ClockThứ Sáu, 07/02/2020 06:00

Lớn lên bằng “lương bộ đội”

TTH - Mấy năm qua, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở miền biên giới biển được “hưởng lương bộ đội”- cách nói hóm hỉnh của những người lính ở Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An (Phú Vang). Ở vùng biên giới, những người lính biên phòng đã và đang trích lương hàng tháng của mình để chăm lo cho tương lai của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như thế.

Nghĩa tình người lính

Cán bộ Đồn BPCK Cảng Thuận An thăm hỏi cháu Lê Thị Nhung cùng ông bà nội của cháu nhân dịp đón Tết cổ truyền 2020

Kịp thời sẻ chia

Gia đình chị Lê Thị Liên ở tổ dân phố Hải Bình, thị trấn Thuận An (Phú Vang) là địa chỉ quen thuộc của những người lính Đồn BPCK cảng Thuận An từ nhiều năm nay. Đây là năm thứ 5 con gái chị là cháu Lê Thị Nhung, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Thuận An được "hưởng lương" của cán bộ, chiến sĩ đơn vị để được đến trường và sinh hoạt hàng ngày.

“Chồng tôi đau ốm liên miên do bệnh di truyền, số tiền kiếm được phải dành lo thuốc thang cho anh nên gia đình lúc nào cũng thiếu hụt” - chị Liên kể. Chia sẻ cuộc sống vất vả, nhọc nhằn của vợ chồng chị, năm 2015, Đồn BPCK cảng Thuận An quyết định nhận đỡ đầu cháu Lê Thị Nhung, lúc này là học sinh lớp 3. Mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích lương, dành dụm cho con chị Liên 500.000 đồng để trang trải chi phí học hành, sinh hoạt. Đến nay, Nhung đã lên lớp 7.

Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Thuận An cho hay, đơn vị nhận đỡ đầu cho cháu được một năm sau thì bố cháu qua đời do bệnh hiểm nghèo. Chồng mất sớm, chị Liên phải gửi con cho ông bà nội để vào Đà Nẵng làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi con.

Ông Lê Hòa (ông nội của Nhung) chia sẻ thêm, cháu Nhung hiện đang mắc căn bệnh di truyền, cứ 6 tháng cháu phải đi khám ở bệnh viện. Gia đình hàng ngày làm nghề bủa lưới bãi ngang, thu nhập rất thất thường, bà nội cháu đi bán bánh lọc dạo ở bãi biển nên hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng (BĐBP), chắc rằng cháu Nhung phải bỏ học.

“Từ ngày đồn biên phòng nhận đỡ đầu cho cháu tôi, sự lo lắng của hai ông bà già đỡ đi hẳn. Vợ chồng tôi rất cảm động khi biết nguồn kinh phí hàng tháng mà đơn vị tặng cháu được trích từ chính tiền lương của cán bộ, chiến sĩ. Tôi hay nói với mọi người, cháu tôi lớn lên bằng lương bộ đội là vì thế” - ông Hòa bộc bạch.

Cháu Nguyễn Thị Thu Xuân (SN 2011), ở tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An cũng mồ côi cha khi vừa lên lớp 1. Mẹ của Xuân là chị Huỳnh Thị Gái phải đi bán hàng, rửa chén bát thuê cho các quầy kinh doanh trong vùng để kiếm tiền lo cho 2 con nhưng chẳng thấm vào đâu. Thu nhập của chị không đủ chi tiêu hằng ngày nên nhà cửa vẫn còn tạm bợ. Trước hoàn cảnh đó, Đồn BPCK cảng Thuận An nhận đỡ đầu cháu Xuân từ lúc mới lên lớp 1. Chị Gái bộc bạch: "Ngoài hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng cho cháu ăn học, các anh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, quần áo, sách vở cho cháu. Nhờ vậy, gia đình đỡ vất vả đi rất nhiều…".

Rời thị trấn Thuận An, chúng tôi đến xã Phú Hải (Phú Vang) để tìm hiểu câu chuyện cảm động về tình quân dân nơi đây. Đó là chuyện về cậu bé Hồ Đức Kim Hoàng, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Phú Hải. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bị bệnh tâm thần nên em không được nuôi nấng chu toàn, hai mẹ con sống trong căn nhà tạm bợ.  Đồn BPCK cảng Thuận An cùng chính quyền xã vận động nhiều nguồn quỹ để sửa chữa ngôi nhà cho mẹ con Hoàng. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn trích lương hỗ trợ nuôi Hoàng ăn học.

Nhiều cách giúp đỡ

Từ năm 2013, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng biên phòng tỉnh đã trích lương để chu cấp cho hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới, với mức 500 ngàn đồng/tháng/cháu. Từ nguồn quỹ đem lại của mô hình "Ngôi nhà xanh", các đơn vị còn sử dụng để mua sắm các vật dụng, quần áo, sách vở cho các cháu, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Và có những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành con nuôi của đồn biên phòng, được sinh sống, học tập trong điều kiện tốt hơn. Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho hay, cùng với việc nhận đỡ đầu các cháu đến lúc học hết lớp 12, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” lần đầu tiên được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức thực hiện với mong muốn chung tay, hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ăn ở, học tập, phát triển. Để triển khai mô hình, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ đạo Đồn BPCK A Đớt và Đồn BPCK Hồng Vân nhận nuôi 2 cháu để làm điểm, sau đó nhân rộng trên địa bàn khu vực biên giới trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

Chiều 28/11, tại tỉnh Xê Kông, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Xê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tổ chức Hội đàm lần thứ XVIII năm 2024 với Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) 3 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

TIN MỚI

Return to top