ClockThứ Bảy, 24/07/2021 06:15

Ổn định đời sống người dân vùng giãn cách

TTH - “Song song với kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch, công tác ổn định tư tưởng, đời sống người dân được ưu tiên, đảm bảo không để thiếu nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách kéo dài thì còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đình Hoài, Bí thư Đảng ủy Xã Lộc Thủy - địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 cho biết.

Vừa chống dịch, vừa đảm bảo đời sống người dân vùng giãn cách

Tiếp nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại xã Lộc Thủy từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Ảnh: PNLT   

Theo lãnh đạo xã, ảnh hưởng COVID-19 tác động đến việc làm, thu nhập của 400 công nhân địa phương; rất nhiều người dân kinh doanh, buôn bán tại chợ và các ngành nghề dịch vụ khác.

Không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm

Sau khi phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19, ngày 4/7/2017, biện pháp giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch được áp dụng tại khu vực chợ và xóm Cầu thuộc thôn Phước Hưng (xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc). Do diễn biến dịch phức tạp, ngày 13/7, biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng cho toàn xã Lộc Thủy, gồm các thôn Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam.

“Lộc Thủy là một trong những xã khó khăn của huyện Phú Lộc, trong đó có gần 200 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện giãn cách, chúng tôi xác định, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phối hợp khoanh vùng dập dịch; ổn định tư tưởng, đời sống của Nhân dân và phục vụ tốt hậu cần tại các chốt kiểm dịch”, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy nhấn mạnh.

Thông qua kênh của Hội Phụ nữ xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam xã, các nhóm thiện nguyện tại địa phương, từ sự hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm của Nhân dân và các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể, mỗi ngày, công tác hậu cần tại Lộc Thủy đảm bảo gần 400 suất ăn miễn phí cho lực lượng phòng chống dịch tại 20 chốt kiểm soát trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã cho biết, sau khi thực hiện giãn cách xã hội tại địa phương, rất mừng và cảm động là công tác phòng, chống dịch nhận được sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng, trong đó có dân địa phương, bà con đồng hương xa quê, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, đoàn thể... Từ nguồn thực phẩm thiết yếu và kinh phí được hỗ trợ, ngoài tăng cường phục vụ bữa ăn tại các chốt kiểm dịch, địa phương tiến hành rà soát, lên danh sách các hộ dân khó khăn, kịp thời phân bổ, tiếp ứng nhu yếu phẩm cần thiết, không để bà con thiếu hụt.

Đến ngày 20/7, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã trao tặng quà, tiền mặt và nhu yếu phẩm hỗ trợ vùng giãn cách xã Lộc Thủy với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng.

Cần các chính sách hỗ trợ kịp thời

Ảnh hưởng dịch, toàn xã Lộc Thủy có 90 trường hợp F1 được cách ly tập trung, 352 trường hợp F2 được cách ly tại nhà và trên 2.330 người dân được lấy mẫu sàng lọc lần 2. Đến ngày 20/7, 9 hộ dân cuối cùng tại 5 thôn phong tỏa của xã đã hoàn tất khâu lấy mẫu xét nghiệm.

Về tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, buôn bán tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy trăn trở: Thực hiện giãn cách, gần 400 công nhân địa phương không đến các danh nghiệp, cơ sở sản xuất được. Trung tâm mua bán quan trọng của địa phương là chợ cũng tạm ngừng nên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của rất nhiều người dân. Các hộ kinh doanh ăn uống, giải khát nhỏ lẻ trên địa bàn và gần 100 hộ kinh doanh dầu tràm dọc tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn xã gần như ngưng trệ.

Một khó khăn khác, theo ông Hoàng, để đáp ứng công tác phòng chống dịch với nhiều công việc, nhiệm vụ đặt ra, vai trò của tổ tự quản rất quan trọng. Tuy nhiên, theo quy định của tỉnh, cả xã chỉ có 7 tổ tự quản phòng, chống dịch. Lực lượng mỏng trong khi dân số đông nên rất khó khăn, vất vả, đặc biệt là trong công tác nắm thông tin, kiểm soát, thực hiện khai báo y tế trong thời gian giãn cách.

“Đến nay, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ bản dịch được khống chế. Người dân yên tâm, đồng lòng hợp sức đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách tiếp tục kéo dài, sẽ còn rất nhiều khó khăn nếu nguồn hỗ trợ từ cộng đồng vơi cạn trong khi ảnh hưởng dịch làm ngưng trệ hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn”, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, ông Nguyễn Đình Hoài thông tin.

Được biết, huyện Phú Lộc đã bố trí nguồn kinh phí 1 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch tại xã Lộc Thủy. Số kinh phí này đang được giải ngân từng phần.

NHẬT NGUYÊN - QUỐC TUẤN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

TIN MỚI

Return to top