ClockThứ Hai, 15/03/2021 08:28

Chuyện địch vận ở đồi Mắt Cáo

TTH - Tổ địch vận có 4 người, gồm tôi (Ngụy Hoàng Sơn), Trần Văn Khiêm, Nguyễn Tấn Liên và Đinh Gia Vượng. Còn Mắt Cáo là quả đồi nằm đối diện dãy An Hô, nơi có di tích lịch sử Địa đạo An Hô thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới ngày nay.

Từ trái qua: Binh nhất Ngụy Hoàng Sơn, hạ sĩ Trần Văn khiêm, binh nhất Nguyễn Tấn Liên, binh nhất Đinh Gia Vượng trong một lần về thăm chiến trường xưa

Một lần về Hương Nguyên, đi trên đồi Mắt Cáo, kỷ niệm xưa lại ùa về. Vẫn tiếng kêu đến nao lòng của con chim “Bắt cô trói cột”. Nhớ những ngày cưa gỗ làm hầm dưới trời nắng rát, những đêm ôm súng đứng gác dưới chiến hào, nhìn trăng, đếm sao, đếm tiếng tắc kè kêu xem mai mưa hay nắng. Cả những lần hát cho địch nghe và những câu chuyện làm địch vận.

Tháng 3/1973, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 của chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm, giành lại dãy An Hô rồi củng cố công sự và chốt giữ ở đó. Để bảo vệ vững chắc tuyến phòng thủ An Hô, đơn vị được lệnh đánh đuổi địch ra khỏi những quả đồi lân cận. Chúng tôi đã chiếm được đồi Mắt Cáo và Trung đội 1, Đại đội 2 được phân công chốt lại. Cục diện chiến trường thay đổi, lực lượng ta và địch ở thế cài răng lược. Trước tình hình đó, mặt trận Thừa Thiên Huế quyết định chuyển hướng tấn công địch từ vũ trang sang tuyên truyền vận động, từng bước làm lung lay, tan rã hàng ngũ địch.

Nhận nhiệm vụ mới mẻ này, ban chỉ huy đại đội đã thành lập một tổ 4 đến 5 chiến sĩ để giao nhiệm vụ. Bốn anh em chúng tôi đều là người Hà Nội, tốt nghiệp cấp III, bề ngoài dễ coi, nhận thức, ăn nói có phần nhỉnh hơn mặt bằng chung của đơn vị nên được chọn cho nhiệm vụ này. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin, còn lo vì nhiệm vụ quá mới, chưa ai làm bao giờ, chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng cái máu thích khám phá, trải nghiệm của tuổi trẻ khiến chúng tôi muốn nhảy ngay xuống gặp địch xem sao, xem chúng yêng hùng đến đâu mà có lần chúng vừa rút lui vừa hô to: “Xung phong! Bắt sống mấy thằng thiếu niên Hà Nội”.

Để có được cuộc gặp mặt giữa hai bên, chúng tôi phải thăm dò. Anh Nguyễn Tấn Liên kể: “Giữa khung cảnh trời Tây Nam Huế không có tiếng bom đạn, yên ắng lạ thường, ngồi gác đêm bất chợt nghe giọng Huế và tiếng Quảng Nam từ phía chốt địch, hết ca gác tôi bàn giao và dặn đồng đội cảnh giác. Vì ba tôi quê Phú Vang, Thừa Thiên Huế, má tôi quê Điện Bàn, Quảng Nam nên tôi nghe được chúng nói gì. Một lần tầm 10h sáng, từ phía chốt địch có tiếng gọi nhau, tôi được lệnh gọi thử:

- Các bạn ơi! Bên kia có tiếng đáp, tôi hỏi:

- Các bạn có khỏe không?

- Khỏe! Chúng tôi đang nhậu.

Cứ qua, lại như thế, chúng tôi đã có thể gặp địch. Để đảm bảo nguyên tắc bí mật, chúng tôi tạo cho mỗi người một cái tên. Để dễ nhớ chúng tôi giữ lại âm đầu ở tên mỗi người, theo đó Khiêm sẽ là Khanh, Sơn là Sinh, Liên là Linh và Vượng là Vịnh.

Vào một ngày đầu tháng 7/1973, Ban Địch vận trung đoàn yêu cầu chúng tôi tổ chức gặp địch để nắm bắt tình hình và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng tới binh lính.

