ClockThứ Tư, 19/10/2022 10:57

Tăng lương cơ sở để giữ chân người tài

Tăng lương cơ sở, sau 2 lần trì hoãn là thông tin vui đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, là một nguồn động viên lớn để họ cảm thấy có thêm động lực làm việc tốt hơn.

Tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội mức tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tương đương khoảng 20,8% và tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm khoảng 12,2 %; Bên cạnh đó, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%. Đồng thời, hỗ trợ với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

“Đây là thông tin vui đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đó là một nguồn động viên lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức để họ cảm thấy có thêm động lực làm việc tốt hơn”, PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp Học viện hành chính Quốc gia nhấn mạnh. Sau 2 lần hoãn tăng lương cơ sở, ông Can cho rằng đây là thời gian phù hợp để thực hiện việc này và cũng không thể chậm trễ hơn nữa.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong hơn 2 năm qua, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ Nội vụ, chủ yếu  là do tiền lương ở khu vực công quá thấp, chưa tạo động lực cho đội ngủ cán bộ, công chức, viên chức.

Nếu tính từ năm 2019 thì lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.

Như vậy là trong 3 năm qua, công chức, viên chức chưa được tăng lương. Bởi vậy theo ghi nhận của PV VOV2, rất nhiều công chức viên chức bày tỏ nguyện vọng được tăng lương càng sớm càng tốt, có thể thực hiện ngay từ tháng 1 năm 2023 để những người đang hưởng lương nhà nước bớt đi phần nào khó khăn.

Trong các kỳ tăng lương trước đây, đặc biệt giai đoạn sau 2010, tuỳ vào nguồn ngân sách dành cho tăng lương thì mức lương cơ sở mỗi năm chỉ tăng trong khoảng 7%. Nếu lần này tăng khoảng 20,8% cũng chính là tính luôn mức tăng cho cả 3 năm. Đây là tính toán hợp lý để bù đắp cho những đợt chưa tăng lương trước đây. Tuy nhiên theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia thời điểm áp dụng tăng lương nên thực hiện ngay từ tháng 1 năm 2023.

PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, việc tăng lương cơ sở nên thực hiện ngay từ tháng 1 năm 2023 thay vì tháng 7 năm 2023 như dự kiến. Bởi thực hiện càng sớm sẽ tác động đến suy nghĩ rồi cách thức làm việc, niềm tin của cán bộ, công chức nhiều hơn. Hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ việc tăng lương - chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp.

“Chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta thực hiện sớm thì giúp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt hơn, nhiệt tình hơn. Đặc biệt là chúng tôi thấy rằng họ tin tưởng hơn vào các chính sách nhà nước”, TS Ngô Thành Can nêu quan điểm.

Về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của T.Ư khóa XII dự kiến triển khai từ 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tới đây, sau khi tăng lương cơ sở thì các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế. 

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, cải cách tiền lương sẽ phụ thuộc vào nhiều điều kiện, nhưng cũng không nên lùi mãi cải cách tiền lương. Bởi vì cải cách tiền lương cũng là một trong những phương án, động lực để thúc đẩy đội ngũ trong khu vực công làm việc. Đặc biệt cũng là một phần để động viên, thu hút nguồn nhân lực bên ngoài vào làm trong khu vực công.

TS Ngô Thành Can cũng chỉ rõ điều kiện cần và đủ để việc cải cách tiền lương mang lại những chuyển biến rõ rệt, trước hết phải có một bộ máy tổ chức tinh gọn biên chế. Thứ hai là phải đảm bảo nguồn lực ngân sách có khả năng để chi trả và thực hiện chính sách tiền lương. Thứ ba cần cố gắng tập trung để tăng năng suất lao động và phát triển khu vực công để không chỉ giữ chân mà còn thu hút được người tài vào làm việc.

“Muốn có được điều này chúng ta phải đồng thời thực hiện rất nhiều đổi mới, cải cách, trước hết phải xây dựng được hệ thống vị trí việc làm để làm sao đủ số lượng người làm, giữ lại được những người làm việc tốt. Và khi vị trí việc làm đã rõ ràng thì cứ thế trả lương”, TS Ngô Thành Can nhấn mạnh.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo tuyển dụng cán bộ

Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị thông báo tuyển dụng nhân sự cho vị trí “chuyên viên Hành chính – Quản lý nhân sự”

Thông báo tuyển dụng cán bộ
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
LPBank ra mắt gói giải pháp tài chính toàn diện cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang

Trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh sôi động, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) khẳng định vị thế là "ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng của mọi người" thông qua việc tiên phong triển khai các gói giải pháp tài chính toàn diện, thiết kế dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu tài chính của từng nhóm khách hàng. Đặc biệt, từ tháng 11/2024, LPBank đã triển khai gói tài chính với những ưu đãi vượt trội, được "may đo" riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

LPBank ra mắt gói giải pháp tài chính toàn diện cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang

TIN MỚI

Return to top