ClockThứ Hai, 11/03/2019 06:15

Cùng “đòi nợ” bảo hiểm

TTH - Nợ bảo hiểm, gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đã và đang là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Điều đáng nói là trong "cuộc chiến" này, ngành BHXH hiện không còn đơn độc mà đã có sự chia sẻ để cùng “đòi nợ” của nhiều ban ngành liên quan.

Lách luật, không đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụHành trình từ không bắt buộc đến bắt buộcQuy định mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT

Người lao động trao đổi với lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh về Luật Lao động

Vai trò của công đoàn

Theo tinh thần của Điều 14 Luật BHXH năm 2014 và trên cơ sở danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài do BHXH tỉnh cung cấp, Liên đoàn Lao động tỉnh trong năm 2018 đã xây dựng Kế hoạch số 28/KH-LĐLĐ về việc thành lập Đoàn công tác làm việc trực tiếp tại 9 doanh nghiệp nợ BHXH để nắm tình hình kinh doanh, yêu cầu đơn vị cam kết thực hiện chuyển nộp tiền nợ BHXH, góp phần giải quyết quyền lợi của người lao động. Thành phần đoàn công tác, gồm Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh.

Kết quả của buổi làm việc, có 4 đơn vị đã chuyển một phần số tiền nợ là 1.361 triệu đồng, gồm: Trường phổ thông Huế Star (chuyển 1.200 triệu đồng), Công ty TNHH MTV TM&DV Phúc Thanh (chuyển 84 triệu đồng), Công ty CP May xuất khẩu Đại Việt (chuyển 33 triệu đồng), Công ty TNHH Hồng Quang (chuyển 33 triệu đồng). Tuy kết quả thu được vẫn còn hạn chế, nhưng sự nhập cuộc của công đoàn và các ban ngành chức năng được xem là tín hiệu mới trong việc đấu tranh chống lại việc cố tình dây dưa nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi thỏa đáng cho người lao động.

Xung quanh vấn đề này, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục đôn đốc đề nghị chuyển nộp tiền nợ và phân cấp hồ sơ cho công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp hướng dẫn người lao động và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án khi đủ điều kiện.

BHXH không đơn độc

Hoạt động phối hợp nhằm triển khai tốt các nhiệm vụ về công tác BHXH hằng năm, trong đó có chuyện “đòi nợ” BHXH đã được xem là nhiệm vụ chính trị của liên ngành, gồm Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội. Báo cáo năm 2018 cho thấy, công tác phối hợp hoạt động liên ngành đạt được kết quả đáng ghi nhận về cả 4 mặt: phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật; phối hợp xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật; phối hợp trao đổi thông tin, báo cáo.

Trở lại với câu chuyện vừa nêu, cùng với phối hợp khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài theo tinh thần Điều 14 Luật BHXH năm 2014, liên ngành đã phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT. Được biết, trong năm 2018, liên ngành đã làm việc với 8 đơn vị, số tiền nợ tại thời điểm thanh tra là 644 triệu đồng, số tiền nợ thu được trong thời kỳ thanh tra là 272 triệu đồng; thực hiện truy đóng BHXH cho 6 lao động.

Cả ba đơn vị Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội đã phối hợp, thống nhất quan điểm, phương án giải quyết khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động liên quan đến việc thực hiện pháp luật lao động. Trong đó, BHXH đảm bảo kịp thời xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đáng chú ý là việc phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động kịp thời tại Công ty cổ phần May xuất khẩu (đã chuyển nộp hết tiền nợ BHXH là 7,7 tỷ đồng để giải quyết các quyền lợi cho người lao động), Công ty TNHH TM&DV Hoàng Đức, Trường PT Huế Star (đã chuyển nộp hết tiền nợ BHXH là 1,2 tỷ đồng, chỉ còn nợ tiền lãi và đã giải quyết chốt sổ cho người lao động nghỉ việc).

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, vẫn còn đó là những khó khăn thực sự trong sản xuất kinh doanh đã dẫn đến tình trạng nợ BHXH. Đã có không ít trường hợp cố tình nợ BHXH của các đơn vị. Hay ở một mức độ nào đó là ý thức lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm và chủ quan của cả 2 đối tượng sử dụng lao động và người lao động trong công việc mang tính nhân văn sâu sắc này.

Tính đến tháng 6/2018, tổng số nợ BHXH, BHTN và BHYT  ở Thừa Thiên Huế là 125, 5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,55% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam. Dù đã tích cực “đòi nợ” nhưng đến đầu năm 2019, theo báo cáo của BHXH tỉnh, tổng số nợ tiền BHXH vẫn lên tới 130 tỷ đồng (gồm nợ lãi, nợ khó thu, nợ không tính lãi); trong đó, số tiền nợ của các đơn vị thuộc diện tính lãi là 77.602 triệu đồng.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội “gộp” 2 tháng đầu năm 2025

Thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời tạo điều kiện cho người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) vui đón tết cổ truyền, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức chi trả “gộp” lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1, 2/2025.

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội “gộp” 2 tháng đầu năm 2025

TIN MỚI

Return to top