Anh Liên kể tiếp: “Hai bên thống nhất phất cờ làm hiệu để cùng nhận diện người đi xuống và không mang vũ khí. Cảnh giới cho chúng tôi xuống gặp địch, anh Tạ Văn Long động viên: “Các đồng hương yên tâm, đã có chúng tôi bảo vệ”. Đi xuống dốc một đoạn, anh Khiêm bảo để anh đi trước. Tôi gạt tay anh và tay cầm lá cờ bằng khăn mặt màu xanh phất phất. Phía địch dùng khăn màu trắng, vừa phất vừa nói to:

- Tụi tôi đang xuống đây, tụi tôi đang xuống đây!

Tại cuộc gặp đầu tiên, để bớt đi không khí thù địch bao năm, chúng tôi chỉ nói chuyện tình cảm với nhau, hỏi nhau tên tuổi, gia đình, người yêu…

Tôi hỏi một cậu lính trẻ nhất:

- Bạn tên gì?

- Cậu ta nói tên, nhưng tiếng Quảng Nam tôi không nghe được, tôi nói:

- Tôi nghe không được và đưa một mảnh giấy nói bạn viết ra đây.

Người lính đó ấp úng:

- Để em nói chậm lại anh nghe, chứ viết thì…

Tôi nghĩ ngay cậu này chắc chưa biết chữ và sau này biết được, lính Việt Nam Cộng hòa còn nhiều người chưa biết chữ. Ngồi đầu phía đối diện, tôi thấy một người bên họ nói nhỏ gì đó với Liên. Trở về chốt, Liên báo cáo lại ngay: “Thằng đó nói với tôi thế này, các anh ơi, muốn lấy chốt các anh chỉ cần bắn 3 phát AK là chúng em rút thôi, đừng giết bọn em tội nghiệp”.

Mới gặp nhau lần đầu nhưng qua cách nói năng, xử lý các tình huống giao tiếp, địch đã thấy mình “chiếu dưới” nên toàn xưng em và kêu chúng tôi bằng anh.

Lần gặp đó, hai bên cũng thống nhất với nhau dựng một túp lều nhỏ và đặt tên là “Nhà Hòa hợp”, gọi là có “trụ sở” để gặp nhau. Tết Nguyên đán 1974, ta và địch đã tổ chức đón xuân chung trong căn nhà Hòa hợp ấy.

Chúng tôi đã ngồi nói chuyện với địch giữa hai làn đạn, sơ sảy chút thôi là hy sinh, đổ máu. Sau này hầu như ngày nào chúng tôi và địch cũng nói chuyện với nhau từ 2 quả đồi bằng chiếc radio Orionton do Trung đoàn trang bị. Tháng gặp nhau đôi ba lần để nắm tình hình thay đổi quân của địch. Được tuyên truyền, hiểu được chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng, nhiều binh sĩ địch đã bỏ ngũ về với cách mạng.

Điển hình công tác địch vận ở Đại đội 2 được Trung đoàn nhân ra toàn tuyến nhằm ra đòn tổng lực đánh thẳng vào tinh thần binh lính địch vốn đã rất bạc nhược. Điều này lý giải việc địch tan rã từng mảng khi ta tấn công trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế.

Ngày 26/3/1975, chúng tôi đã chiến thắng trận cuối cùng trên bãi biển Phú Vang, góp phần giải phóng Thừa Thiên Huế. Sau đó đơn vị có thời gian đóng quân tại quân trường Dạ Lê, nơi đồn trú của Sư 1. Bộ binh nguỵ ở xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy. Tại phòng tâm lý chiến của chúng trong quân trường, tôi tìm thấy một tập hồ sơ. Trong đó chúng ghi lại toàn bộ những lần chúng tôi gặp địch, chúng tôi thấy lại chính mình trong những cái tên Sinh, Khanh, Linh, Vịnh (Sơn, Khiêm, Liên, Vượng).

Bài, ảnh: Ngụy Hoàng Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ

Ông có những câu thơ hết sức tài hoa như: Thiếu sam nhân ỷ châu lan khúc/ Mang sát vương tôn tử mạch đầu”...

Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ
Hương Bình, từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy

Từ năm 1976, thực hiện chủ trương của tỉnh (nay là thành phố), nhiều người dân vùng ven TP. Huế, TX. Hương Trà và một số ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền tình nguyện di cư lên khai hoang xây dựng quê hương mới, lập nên xã Hương Bình (TX. Hương Trà) ngày nay. Sau gần 50 năm từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy, ước nguyện về cuộc sống mới tốt đẹp của người dân nơi đây đã thành hiện thực.

Hương Bình, từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy
Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi

TIN MỚI

Return to top