ClockThứ Hai, 14/02/2022 07:06

Vững chãi nơi biên cương

TTH - Từ nỗ lực, giúp sức của Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 92 đối với các xã Lâm Đớt, Hương Phong, Đông Sơn và A Roàng, huyện A Lưới, những ngôi nhà được xây dựng, sửa chữa; những đàn bò, dê không ngừng sinh sôi; những mô hình kinh tế phù hợp đã “bén duyên” với vùng đất biên ải.

Ngày tết của người lính nơi biên thùyĐể có tết ấm cho đồng bào

Đoàn Thanh niên Đoàn KTQP 92 hỗ trợ bữa sáng cho học sinh xã Lâm Đớt

An cư

Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, con cái lại đang tuổi ăn tuổi học nên dù ngôi nhà của hai vợ chồng anh Hồ Văn Đông (44 tuổi, xã Lâm Đớt) đã xuống cấp, nhưng không có kinh phí để sửa chữa.

“Con lớn cả rồi, cũng muốn cho con có cái nhà đàng hoàng để ở, chỗ học hành tử tế nhưng thu nhập từ ruộng vườn của hai vợ chồng chỉ đủ sống qua ngày và nuôi các con ăn học nên tôi dù rất muốn sửa nhà nhưng cũng đành chịu”, anh Đông bộc bạch.

Biết được hoàn cảnh của gia đình anh Đông, sau khi khảo sát, Đoàn KTQP 92 đã hỗ trợ gia đình 35 triệu đồng, vật liệu xây dựng và nhiều ngày công để sửa nhà.

Ngôi nhà vách nứa, nền đất xập xệ của anh Đặng Sơn Tú (35 tuổi, xã Lâm Đớt) nay như được thay áo mới bởi những bức tường chắc chắn, nền xi măng sạch sẽ… Đó là nhờ sự giúp sức, kinh phí, vật liệu xây dựng từ Đoàn KTQP 92. “Có ngôi nhà vững chãi cho cả gia đình sinh sống, tôi rất vui. Nhất là mỗi mùa mưa bão đến, cả gia đình không còn phải nơm nớp lo sợ. Nay đã “an cư”, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành tới nơi tới chốn”, anh Tú vui mừng.

Năm 2021, Đoàn KTQP 92 đã hỗ trợ 55 hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại các xã A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn sửa chữa nhà cửa với kinh phí gần 2 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho Khu KTQP A So, A Lưới).

Thiếu tá Phạm Đức Hạnh, Trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn KTQP 92 cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, ngoài việc giám sát quá trình sửa chữa nhà của người dân chặt chẽ, cán bộ đơn vị thường xuyên giúp đỡ ngày công. Khi được bộ đội giúp đỡ, bà con rất vui. Mỗi ngôi nhà hoàn thành, thấy những đứa trẻ nô đùa trong những ngôi nhà mới, kiên cố, sạch sẽ… khiến chúng tôi thêm ấm lòng. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đến “gần” hơn với bà con, cùng đồng bào xây dựng, phát triển miền biên giới nơi đơn vị đóng quân và chúng tôi tin, đó cũng chính là động lực để người dân cố gắng hơn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đổi thay nơi vùng biên

Con đường liên thôn A Chi, Hương Sơ (xã Lâm Đớt) được bê tông hóa sạch đẹp. Từ nay, người dân sống ở đây sẽ đi lại thuận lợi hơn, việc phát triển kinh tế, giao thương cũng được mở rộng.

Chị Hồ Thị A Lít phấn khởi: Từ ngày con đường liên thôn được hoàn thiện, con cái đi học chúng tôi cũng yên tâm hơn. Mùa mưa gió, không phải đi lại trên con đường sình lầy, ổ gà lổm chổm. Việc thu hoạch mùa màng, vận chuyển lúa, rơm về nhà cũng dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Không những hỗ trợ người dân làm nhà, ổn định nơi ở, làm đường, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, thời gian qua, Đoàn KTQP 92 đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ người dân trong phát triển kinh tế. Triển khai kết nghĩa với các hộ gia đình khó khăn để giúp người dân trồng gừng trong bao, trồng rừng kinh tế, cây dược liệu…

Chi đoàn Thanh niên đơn vị cũng huy động hàng trăm ngày công để giúp đỡ Trường mầm non xã A Roàng đổ bê tông đường, sân… để các cháu học sinh có chỗ vui chơi sạch sẽ. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên đơn vị cũng vận động cán bộ, nhân viên đơn vị ủng hộ hàng chục triệu đồng để duy trì chương trình “Tủ mì 0 đồng” hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh trên địa bàn xã Lâm Đớt…

Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy, Đoàn KTQP 92 cho biết: Với nhiệm vụ giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xã hội, thời gian qua, cán bộ, nhân viên đơn vị đã luôn đồng hành cùng bà con Khu kinh tế A So. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không di cư tự do, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chấp hành đúng chính sách của Đảng, quy định của pháp luật, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ. Sửa chữa, xây dựng nhà kiên cố để người dân an cư, đưa điện đường, làm đường bê tông, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, hỗ trợ con giống, cây trồng, trồng rừng kinh tế…

Đến nay, đời sống bà con đã có nhiều đổi thay. Người dân không những chăm chỉ làm ăn mà còn tích cực tham gia các hoạt động trong thôn, bản, nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, củng cố nền quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới.

Bài, ảnh: THANH THẢO - THẾ CÔNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top