ClockThứ Sáu, 09/08/2024 13:11

Phun sơn, vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị

TTH - Dưới chân cầu, đến các hàng rào tôn vây quanh các công trình xây dựng, bờ tường; thậm chí những tấm cửa kéo của nhà dân… đã bị các đối tượng vẽ bậy tấn công gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Không khó để bắt gặp những hình ảnh vẽ bậy đó ngay giữa lòng đô thị Huế - nơi mà mọi người đang chung tay gìn giữ với tiêu chí xanh – sạch – sáng.

Cần thêm nhiều bãi đỗ ô tô trong đô thịĐảm bảo trật tự giao thông đường bộẨn họa tại các tủ điện công cộng

 Hình ảnh xấu xí, nhếch nhác của nạn phun sơn, vẽ bây ở chân cầu Dã Viên

Xấu xí, nhếch nhác

Tình trạng vẽ bậy nhan nhản này diễn ra trong thời gian khá dài, phần lớn là hình vẽ kiểu graffiti. Theo ghi nhận, các hình vẽ này xuất hiện ở khắp nơi, từ các khu công cộng, chân các cây cầu cho đến các bờ tường dài, hay các hàng rào tôn ở các công trình xây dựng… Những đối tượng đã vẽ, phun xịt lên đó những hình vẽ không mang hình hài, ý nghĩa với đủ màu sắc, loại sơn khác nhau. Không chỉ vậy, các điểm chờ xe buýt, trạm biến áp dọc các tuyến đường cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Bên dưới chân cầu Dã Viên phía bờ nam là một trong những “điểm đen” của nạn bôi bẩn. Đủ loại màu sắc được các đối tượng bôi xịt phun với đủ kiểu hình hài chồng chéo khác nhau tạo nên một hình ảnh xấu xí, nhếch nhác. Thậm chí có những hình ảnh, chữ viết tục tĩu khiến nhiều người ngang qua không khỏi bức xúc.

Nhiều người sống gần khu vực này hoặc thường xuyên đi tập thể dục ở đây cho hay, không rõ việc bôi bẩn này xảy ra thời điểm nào và do ai thực hiện. Nhưng theo họ, khả năng những hành vi này thực hiện vào đêm khuya, khi đường phố vắng người. “Mỗi ngày mỗi đoạn bị bôi bẩn. Những hình hài được bôi lên không rõ ý nghĩa, chỉ tạo nên hình ảnh phản cảm. Vì thế, cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi như thế”, một người dân bức xúc.

Không riêng gì khu vực này, ở các công trình xây dựng được vây quanh bằng tôn cũng được các đối tượng vẽ bậy xem như “nơi trình diễn” để vẽ lên đó đủ thứ hình hài nguệch ngoạc khác nhau. Nhiều người cho rằng, đó là phản nghệ thuật, mang tính chất phá hoại mỹ quan đô thị thay vì làm đẹp đô thị. “Những hình vẽ này chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của người vẽ. Họ không quan tâm tới cái đẹp một cách thấu đáo, hài hòa của đô thị, đặc biệt là đô thị xanh sạch như Huế”, anh Nguyễn Phùng (TP. Huế) đánh giá và cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, phải truy cho được đối tượng vẽ bậy, xử nghiêm để trả lại sự “bình yên” cho đô thị.

Xử nghiêm như xử phạt rải tờ rơi quảng cáo, rao vặt

Một số ý kiến khác cho rằng, lâu nay đã có xử phạt nhiều trường hợp dán quảng cáo, rao vặt, nạn rải tờ rơi… thì việc xử phạt nghiêm khắc tình trạng vẽ bậy này là rất cần thiết. “Hầu hết các đối tượng vẽ bậy đều thực hiện hành vi vào ban đêm, do vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn hành động này”, một người dân kiến nghị và cho rằng, cần thiết trích xuất camera an ninh để truy dấu các đối tượng.

Ở góc nhìn  của mình, các họa sĩ cũng cho rằng, đó không phải là nghệ thuật mà hành vi làm xấu đô thị cần phải lên án. Một họa sĩ ở Huế cho hay, làn ranh giữa cái đẹp và phá hoại cần được phân định rõ ràng. Ví như việc vẽ lên tường ở các nơi công cộng như dọc theo chân cầu Chợ Dinh (phường Phú Thượng), những bức tường ở các trường mầm non, hẻm kiệt… được đón nhận một cách tích cực. Bởi đây là những tác phẩm bích họa có thông điệp rõ ràng, được thực hiện một cách bài bản, có sự chung tay của cộng đồng, tạo được tính thẩm mỹ cao. Ngược lại, những hành vi vẽ bậy, không có sự đồng ý của cơ quan chức năng thì mang tính chất phá hoại hơn là sáng tạo nghệ thuật. “Cái gì cũng có quy chuẩn của nó. Vì thế cần phải ngăn chặn những hành vi bôi bẩn, đó chẳng khác gì là “rác” gây ảnh hưởng đến đô thị”, vị họa sĩ này nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hành vi phun sơn, bôi bẩn ở những khu vực công cộng đã có nghị định xử phạt. Cụ thể, theo Nghị định 144/2021, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên theo một lãnh đạo Đội Quản lý đô thị TP. Huế, lâu nay chưa ghi nhận việc phản ánh vẽ bậy ở các điểm công cộng và chưa xử phạt hành vi này lần nào. Vị này cũng cho biết sẽ cho kiểm tra những hành vi này.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

TIN MỚI

Return to top