tục mở rộng điều tra. Cơ quan công an khuyến cáo người dùng điện thoại đừng vì hám lợi mà bị mắc lừa.
THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top