ClockThứ Bảy, 27/03/2021 06:00

Ký ức người dân bên cửa biển Tư Hiền

TTH - Trong ký ức người dân xã Vinh Hiền (Phú Lộc) vẫn vẹn nguyên khí thế sục sôi, hào hùng của những ngày tháng 3 lịch sử cách đây 46 năm.

Sẽ thi công kè chắn cát chống bồi lấp cửa biển Tư Hiền

Lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của người dân Vinh Hiền đem lại hiệu quả kinh tế cao

Một thời đấu tranh anh dũng

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm các chứng nhân lịch sử từng tham gia đấu tranh chính trị, công tác binh vận, đưa đón bộ đội chủ lực... phục vụ chiến dịch trong những ngày tháng 3/1975 lịch sử, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Tam giới thiệu: Vinh Hiền là một trong những địa bàn đóng quân trọng điểm của địch, vì vậy, đây chính là nơi ghi dấu những trận đánh quyết liệt, nhiều chiến công của quân và dân ta.

Ông Hồ Xuân Thọ, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã Vinh Hiền, từng tham gia du kích trong thời kỳ kháng chiến, hồi tưởng: Giai đoạn tích cực chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng quê hương, bên cạnh đấu tranh quân sự thì hoạt động đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận cũng được chú trọng. Cán bộ hoạt động và phụ trách địa bàn Vinh Hiền bí mật tiếp cận bà con các làng, vận động các gia đình ngụy quân, ngụy quyền ủng hộ cách mạng. Trong thời gian này, cán bộ của Đội vũ trang thường lấy địa bàn Nam Trường để bám trụ, xây dựng cơ sở xuống Vinh Hiền. 

Đầu năm 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tuy phải chấm dứt can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, vẫn tiếp tục cung cấp tiền bạc, vũ khí cho chính quyền Sài Gòn. Vinh Hiền tiếp tục được địch xem là địa bàn chính trị, quân sự chiến lược quan trọng của Khu 3. Lúc bấy giờ, Vinh Hiền là nơi có nhiều thanh niên trai tráng buộc phải tham gia vào bộ máy chính quyền tay sai và bộ máy quân sự của xã, quận. Vì vậy, công tác binh vận ở Vinh Hiền được đẩy mạnh hơn các nơi khác.

Ông Nguyễn Văn Búa, 85 tuổi, Trưởng làng Hiền An 1 kể: “Trước hành động phá hoại của chính quyền tay sai, phong trào đấu tranh chính trị ở Vinh Hiền phát triển sôi nổi. Một bộ phận người dân Vinh Hiền đã tiến hành đấu tranh đòi chính quyền tay sai ở đây phải thực hiện các điều khoản của hiệp định. Thậm chí, khi địch có hành vi đánh đập gây thương tích người dân, nhiều quần chúng từ các thôn, xóm của Vinh Hiền đưa nạn nhân về quận lỵ Vinh Lộc đấu tranh đòi bồi thường”.

Trong câu chuyện của các chứng nhân lịch sử, chúng tôi như được sống ở thời kỳ hào hùng, sục sôi ấy. Những thắng lợi về chính trị, quân sự và binh vận mà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Vinh Hiền giành được cho đến đầu năm 1975 đã góp phần tạo cơ sở để Vinh Hiền cùng các xã ở Khu 3 nhất tề nổi dậy giải phóng quê hương.

Ông Hồ Xuân Thọ vẫn nhớ như in: Ngày 20/3/1975, lực lượng vũ trang huyện cùng bộ đội chủ lực tập kết chuẩn bị chờ lệnh vượt phá sang giải phóng Khu 3. Cùng lúc đó, ngư dân Vinh Hiền và các xã lân cận tích cực chuẩn bị ghe, thuyền và cơ sở vật chất để đón quân chủ lực.

Đúng 5h sáng ngày 21/3/1975, chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế chính thức mở màn, các thôn, xã ở Khu 2 lần lượt được giải phóng, quân ngụy rệu rã chạy về hướng cửa biển Tư Hiền với ý đồ thoát vào Đà Nẵng. Đến chiều 22/3/1975, lực lượng vũ trang huyện đã về chốt chặn tại phía Nam cửa Tư Hiền. Lúc này, ta đã làm chủ hoàn toàn xã Vinh Hiền.

Theo ông Lâm Văn Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hiền, qua 21 năm đấu tranh chống Mỹ và chính quyền tay sai, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, đại đa số người dân Vinh Hiền hết lòng che chở, nuôi giấu cán bộ nằm vùng, cùng nhau đoàn kết, mưu trí chống lại các hành động khủng bố, chia rẽ của địch. Nhờ vậy, Vinh Hiền dù là địa bàn đóng quân trọng điểm của địch nhưng chưa bao giờ là “vùng trắng” cách mạng, cuối cùng tiến lên giải phóng quê hương vào ngày 23/3/1975.

Lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế

Sau ngày giải phóng, tổ chức Đảng ở Vinh Hiền nhanh chóng được xây dựng, củng cố, kiện toàn nhằm lãnh đạo Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời điểm đó, Chi bộ xã Vinh Hiền lãnh đạo thành lập được 35 tổ đổi công với 550 hộ tham gia. Chính quyền cách mạng tiến hành chia ruộng để bà con yên tâm sản xuất.

Là xã ven biển phía đông đầm Cầu Hai, có cửa biển Tư Hiền, số người theo sản xuất ngư nghiệp chiếm 1/2 số dân, là một xã trọng điểm của Phú Lộc trong đánh bắt thủy sản. Sau ngày giải phóng, ngư nghiệp ở Vinh Hiền được ưu tiên khuyến khích phát triển. Chính quyền huyện và xã tạo điều kiện hỗ trợ người dân nhanh chóng tu sửa, mua sắm thêm thuyền máy, ngư cụ, tổ chức lại các tổ đánh bắt. Cùng với đó, xã từng bước thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế tập thể.

Sau 35 đổi mới, Vinh Hiền bây giờ đang đổi thay rất nhiều, giao thương nhộn nhịp trên các tuyến đường xe đi qua. Người dân bên cửa biển Tư Hiền đang phát huy truyền thống quật cường, bắt tay vào “cuộc chiến” xây dựng quê hương mới.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Tam cho hay, phát huy lợi thế về vùng kinh tế đầm phá, địa phương đề ra các chính sách khuyến khích bà con làm nghề đánh bắt thủy hải sản có những bước phát triển về quy mô, năng lực và nghề khai thác mới. Hiện, số phương tiện đánh bắt đã phát triển lên hơn 200 ghe, thuyền, nâng sản lượng khai thác trung bình gần 800 tấn/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Tam, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản của Vinh Hiền được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao, với giá trị sản xuất đạt 190,13 tỷ đồng trong năm 2020, chiếm gần 60% GDP của xã và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Địa phương phấn đấu xây dựng xã trở thành vùng cung cấp nguồn thủy sản phong phú, có giá trị cao cho thị trường, góp phần vào phát triển kinh tế vùng đầm phá bền vững.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

TIN MỚI

Return to top