ClockThứ Ba, 17/12/2024 08:48

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TTH - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Triển khai ứng dụng Hue-S để ngăn chặn đốt rơm, rạ Phổ cập kỹ năng số cho người dân

Bản tin cảnh báo lũ các sông trên địa bàn tỉnh được Hue-S gửi đến người dân vào trưa 26/11/2024 

Tăng cường thông tin cảnh báo mưa lũ

Tháng 10 và 11/2024, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của một số cơn bão, áp thấp nhiệt đới và những đợt mưa lớn kéo dài gây ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, đợt mưa lớn vào những ngày cuối tháng 11 vừa qua diễn biến hết sức phức tạp. Có đợt, lượng mưa lớn đo được tại xã Hương Phú (Nam Đông) là 1.139mm, Bạch Mã 2.765mm, đỉnh Bạch Mã trên 3.108mm. Các hồ chứa Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền điều tiết xả lũ về hạ du khiến mực nước trên sông Hương, sông Bồ đạt mức cao nhất dưới báo động 3, gây ngập nhiều tuyến đường ở TP. Huế và các địa phương thấp trũng.

Bên cạnh sự nỗ lực giúp đỡ, di dời hàng trăm hộ dân ở vùng xung yếu, ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất của các cơ quan và chính quyền địa phương đến nơi an toàn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cùng Đài Khí tượng Thủy văn, Trung tâm IOC đã thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ, phát đi thông tin cảnh báo thiên tai để người dân chủ động ứng phó.

Riêng trong đợt mưa lũ vào cuối tháng 11/2024, Fanpage Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đăng tải 50 bài viết về diễn biến mưa lũ, cảnh báo thiên tai thu hút hơn 1,2 triệu lượt tiếp cận và hơn 19.000 lượt tương tác. Trung tâm IOC đăng tải 13 thông tin, cảnh báo trên nền tảng Hue-S và 15 bài viết qua Fanpage, thu hút 762.850 lượt tiếp cận và 15.329 lượt tương tác.

Người dân chủ động ứng phó ngập lụt từ thông tin của Hue-S

Hiện ứng dụng Hue-S của Trung tâm IOC liên quan đến các thông tin về thời tiết, cảnh báo thiên tai... có 2 nhóm chức năng, gồm: Thời tiết thiên tai và phòng, chống bão lụt. Trong đó, nhóm thời tiết thiên tai cung cấp thông tin, hỗ trợ tương tác với người dân thông qua các chức năng cập nhật thông tin hữu ích, gồm: Lượng mưa theo thời gian thực từ 50 trạm đo mưa tự động; thông tin mực nước trên sông Hương, sông Bồ; thông số điều tiết lưu lượng tại các hồ, đập; hình ảnh camera trực tuyến tại các điểm thường xảy ra ngập lụt; bản đồ các tuyến đường có thể đậu đỗ xe trong mùa ngập lụt.

Ông Trần Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm IOC cho biết, thông qua mục SOS và phản ánh hiện trường trên Hue-S, mới đây đơn vị còn tiếp nhận thông tin về 4 trường hợp người dân gặp nạn trong mưa bão cầu cứu và được Hue-S cập nhật, thông báo đến chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân kịp thời. Có trường hợp một hộ gia đình ở tổ dân phố An Cư Đông, thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc) bị nước dâng lên cao, không thể di chuyển ra ngoài. Sau khi Hue-S tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng ở thị trấn Lăng Cô đã tiếp cận hỗ trợ kịp thời. Tiếp đó, qua Hue-S, một người dân bị điện giật tại xã Hương Phong (TP. Huế) cũng được các lực lượng hỗ trợ. “Từ đầu mùa mưa bão năm 2024 đến nay, Trung tâm IOC đã đăng tải 105 thông tin, cảnh báo thiên tai, mưa lũ đến người dân trên toàn tỉnh thông qua nền tảng Hue-S. Đồng thời, Fanpage Trung tâm IOC đã đăng tải 99 bài viết cảnh báo thiên tai mưa lũ, thu hút 4.837.587 lượt tiếp cận và 86.255 lượt tương tác”, ông Hiếu thông tin thêm.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, sau một thời gian hoạt động, đến nay ứng dụng Hue-S đã phát huy hiệu quả thiết thực với nhiều tính năng, chức năng được cập nhật bổ sung. Hue-S còn được xem như một trong những kênh truyền thông tin kịp thời, chính thống về tình hình thời tiết thiên tai; các dự báo, cảnh báo được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến người dân và các cơ quan, đơn vị. Thông qua ứng dụng Hue-S, người dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã truy cập để theo dõi thông tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ để từ đó chủ động phương án ứng phó thích hợp.

Bài, ảnh: MINH ANH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top