ClockThứ Sáu, 23/11/2018 09:31

Thiếu chế tài, người dân vẫn “tận diệt” chim trời

TTH - Đến mùa mưa, thời điểm chim di cư, tại khu vực thôn Trung An (Lộc Trì, Phú Lộc), “trận địa” bẫy cò lại được giăng ra, sẵn sàng “tận diệt” những đàn cò đi tránh đông.

Bay đi, chim trời...Cánh đồng nay đã vắng chim rồi...

Những con chim mồi đập cánh dụ các con chim tự nhiên xuống tìm kiếm thức ăn

Khó thoát

Có mặt tại Quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Trung An, nhìn về phía khu vực đồng ruộng giáp ranh với đầm Cầu Hai, là hàng ngàn con chim giả làm bằng xốp trắng; hàng chục con chim mồi cột chân tung cánh để dụ các đàn chim bay qua.

Theo người dân, khu vực giăng bẫy là trạm dừng chân trên con đường di chuyển của các đàn chim di cư từ Bắc vào Nam; đây cũng là hướng bay của hầu hết các đàn chim từ đầm Cầu Hai khi bay vào đất liền. Hằng ngày, có hàng chục đàn cò bay qua, với số lượng lớn.

Cách thức bẫy chim của người dân là sử dụng bẫy keo nhựa. Người bẫy sử dụng các thanh tre, ở đầu thanh tre xịt một loại keo chuyên để bẫy chim, được bày bán công khai tại các cửa hàng nuôi chim và bán thức ăn nuôi chim. Các thanh tre được cắm xuống đất, xung quanh là các con chim mồi. Khi đàn cò bay qua, thấy có đồng loại đang đậu dưới đất, cũng sà xuống tìm thức ăn. Khi đậu trên các thanh tre, chúng bị mắc ở chân, cánh, hoặc các bộ phận khác.

Ông Trần V. một người tham gia bẫy cò cho hay, chất keo nhựa này rất dính, khi chim đã dính bẫy, dù vùng vẫy đến kiệt sức vẫn khó thoát. Cũng theo ông V., đã hơn 10 năm qua, năm nào gia đình ông cũng bẫy cò, thời điểm bẫy bắt đầu khoảng tháng 10 đến khoảng tháng 2 năm sau.

Vào những ngày cao điểm, mỗi người tham gia bẫy cò ở thôn Trung An có thể bắt hàng chục con cò. Những con cò sau khi bị bắt, được người dân bán cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn với giá khoảng 25 nghìn đồng/1 con.

Tăng cường tuyên truyền

Khi được hỏi, bắt chim trời như thế là không được phép, ông Lê Phú S., một hộ tham gia bẫy chim ở thôn Trung An phân trần, gia đình ông chủ yếu làm nông, vào những tháng mưa gió không có việc nên bẫy cò bán để kiếm đồng vô đồng ra. Chim trời nhiều thế, bẫy vài chục con cũng chẳng sao.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, qua xác minh, những hộ tham gia bẫy cò tất cả đều là người ở địa phương. Trước tình trạng bẫy chim trời trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, xã đã ban hành chỉ thị cấm đánh bắt. Từ khi có chỉ thị và tăng cường tuyên truyền, số lượng các hộ tham gia đánh bắt giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, tình trạng vẫn còn chứ không thể chấm dứt hẳn.

Ông Như cho hay, lý do không thể cấm triệt để người dân được là dù có chỉ thị nhưng chưa có chế tài nào xử phạt. Xã cũng đã nghiên cứu các quy định hiện hành để áp dụng chế tài, nhưng không có nên không thể áp dụng. Chỉ có chế tài xử phạt mới ngăn chặn được. Một lý do nữa là nhu cầu sử dụng chim trời của người dân rất lớn, nhất là các nhà hàng, quán nhậu.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho hay, cò, vạc không thuộc vào nhóm động vật quý hiếm nên không thể áp chế tài xử lý, chủ yếu là tăng cường các biện pháp tuyên truyền, từ người đánh bắt cho đến người sử dụng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, săn bắt động vật hoang dã là sai. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng bẫy cò tại Lộc Trì nói riêng và các nơi khác nói chung đang gặp khá nhiều vướng mắc. Đối với kiểm lâm, chỉ khi người dân đánh bắt trong rừng thì mới xử lý được. Với trường hợp bẫy cò, vạc ở trên các cánh đồng, theo ngành dọc thì cảnh sát môi trường mới có đủ thẩm quyền xử lý. Nếu động vật hoang dã bày bán ở dọc đường thì quản lý thị trường sẽ xử lý.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

TIN MỚI

Return to top