ClockThứ Năm, 05/07/2018 13:45

Dân lo lắng dưới đường dây dẫn điện 220 KV

TTH - Nhiều hộ dân trên địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà lo lắng, vì nhà cửa, đất đai, cây cối nằm dưới hành lang đường dây điện 220KV (dự án mạch 2 Đông Hà- Huế) nhưng không được di dời mà chỉ được hỗ trợ đối với phần diện tích nhà, đất bị ảnh hưởng. Các hộ dân cho rằng, vẫn phải ở dưới đường dây điện là điều quá nguy hiểm, không thể yên tâm làm ăn, sinh sống…

Công ty Điện lực tỉnh ra quân diễn tập và bảo trì lưới điệnKhắc phục đường dây 35 KV, vỡ ống cấp nước và sạt lở thủy điện

Hộ ông Danh bị ảnh hưởng bởi đường điện cao thế. Vợ chồng ông Danh lo lắng bất an, mong muốn được di dời và bồi thường hỗ trợ tái định cư thỏa đáng.

Đi thì khó, ở thì lo

“Cơ quan chức năng cho rằng gia đình tôi chỉ ảnh hưởng 16,9m2/78m2 diện tích nhà ở và 77,62/402,4m2 đất vườn. Tuy nhiên, ngôi nhà là một kết cấu thống nhất, sao có thể “chặt” ra như vậy được? Điều đáng nói là, với địa hình trũng thấp, khi thiên tai, dưới thì nước ngập lụt, trên trời thì giông tố sấm sét. Người dân sống dưới đường dây điện cao thế, trong hoàn cảnh đó là quá nguy hiểm...”, ông Trần Kiêm Danh, một trong 10 hộ dân bị ảnh hưởng đường dây 220KV đi qua bày tỏ.

Cũng theo ông Danh, trước đây, vào năm 2010, gia đình ông đã 1 lần bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao thế, nên UBND thị xã Hương Trà di dời, tái định cư tại tổ dân phố Sơn Công bây giờ. Chấp hành chủ trương của Nhà nước, đồng thời để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, gia đình ông nhận 90 triệu đồng tiền bồi thường về đất và tài sản, vay mượn thêm nhiều nơi để xây dựng nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Tổ dân phố Sơn Công địa hình trũng thấp, thường bị ngập lụt nặng nên phải xây móng nhà cao, chi phí xây dựng hơn 300 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình ông sinh sống ổn định, làm ăn phát triển.

Không ngờ thêm lần nữa, dự án điện cao thế lại đi qua nhà ông. Thế nhưng lần này, gia đình ông cũng như các hộ khác bị ảnh hưởng không được di dời mà vẫn phải sống dưới đường dây điện cao thế, chỉ được  hỗ trợ đối với diện tích nhà, đất bị ảnh hưởng với giá thấp. Cụ thể, theo thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Trà, gia đình ông Danh chỉ được hỗ trợ tổng cộng 62 triệu đồng.

 “Mỗi lần di chuyển nhà là phá đi làm lại, rất vất vả, khó khăn, tốn kém về cả thời gian, tiền bạc, công sức. Nhưng vì đảm bảo an toàn tính mạng, chúng tôi tha thiết đề nghị được di dời, cấp đất tái định cư và được đền bù thỏa đáng để xây dựng nơi ở mới, đảm bảo an toàn...”- Một số hộ dân khác nêu nguyện vọng.

Quan tâm nguyện vọng người dân

Theo quy định của Nghị định số 14 ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, thì các hộ bị ảnh hưởng đợt này đủ điều kiện tồn tại tại chỗ, không di dời đến nơi khác. Do tồn tại tại chỗ nên các hộ được hỗ trợ đối với phần nhà, tài sản, đất bị ảnh hưởng (chứ không phải toàn bộ).

Trong lúc đó, các hộ bị ảnh hưởng có yêu cầu được đền bù 100% về đất, tài sản, đồng thời được di dời đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài hộ ông Danh, còn có 2 hộ khác đã gửi đơn đến UBND thị xã Hương Trà, UBND tỉnh yêu cầu xem xét.

