ClockThứ Hai, 04/11/2024 13:58

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 3: Tăng cường giám sát, lắng nghe người dân

TTH - Bên cạnh việc ban hành các nghị quyết (NQ) đáp ứng yêu cầu phát triển, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh thời gian qua tiếp tục được đổi mới. Không chỉ xây dựng các chương trình giám sát phù hợp mà thực tiễn giám sát đã “chạm” đến các vấn đề được cử tri quan tâm. Đặc biệt, các đại biểu HĐND tiến hành chất vấn “nóng” quá trình thực hiện các NQ do HĐND tỉnh ban hành.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tinNhững nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1: Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ

 Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII đã chất vấn 4 nhóm vấn đề

Nhìn từ những cuộc giám sát điển hình

Tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến cử tri phản ánh về các dự án (DA) chậm tiến độ. Xác định đây là vấn đề lớn, HĐND tỉnh đã triển khai giám sát về “Tình hình thực hiện các DA đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2022”.

Sau đợt giám sát, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII, HĐND tỉnh ban hành NQ 70 về “Tình hình thực hiện các DA đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2022”. Trong đó, NQ chỉ rõ 10 DA chậm tiến độ cần rà soát; 48 DA đôn đốc, theo dõi đặc biệt tiến độ thực hiện.

Theo UBND tỉnh, thực hiện các nội dung kiến nghị tại NQ 70, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, rà soát, xem xét thu hồi các DA chậm tiến độ không có khả năng triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật; giám sát, đôn đốc theo dõi đặc biệt các DA chậm tiến độ; xem xét, gia hạn tiến độ do ảnh hưởng của COVID-19 và các nguyên nhân bất khả kháng khác; đồng thời đã bố trí kinh phí cho công tác lập quy hoạch; xúc tiến đầu tư.

Đối với 10 DA chậm triển khai thực hiện, tỉnh chỉ đạo quyết định chấm dứt hoạt động 2 DA; nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động 1 DA; thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động 1 DA; 5 DA tiếp tục rà soát, xem xét thu hồi, 1 DA đã hoàn thành đi vào hoạt động. Liên quan đến 48 DA đôn đốc, theo dõi đặc biệt tiến độ, đến nay đã thu hồi 1 DA; 1 DA đã đi vào hoạt động; 3 DA đã được điều chỉnh tiến độ thực hiện; 6 DA xem xét, rà soát thu hồi; 9 DA ngừng hoạt động; 28 DA còn lại, cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục tố chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ.

Một chương trình giám sát khác của HĐND tỉnh cũng đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, đó là giám sát về chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2021.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND đã ban hành NQ 112 liên quan đến chương trình giám sát này. Từ NQ này cho thấy, trong 6 chỉ tiêu phát triển diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020, chỉ có 1 chỉ tiêu về phát triển nhà ở cho người có công cách mạng là đạt; còn lại 5 chỉ tiêu không đạt, đó là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức chưa được triển khai thực hiện; chỉ tiêu phát triển nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp chỉ đạt 0,31% và cho sinh viên, học sinh chỉ đạt 2,4%. Ngoài ra, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 19,5% so với chỉ tiêu… Do vậy, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các NQ của HĐND tỉnh về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong thời gian đến.

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và ma túy trong nước diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trước việc cử tri nhiều lần kiến nghị HĐND tỉnh xem xét giải quyết dứt điểm thực trạng này thì HĐND tỉnh cũng đã có một chuyên đề giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2023 và đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng.

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Đặc biệt là việc xem xét bổ sung thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng về xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57 của Chính phủ để bổ sung các danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy mới. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp khác…

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII 

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong hoạt động chất vấn

Từ các kiến nghị của cử tri liên quan đến tội phạm công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế tăng cao, Thường trực HĐND đã chọn vấn đề này để chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021- 2026. Đại biểu nêu nội dung chất vấn với trọng tâm là các giải pháp để hạn chế cũng như xử lý dứt điểm thực trạng này đến lãnh đạo Công an tỉnh.

Sau khi thông tin về những thiệt hại liên quan đến tội phạm công nghệ cao, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh nhận định rằng, hiện, một số bộ phận người dân mất cảnh giác, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Các nạn nhân bị lừa bằng những phương thức, thủ đoạn dù không hề mới. Đồng thời, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn chỉ rõ nguyên nhân xuất phát từ việc nạn nhân nhẹ dạ cả tin, công tác quản lý nhà nước cũng còn nhiều lỗ hổng, cùng với đó là công tác tuyên truyền dường như chưa thấu đáo…

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn cũng nêu các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, đó là cần nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng ngừa tội phạm; cần triển khai cụ thể, mạnh mẽ các chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm này…

Cũng tại kỳ họp này, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn tư lệnh các ngành về quá trình thực hiện các NQ liên quan đến du lịch, nông nghiệp, kinh tế tập thể.

Tư lệnh các ngành công thương, kế hoạch đầu tư, du lịch đã đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; chủ trương đầu tư DA Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025; chính sách phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, nhiều vấn đề nổi cộm đã được “phơi bày”, trách nhiệm của các bên liên quan cũng được xác định. Điển hình như, việc thực hiện chính sách di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp chưa đảm bảo theo yêu cầu, chậm tiến độ đề ra do gặp khó về mặt bằng bố trí cho các cơ sở sản xuất di dời. Công tác tổ chức xây dựng Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn” của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án.

Về du lịch, năm 2024, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 4 triệu lượt khách, do vậy, đến năm 2025 không thể đạt được chỉ tiêu theo NQ 10 (8,8 triệu lượt khách) của HĐND tỉnh. Ngoài ra, chỉ tiêu về số phòng đến năm 2025 cũng không thể đạt được theo NQ số 10.

Liên quan đến DA Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tỷ lệ DA thành phần được duyệt hiện còn khá thấp (4/18, chiếm tỷ lệ 22,2%)...

Là cử tri thường xuyên theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh, ông Lê Văn Cầm (TX. Hương Thủy) cho rằng, nội dung các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh qua từng kỳ họp được đổi mới. Bằng chứng là các vấn đề được lựa chọn để chất vấn sát với thực tiễn của địa phương, trong đó có nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần.

Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND tỉnh, hoạt động chất vấn sẽ được đổi mới theo hướng tăng cường tính đối thoại, tranh luận. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đăng đàn làm rõ các vấn đề liên quan cùng các giải pháp thực hiện. “Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh sẽ giám sát, kiểm tra lời hứa của các sở, ngành, địa phương liên quan sau khi được chất vấn, đặc biệt là các giải pháp để giải quyết các kiến nghị của cử tri”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống
Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TIN MỚI

Return to top