ClockThứ Năm, 27/06/2024 11:07

Những phiên tòa giả định, cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả

TTH - Việc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định (PTGĐ) đã truyền tải sinh động được các quy định về pháp luật đến với hội viên phụ nữ, thanh thiếu niên; khẳng định đây là hình thức tuyên truyền pháp luật mới phù hợp với thực tiễn.

Phiên tòa giả định: Án giả nhưng hiệu quả thậtTổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền sử dụng mạng xã hội an toàn

 Những phiên tòa giả định do Hội LHPN các cấp tổ chức thu hút hàng trăm hội viên tham gia

Mô hình “PTGĐ” được xây dựng, triển khai vào thực tế xuất phát từ mục đích nhằm nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên chấp hành pháp luật tại cơ sở, tuyên truyền luật pháp đến với người thân trong gia đình, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

PTGĐ tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông được Hội LHPN TP. Huế tổ chức chật kín người theo dõi, đó là những hội viên phụ nữ, học sinh trong độ tuổi vị thành niên.

  PTGĐ dựa trên một vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng của một vụ án hình sự. Nội dung của PTGĐ xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 và Điều 264 của Bộ Luật Hình sự.

Chăm chú theo dõi từng tình tiết của vụ án tại PTGĐ, chị  Hương, hội viên phụ nữ phường Phú Thượng bộc bạch: Đúng là có tham dự phiên tòa tôi mới hiểu thêm cặn kẽ về một số điều luật. Vẫn biết là giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi là vi phạm luật giao thông. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là sẽ bị tịch thu xe và xử phạt hành chính, chứ chưa từng nghĩ lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì hệ lụy lại nặng nề như thế này. Đây cũng chính là những kiến thức pháp luật cơ bản mà mỗi người làm cha, làm mẹ cần phải có để giáo dục và kiên quyết hơn với con cái của mình trong độ tuổi vị thành niên khi các cháu tham gia giao thông.

Còn PTGĐ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức đã mang đến cho hội viên phụ nữ nhiều kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, tự bảo vệ bản thân trước bạo lực gia đình. Bởi trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình, phụ nữ không hề đơn độc mà còn có sự bảo vệ của luật pháp, sự hỗ trợ của các cấp Hội... Điều quan trọng là mỗi hội viên phải được trang bị kiến thức về pháp luật, khi có kiến thức sẽ biết cách “vùng lên”, không cam chịu trước sự áp bức, bạo lực.

Phiên tòa được xây dựng kịch bản vụ án liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích, hành hạ bạo lực ông bà, cha mẹ, vợ con, vi phạm quy định về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại “phiên tòa” xét xử tội cố ý gây thương tích, hành hạ bạo lực ông bà, cha mẹ, vợ con, gây hậu quả nghiêm trọng, kiểm sát viên đã phân tích, làm rõ hành vi của các bị cáo, chỉ ra hậu quả nghiêm trọng khi bị cáo thường xuyên đánh đập, gây tổn thương cơ thể 18% cho vợ mình.

Việc truyền thông, tư vấn pháp luật gắn với PTGĐ về phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo nên một chiến dịch truyền thông rộng rãi, lan tỏa về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Với hoạt động tuyên truyền thông qua “PTGĐ” đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng. Đồng thời tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tích cực, trách nhiệm trong vận động người thân, con em trong gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Những PTGĐ do Hội LHPN các cấp tổ chức là hình thức tuyên truyền mới nhưng mang lại hiệu quả rất cao khi thu hút được rất nhiều hội viên tham gia. Những PTGĐ tái hiện đầy đủ quá trình phạm tội, nguyên nhân, hậu quả, sự trả giá trước pháp luật, tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi hội viên phụ nữ. Điều này sẽ răn đe, cảnh tỉnh cũng như giúp hội viên phụ nữ biết thêm về pháp luật để tự bảo vệ bản thân cũng như tránh xa những mối nguy hại từ việc thiếu hiểu biết pháp luật gây ra.

Những hiệu ứng lan tỏa rộng rãi từ những PTGĐ chính là thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với hội viên phụ nữ, giúp nâng lên ý thức tự giác cao và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bài, ảnh: Thảo Vy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Return to top