ClockThứ Sáu, 22/11/2019 21:13

Cảnh giác với thủ đoạn “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”

TTH.VN - Sau một thời gian tạm lắng, nay tín dụng đen lại có dịp bùng phát trở lại với những thủ đoạn ngày càng tinh vi: “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Một số vụ cho vay nặng lãi đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an TP. Huế triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng.

Xóa ổ “tín dụng đen” cho vay nặng lãi hơn 11 tỷ đồngTriệt xóa 42 nhóm tội phạm hoạt động theo ổ, nhómTờ rơi "tín dụng đen" về làngRà soát, nắm chắc tình hình tội phạm ma túy, tín dụng đen, lừa đảo

Đối tượng Mai Văn Phúc đã thực hiện trót lọt 32 hợp đồng cho vay tiền với tổng số tiền là 564 triệu đồng

Lãi suất “cắt cổ”

Trung tuần tháng 11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 đối tượng có hành vi  “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra của lực lượng công an, cuối tháng 8/2019, đối tượng Hoàng Minh Sơn và Lê Đức Thắng (cả 2 cùng sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đến tạm trú tại chung cư Vicoland TP. Huế để hành nghề cho vay nặng lãi.

Sau một thời gian bàn bạc, Sơn và Thắng đi đến quyết định, tự thiết kế các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền rồi tiến hành đi treo, dán, thả trên các tuyến đường của TP. Huế. Hình thức cho vay là trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày, với lãi suất từ 1% đến 2% mỗi ngày, chu kỳ thường là 10 đến 25 ngày. Tiền phí đi thu đối với khoản vay là từ 5% đến 10% tổng tiền gốc.

Với thủ đoạn này, từ đầu tháng 9/2019 đến ngày 8/11/2019, Sơn và Thắng đã cho 23 người vay với tổng cộng là 52 lượt cho vay. Số tiền gốc cho vay hơn 1,2 tỷ đồng, tiền lãi đã thu hơn 184 triệu đồng, tiền phí đã thu hơn 101 triệu đồng. Lãi suất mà Sơn và Thắng cho vay từ 365% đến 730%/ năm, vượt từ 18,25 lần đến 36,5 lần so với mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Ngày 15/11/2019, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế cũng đã sớm bắt giữ nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen gây xôn xao trong dư luận. Đó là, Mai Văn Phúc và nhóm của Nguyễn Xuân Tiến (cùng sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đến tạm trú tại TP. Huế.

Đấu tranh, khai thác, các đối tượng khai nhận, từ đầu tháng 8/2019 đến 15/11/2019, riêng đối tượng Mai Văn Phúc đã thực hiện trót lọt 32 hợp đồng cho vay tiền với tổng số tiền là 564 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 48 triệu đồng. Cá nhân Nguyễn Xuân Tiến cũng đã cùng đồng bọn của mình thực hiện 12 hợp đồng cho vay với tổng số tiền 155 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 46 triệu đồng.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê tuy được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự. Liên tiếp thời gian qua, Công an tỉnh đã mở 10 đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là tội phạm tín dụng đen và đã triệt xoá thành công 5 nhóm, với 33 đối tượng liên quan. Các đối tượng khai nhận từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, đã cho vay hơn 950 lượt người, với tổng số tiền cho vay hơn 8,8 tỉ đồng, với lãi suất cho vay từ trên 100% đến hơn 200%/năm, thu lợi bất chính hơn 1,8 tỉ đồng.

Người dân cần cảnh giác

Trước tình hình phức tạp, khó lường về hoạt động “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, Công an tỉnh đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông thông báo đến các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trong tỉnh để cảnh báo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với mọi người dân, nâng cao tinh thần cảnh giác.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Hiển cho biết, các đối tượng nước ngoài đã thành lập nhiều công ty hoạt động cho vay lãi nặng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tạo ra các ứng dụng (App) chạy trên điện thoại di động hệ điều hành Android để cho vay tiền mang tên: “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Lãi suất cho vay trung bình trên các ứng dụng là 4,4%/1 ngày, tương đương 30,8%/1 tuần, 132%/1 tháng và 1.600%/1 năm. Mức vay lần đầu (cấp độ 1) trong khoảng 1,5 đến 1,7 triệu đồng. Đối với những khách hàng có uy tín, trả tiền vay đúng hạn thì lần vay tiếp theo các công ty này sẽ cho vay số tiền cao hơn theo cấp độ 1 đến 7, theo đó tăng thêm mỗi cấp sẽ được công thêm 150 ngàn đồng, đến cấp độ 7 sẽ được duyệt vay tối đa hơn 2,7 triệu đồng.

Cá nhân Nguyễn Xuân Tiến cùng đồng bọn thực hiện 12 hợp đồng cho vay với tổng số tiền 155 triệu đồng

Phương thức thủ đoạn của chúng là, khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải 1 trong 3 ứng dụng trên về máy điện thoại di động. Ứng dụng này sẽ yêu cầu người vay tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng) và chọn vào mục “đồng ý” tại hợp đồng tiền điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong hợp đồng gồm 7 điều khoản quy định việc cho vay tiền; trong đó, có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động).

Sau khi khách hàng hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về Công ty VinFin để nhân viên bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc với người vay tiền để thu thập thêm, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký. Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ các điều kiện vay tiền thì khi bộ phận thẩm định hồ sơ chấp nhận, hệ thống tài khoản của Công ty VinFin sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Nếu đến thời hạn trả nợ mà người vay chưa trả thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người có danh bạ điện thoại của người vay gồm: Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người này phải báo người vay tiền chuyển trả tiền nợ cho Công ty VinFin.

Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP. Huế khuyến cáo: “Người dân, hết sức cẩn trọng việc vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, công ty tài chính núp bóng hoạt động tín dụng đen... nhằm tránh trường hợp vay dễ, trả khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố về tinh thần”.

“Vì tâm lý sợ xấu hổ nên người vay phải chuyển trả tiền nợ cho chúng. Vì vậy, mọi người không tải các ứng dụng giới thiệu vay tiền về điện thoại cũng như không tham gia vay tiền của đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật của các ứng dụng trên. Đối với các trường hợp đã vay tiền của các đối tượng có phương thức và thủ đoạn như trên thì trình báo với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế (Điện thoại: 0234.3823002) để phục vụ công tác xác minh, thu thập tài liệu và xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh lưu ý. 

Bài, ảnh: Phong Quang  

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dựa vào dân và vì dân phục vụ

Những hình ảnh về lực lượng công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh “gần dân, trọng dân, vì Nhân dân phục vụ” trên các lĩnh vực công tác đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng Nhân dân.

Dựa vào dân và vì dân phục vụ
Thanh niên viết thư cảm ơn cảnh sát giao thông

Cảm kích trước hành động, nghĩa cử cao đẹp của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) TP Huế một người dân đã viết thư cảm ơn. Công an tỉnh đã chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí vào chiều 30/6.

Thanh niên viết thư cảm ơn cảnh sát giao thông

TIN MỚI

Return to top