Điều 13 (Nghị định số 14 ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện): Nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 KV nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra bảo dưỡng thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định theo bảng: điện áp: đến 220 KV- khoảng cách: 6 mét.

Theo thông tin từ UBND phường Hương Vân và Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Trà: Các hộ bị ảnh hưởng, hộ nào cũng khó khăn. Đặc biệt là hộ ông Trần Kiêm Danh. Lắng nghe và hiểu nỗi lo lắng, tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng, UBND phường Hương Vân đã có đề xuất và được UBND thị xã Hương Trà đồng ý “trích” 10 lô trong 50 lô đất đã quy hoạch đưa ra đấu giá, để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng nêu trên, nếu được UBND tỉnh đồng ý cho di dời.

UBND thị xã Hương Trà cũng đã có báo cáo số 2846 ngày 21/11/2017, xin chủ trương di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến điện 220 KV Đông Hà- Huế đoạn qua địa bàn thị xã Hương Trà, đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương di dời các hộ.

Kết luận tại Thông báo số 01 ngày 4/1/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường dây 220 KV mạch 2 Đông Hà- Huế…, có nội dung: “Đối với địa phương có quỹ đất tái định cư, thống nhất chủ trương cho phép hỗ trợ tái định cư đối với hộ có nhà ở, đất ở có nhu cầu tái định cư với cam kết di dời nhà ở khỏi phạm vi hành lang tuyến hoặc không xây dựng nhà; giá đất hỗ trợ tái định cư theo giá đất cụ thể...”.

Đây là kết luận “mở” để UBND thị xã Hương Trà đáp ứng nhu cầu di dời, tái định cư của các hộ dân ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề còn “mắc” là độ “chênh” của mức bồi thường, hỗ trợ. Nếu chỉ được hỗ trợ 80% về đất và 70% về tài sản phần bị ảnh hưởng, người dân sẽ không thể đủ tiền để xây dựng nơi ở mới. Ngành chức năng cần xem xét, thu hồi đất đối với các hộ bị ảnh hưởng, bồi thường toàn bộ về đất, tài sản và di dời, tái định cư theo quy định đối với người dân bị thu hồi đất, để các hộ dân yên tâm, ổn định lâu dài.

Ông Trần Xuân Đống, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Trà:

Đã có phương án

Mặc dù các thông số kỹ thuật của ngành điện đảm bảo an toàn, nhưng những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn lo lắng, bất an. Hiểu tâm tư ngyện vọng và mong muốn đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân về lâu dài, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo các quy định, kiểm kê, thẩm định điều kiện, áp giá bồi thường, công khai phương án. Quá trình thực hiện, UBND thị xã Hương Trà cũng đã rà soát, báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh. Gần đây, các hộ dân có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh, nhưng về chủ trương chính thức, UBND tỉnh chưa có. Nếu tỉnh cho chủ trương di dời thị xã sẽ làm. Có 2 cách: Đối với những hộ còn đất ở trong vườn, sẽ dịch chuyển nhà ra khỏi hành lang lưới điện, xây dựng lại trên đất của họ (không giao đất tái định cư), chính sách bồi thường, hỗ trợ sẽ áp dụng theo quy định. Đối với những hộ không đủ điều kiện xây dựng lại trên đất của họ, Nhà nước xây dựng phương án tái định cư, bồi thường, hỗ trợ căn cứ vào chính sách, diện tích đất cũ của họ sẽ được chuyển mục đích sử dụng.

Thùy Chi (ghi)

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1: Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều, thậm chí là luận điệu xuyên tạc xung quanh nghị định này.

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1 Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn
Xuân mới trên non cao

Mùa xuân đầu tiên thoát khỏi huyện nghèo, người dân A Lưới phấn khởi hòa mình tham gia các hoạt động lễ hội trong tình đoàn kết, sẻ chia. Cùng với giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo, phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống dân sinh.

Xuân mới trên non cao

TIN MỚI

Return to top