ClockThứ Bảy, 29/08/2020 06:30

Nhớ mùa thu tháng Tám

TTH - Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng với những cán bộ lão thành cách mạng đã từng tham gia giành chính quyền năm 1945, ký ức về những ngày gian khó nhưng rất đỗi tự hào ấy mãi không bao giờ quên.

Chiều thơ mừng Tết Độc lậpKể chuyện Cách mạng Tháng támVua Bảo Đại đã kể gì về Cách mạng Tháng Tám?

Ông Nguyễn Trung Chính khẳng định: “Thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế chính là thắng lợi của lòng yêu nước”

Ký ức khó quên

“Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh. Được tin này, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại số nhà 46 Giáp Hạ, Phú Bình, Huế để nhất trí chủ trương khởi nghĩa. Phú Lộc được chọn là địa phương phát động giành chính quyền trước để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác; đồng thời, tạo điều kiện cho Huế tiến hành khởi nghĩa”, ông Nguyễn Trung Chính (92 tuổi, trú tại TP. Huế), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giai đoạn 1989-1991 nhớ lại.

Là người đã từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân cách đây 75 năm, nhưng ông Nguyễn Trung Chính vẫn còn nhớ rất rõ ký ức hào hùng, sục sôi của những ngày mùa Thu tháng Tám năm xưa.

16 tuổi, ông Nguyễn Trung Chính đã gắn bó, đi theo con đường sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn. Khí thế cách mạng của Nhân dân lúc đó như “chẻ tre”. Chính sức mạnh đó đã khiến một số thành phần phản động của Quốc dân Đảng, bọn tay sai thân Nhật hầu như bị cô lập, giúp quá trình giành chính quyền của ta thuận lợi.

“Tại huyện Quảng Điền, trước khi tiến hành khởi nghĩa, lực lượng cách mạng đã kiểm soát được chính quyền ở các làng, các tổng trong huyện mặc dù chưa công bố công khai. Tri huyện Quảng Điền khi đó tên là Đoàn Thức, sau khi nhận được thư của Việt Minh cũng hứa sẽ ủng hộ cách mạng. Do vậy, khi Nhân dân nhất tề đứng lên khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi tốt đẹp”, ông Nguyễn Trung Chính tiếp câu chuyện kể.

Với ông Hồ Chí Cường (còn gọi là Hồ Chí Liêm – 96 tuổi) cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại tổ dân phố Long Khê, phường Hương Vân (TX. Hương Trà) thì: “Cha mẹ đặt tên cho tôi là Hồ Chí Cường, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng đã cho tôi thêm một cái tên mới đó là Hồ Chí Liêm. Liêm nghĩa là liêm khiết, chính trực, không khuất phục trước bất cứ khó khăn, gian khó và kẻ thù nào”.

Ông Hồ Chí Cường say sưa kể về những ngày giành chính quyền

Sinh ra và lớn lên khi đất nước lầm than, người dân phải sống trong cảnh cùng cực trước sự áp bức bóc lột của thực dân phong kiến và địa chủ ức hiếp, cường hào, ông Hồ Chí Cường đã tham gia đội tự vệ của làng, của xã, ngày đêm bí mật tập luyện để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

“Tôi nhớ, trong làng có ông Hoàng Văn Thông, vợ là Trần Thị Tín làm nghề thợ rèn đã bí mật rèn giáo, mác để trang bị cho đội tự vệ của làng, của xã làm vũ khí tham gia giành chính quyền. Dù vũ khí thô sơ, nhưng với nghị lực, ý chí của mình, chúng tôi quyết tham gia đập tan ách xiềng xích nô lệ, trừng trị bọn địa chủ cường hào, giành chính quyền vào tay Nhân dân”, ông Hồ Chí Cường kể.

Lịch sử của Đảng bộ phường Hương Vân giai đoạn 1930 - 2015 ghi rõ, tháng 7/1945, sau khi Việt Minh huyện Hương Trà thành lập, tại Hương Vân, các đoàn thể cứu quốc đã tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào bình dân học vụ, đi nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết ở những nơi công cộng. Tại các thôn Lại Bằng, Sơn Công, Long Khê, các đội tự vệ được thành lập và tổ chức huấn luyện những vấn đề quân sự cơ bản. Các đoàn thể, Việt Minh tổ chức lạc quyên để lấy tiền mua sắm vũ khí, may cờ, tổ chức các cuộc lễ… Sau hơn một tháng khẩn trương chuẩn bị, lực lượng vũ trang chính trị của quần chúng ở Hương Vân hình thành càng thôi thúc phong trào cách mạng giành chính quyền lên cao. 

Ý chí quật cường

Ngày 17/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Hương Trà thành lập, đề ra kế hoạch khởi nghĩa cho các làng, tổng và huyện.

“Sáng 20/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân Hương Vân đã tề tựu đầy đủ tại Lại Bằng với băng cờ, biểu ngữ, vũ khí và kéo từng đoàn dài. Đi đến đâu lời hiệu triệu của Việt Minh được đọc lên nhằm kêu gọi Nhân dân ủng hộ Việt Minh, kêu gọi giành chính quyền, đặc biệt là kêu gọi hương lý giao nộp toàn bộ ấn triện, sổ bộ… cho Ủy ban Khởi nghĩa.

Lại Bằng – Hương Vân vinh dự là đơn vị đầu tiên trên địa bàn toàn huyện Hương Trà tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công; góp phần để huyện Hương Trà giành chính quyền về tay Nhân dân vào ngày 23/8/1945”, ông Hồ Chí Cường phấn khởi.

Khí thế càng thêm sục sôi, khi liên tục các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Quảng Điền và TP. Huế giành thắng lợi.

Đúng 13 giờ ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Trên kỳ đài Huế, trong bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên tung bay giữa bầu trời Cố đô. Giây phút trang trọng, thiêng liêng đó báo hiệu sự chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến và chính quyền đã thuộc về Nhân dân.

“Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế chính là thắng lợi của lòng yêu nước, là sức mạnh tinh thần của Nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc. Với thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, Nhân dân toàn tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình; góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết Độc lập

Không muôn sắc hoa rực rỡ khắp phố phường, lối ngõ; không mứt bánh ăm ắp ngọt ngào trong gian bếp mỗi nhà, nhưng không vì thế mà niềm háo hức, lòng tự hào dân tộc trong ngày Tết Độc lập có chút nào đó giảm bớt trong trái tim mỗi người con đất Việt. Và tinh thần bất diệt thiêng liêng ấy được tiếp nối rạng ngời qua màu cờ, sắc áo trong nhịp sống hôm nay.

Tết Độc lập
Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường

Hôm nay là ngày vẻ vang, là ngày Độc lập! 79 năm trước, cả dân tộc ta đã đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh đổ ách xiềng xích của cả đế quốc, thực dân, phong kiến. Từ thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, người dân Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào là con dân một nước tự do, độc lập.

Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường
Chọn Huế để du lịch dịp lễ

Trong rất nhiều sự lựa chọn các điểm du lịch dịp lễ Quốc khánh năm nay, nhiều du khách vẫn ưa thích các điểm du lịch ở Cố đô để khám phá văn hóa di sản và các loại hình du lịch khác, trải nghiệm nét cổ kính ở Huế với nhịp sống bình yên.

Chọn Huế để du lịch dịp lễ

TIN MỚI

Return to top