ClockThứ Sáu, 08/05/2015 15:56

Chàng trai khuyết tật tài năng

TTH - Xa phố xá ồn ào, chúng tôi đến một lớp học khá đặc biệt, với gần 30 thanh niên đều là người khuyết tật. Ngay người thầy dạy các em cũng là một người khuyết tật vận động. Anh là Trần Công Đông, sinh năm 1984 người có tuổi đời trẻ nhất được Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam phong tặng nghệ nhân quốc gia năm 2014.

Người thầy của thanh niên khuyết tật

Đông kể, quê anh ở thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (Phong Điền). Mới lên 2 tuổi, sau cơn sốt thập tử nhất sinh, chân trái của anh không cử động được, dần teo nhỏ và bị liệt hoàn toàn. Nhà đông anh em, ba là thương binh ¼, mất đôi tay, mù luôn hai mắt. Mọi chi tiêu trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai mẹ. Đông đi lại khó khăn, song vẫn đến trường đều đặn. Lên cấp III, Đông đã đồng hành cùng đôi nạng gỗ vượt qua đoạn đường chừng 5km từ sáng sớm, hoàn tất chương trình lớp 12.
Trần Công Đông hướng dẫn thanh niên khuyết tật học nghề
Quyết tâm giúp mẹ khi ba mất, Đông không thi vào đại học mà chuyển sang học nghề mộc mỹ nghệ ở Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Sau 4 năm học, thấy tài năng vượt trội của cậu trò nghèo, Giám đốc trung tâm tạo điều kiện cho Đông tham gia các khoá sư phạm để về truyền nghề cho các em khuyết tật. Lớp học của Đông có gần 30 em, đa số đều khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ và câm, điếc bẩm sinh. Mỗi em, Đông có cách dạy riêng, sao cho tất cả cùng thạo nghề. Suốt 10 năm ở trung tâm, Đông giúp hàng trăm em tự đứng trên đôi chân của mình. Đông bộc bạch: Dạy các em khó lắm, em tiếp thu nhanh, em tiếp thu chậm, mình phải kiên trì, hướng dẫn từng ly, từng tý. Có em từ chỗ chỉ cầm được chiếc dùi, chiếc búa nay đã tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Trung tâm nhận hàng về cho các em làm nên bình quân mỗi em có mức thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Nghệ nhân quốc gia
Con đường trở thành nghệ nhân của Trần Công Đông lắm nhọc nhằn gian khó. Suốt 10 năm nỗ lực, tìm tòi và sáng tạo các mẫu mã độc đáo, đẹp mắt trong khi đôi chân không cử động di chuyển theo ý muốn. Đông có thể ngồi hàng giờ liền để chạm trổ những tác phẩm mỹ nghệ ưng ý. Từ những khúc gỗ sần sùi, thô ráp, qua bàn tay khéo léo của anh trở nên tinh xảo, đẹp mắt. Sản phẩm của anh làm ra đều có hồn, sống động, lại tinh tế, sắc sảo, được khách hàng ưa chuộng. Đông bộc bạch: “Tôi có nhiều thời gian nên hễ ngồi vào là chạm trổ theo trí tưởng tượng, theo cảm xúc và ngẫu hứng, không gò bó”… Nói về tác phẩm đưa anh đến danh hiệu cao quý nghệ nhân quốc gia năm 2014, Đông chia sẻ: “Trong suốt 1,5 tháng miệt mài, tôi đã gởi bức tượng Di Lạc ra Hà Hội dự thi. Tượng được làm bằng rễ mít, cao gần 1m. Tôi là một trong 60 nghệ nhân mộc mỹ nghệ của cả nước được vinh danh trong năm 2014. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ là một trong những tiêu chí khi tôi phải trải qua các phần thi khác do ban tổ chức yêu cầu”.
Đông lấy vợ năm 25 tuổi. Vợ cùng tuổi, cùng hoàn cảnh và có phần nặng hơn khi sinh ra đã bị dị tật chân trái và cụt chân phải. Hai người quen nhau trong lớp học nghề nhưng mãi đến 3 năm năm sau mới cưới. Mẹ vợ nhìn Đông ái ngại nhưng cả hai bên gia đình đồng ý cho họ lấy nhau. Không lâu sau, đám cưới của hai người diễn ra ấm cúng. Nói về vợ mình Đông cho biết: “Cô ấy khuyết tật nặng nhưng lại rất đảm đang. Lúc nào trong vườn cũng nuôi một đàn gà, vịt, rồi trồng rau, nhổ đậu thoăn thoắt chẳng lúc nào nghỉ ngơi. Thế nên, con cái vừa có cái ăn, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ”.
Cuộc sống của họ bình dị mà hạnh phúc. Lương hàng tháng của Đông cộng trợ cấp của Nhà nước ngót nghét 4 triệu. Tối về, Đông lại nhận thêm hàng để chạm trổ có thêm đồng ra, đồng vào. Đông bảo tổ ấm của họ rất vui, nhất là cả hai đứa trẻ đều lành lặn, khoẻ mạnh. “Với người khuyết tật có một công việc ổn định, được làm điều mình thích lại có người vợ đảm và những đứa con khoẻ mạnh thì còn gì bằng. Tôi chẳng mong ước gì hơn, sẽ tiếp tục truyền nghề cho các em, miệt mài sáng tạo, dành dụm ít tiền sẽ mở cho vợ một quầy tạp hoá buôn bán ổn định cuộc sống vậy thôi”. Đông chia sẻ
Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

Chiều 10/1, Văn phòng UBND thành phố cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương vừa có những chỉ đạo liên quan đến vụ việc vé số bị rách không đảm bảo điều kiện nhận thưởng.

Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

TIN MỚI

Return to top