ClockChủ Nhật, 14/07/2024 10:52

Để tăng lương, không tăng lo

TTH - Điệp khúc “lương chưa tăng, giá đã tăng” tiếp tục đặt ra những thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp bình ổn, điều hành giá, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân… để người được thụ hưởng yên tâm, mức lương mới sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thị trường bình ổn sau tăng lương Dự kiến tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7

 Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản tại chợ Đông Ba. Ảnh: Bảo Phước

Đầu tháng 7/2024, sau gần 20 năm (tính từ 1/10/2004) với 14 lần tăng lương cơ sở, mức lương cơ sở đạt 2,34 triệu đồng đã mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.

Đây là đợt tăng lương cơ sở được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Mức tăng khoảng hơn 30% là một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, câu chuyện cứ mỗi lần tăng lương, giá cả lại tăng theo cũng khiến nhiều người phải lo lắng.

Nhắc lại 14 lần tăng lương cơ sở trong vòng 20 năm qua đã tác động như thế nào đến lạm phát? Phiên thảo luận ở hội trường về các nội dung liên quan đến tăng lương cơ sở; điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7, có đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, tăng lương cơ sở nhưng cần có biện pháp hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Đồng tình với lộ trình cải cách tiền lương trong tương lai theo tinh thần Kết luận số 83 năm 2024 của Bộ Chính trị, nhưng theo vị đại biểu này phải kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu; có như vậy mới đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.

Bài học kinh nghiệm từ nhiều đợt tăng lương cơ sở trước đây, để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Yêu cầu các Bộ: Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể.

Cùng với việc kiểm soát giá cả, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2024 tăng khoảng 0,1%; bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 4,3% so với cùng kỳ.

Khảo sát từ các chợ, siêu thị, doanh nghiệp, sau lần tăng lương cơ sở này, dự đoán giá một số mặt hàng có khả năng tăng theo, song chủ yếu là xa xỉ phẩm. Tuy nhiên, điều này chỉ tác động đến một nhóm nhỏ người tiêu dùng chứ không phải đa số.

Đáng chú ý, mỗi thời điểm tăng lương cơ sở phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Nếu không phải là tăng giá các loại mặt hàng thiết yếu thì người được hưởng lợi từ chính sách tăng tiền lương sẽ phải đóng thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) bởi Luật Thuế TNCN vẫn chưa được sửa đổi. Lương tăng đồng nghĩa thu nhập tăng lên, song mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập là mức thuế suất của người nộp thuế lên mức cao hơn. Điều này làm mất đi ý nghĩa của chính sách tăng lương 30% do Chính phủ đưa ra vì thực chất thu nhập của nhiều công chức, viên chức không tăng lên đến mức này.

Từ chính sách đến thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Cần thêm các biện pháp đồng bộ để khi được nhận lương mới, người thụ hưởng sẽ được dư giả chứ không phải chạy theo giá cả của thị trường. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến mức giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế giúp cán bộ viên chức ít hoặc không bị áp lực khi đóng thuế TNCN…

Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024

Theo danh sách các sản phẩm ăn khách của châu Á do Nikkei biên soạn, từ các buổi concert của ca sĩ nổi tiếng thế giới Taylor Swift diễn ra tại Singapore, đến sự lan tỏa của xu hướng “P-pop” từ Philippines và sự ra mắt của một bộ phim thu hút từ Thái Lan…, nhìn chung các hoạt động và xu hướng giải trí đã chiếm vị trí trung tâm tại Đông Nam Á năm 2024.

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024
Giá xăng tăng, giá dầu lại giảm

Theo Quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 12/12, giá xăng tăng (trừ E5 RON 92), nhưng giá dầu lại giảm.

Giá xăng tăng, giá dầu lại giảm
Giá vàng ngày 9/12: Vàng nhẫn tăng giá, vàng miếng đi ngang phiên đầu tuần

Giá vàng thế giới hôm nay (9/12) tăng trở lại khi Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục mua vàng dự trữ trong tháng 11 sau 6 tháng tạm dừng, giao dịch quanh mức 2.646 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC ở mức 85,2 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tăng lên 84,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng ngày 9 12 Vàng nhẫn tăng giá, vàng miếng đi ngang phiên đầu tuần

TIN MỚI

Return to top