ClockThứ Hai, 30/08/2021 07:15

Chi gói hỗ trợ cho lao động tự do

TTH - Ngoài một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, sắp tới, có khoảng trên 30.000 lao động tự do và những đối tượng đặc thù khác sẽ được nhận hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người/lần và 2 triệu đồng/người/lần, tùy trường hợp.

Lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ cao nhất 2 triệu đồng/người/lầnĐề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ đầu năm 2022Gần 20.000 người lao động cần giải quyết việc làm

Những người bốc xếp hàng hóa là nhóm lao động tự do được nhận gói hỗ trợ

Hơn 30.000 lao động tự do tiếp cận gói hỗ trợ

Dịch COVID-19 bùng phát đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Thống kê của Sở LĐTB&XH, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 DN dừng hoạt động; 7.504/92.130 lao động bị dừng việc làm, mất việc làm.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phong tỏa, giãn cách xã hội một số địa phương theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạm dừng hoạt động một số ngành nghề như: rạp chiếu phim, pub beer, câu lạc bộ thể dục - thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em, cơ sở dịch vụ karaoke, quán bar, game online, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ, spa, hoạt động tại các bể bơi...; tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A. Do đó, NLĐ làm việc trong các lĩnh vực kể trên buộc phải tạm dừng việc, mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, ngoài các nhóm đối tượng chính sách từ nhóm 1 đến 11 đã được quy định cụ thể theo NQ 68 và QĐ 23, NLĐ không có giao kết HĐLĐ (còn gọi là lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Nên trong thời điểm hiện nay, gói hỗ trợ này là nguồn "cứu cánh" hết sức cần thiết đối với họ. Qua rà soát, toàn tỉnh có trên 30.000 lao động tự do.

Đối với nhóm lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết 68 quy định căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Trước tình hình chung của đại dịch COVID-19, tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh cho người dân. Ngày 26/8, Nghị quyết "Quy định một số chính sách hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cho NLĐ không có giao kết HĐLĐ và một số đối tượng đặc thù khác" được HĐND tỉnh thông qua nhằm cụ thể hoá đối tượng, mức hỗ trợ, làm cơ sở cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai thực hiện, sớm đưa gói hỗ trợ đến tay NLĐ và những đối tượng đặc thù.

Những người thu mua phế liệu được xếp vào nhóm được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần theo NQ 68

Hơn 67,5 tỷ đồng chi cho nhóm 12

Chính sách hỗ trợ vừa được HĐND tỉnh thông qua áp dụng đến 31/12/2021, gồm những đối tượng lao động thuộc các nhóm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.

Các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng, chống dịch trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021 gồm: NLĐ không có giao kết HĐLĐ thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch.

Đối tượng đặc thù khác là những người được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

NLĐ tự do, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/lần. Riêng NLĐ tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch được hỗ trợ mức 2 triệu đồng/người/lần. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ khoảng 67,5 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở LĐTB&XH, thời gian qua, bên cạnh triển khai chi trả cho các nhóm chính sách khác, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách những đối tượng có khả năng nằm trong nhóm được đề xuất hưởng chính sách để kịp thời xúc tiến chi trả khi HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với quy trình đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Ngoài tập trung triển khai chi trả cho nhóm đối tượng trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn về hồ sơ thủ tục cho NLĐ và đơn vị sử dụng lao động thuộc 11 nhóm chính sách quy định tại NQ 68 và QĐ 23 được tiếp cận gói hỗ trợ kịp thời. Đến nay, có 114.017 NLĐ đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 39,663 tỷ đồng. Trong đó, nhóm 1 về giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhóm chiếm số lượng đối tượng hưởng lớn nhất với 113.076 NLĐ, kinh phí hỗ trợ 36,273 tỷ đồng. Tiếp đến là nhóm NLĐ là hướng dẫn viên du lịch có 503 người đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,866 tỷ đồng. Viên chức hoạt động nghệ thuật có 135 người với kinh phí hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Có 148 NLĐ được DN vay vốn trả lương ngừng việc với kinh phí 494,6 triệu đồng. Có 56 NLĐ được chi hỗ trợ 204,45 triệu đồng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, có 47 hộ kinh doanh được hỗ trợ 141 triệu đồng; hỗ trợ cho 37 NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương với tổng kinh phí 161,42 triệu đồng và 13 NLĐ ngừng việc với kinh phí 22 triệu đồng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công

Ngày 31/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm) tổ chức nghiệm thu 2 đề án khuyến công từ nguồn vốn sự nghiệp cho hoạt động khuyến công tỉnh năm 2024 tại địa bàn huyện Quảng Điền.

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

TIN MỚI

Return to top