ClockThứ Tư, 13/03/2024 19:55

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

TTH.VN - Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Sớm giải trừ "điểm xấu" trong mắt du khách Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộngĐô thị mới cũng hôi… phân bò

Một nhà vệ sinh công cộng vừa được đầu tư dọc bờ sông Hương. 

Đô thị được chỉnh trang, cảnh quan được chăm chút, nhờ thế, bộ mặt của Huế đang sạch đẹp lên từng ngày. Đó không phải chỉ là ta tự khen ta, mà bạn bè, du khách muôn phương đến với Huế đều công nhận như vậy.

Một trong những sự đầu tư tưởng nhỏ nhưng vô cùng thiết yếu, vô cùng quan trọng, đó là nâng cấp, xây mới hệ thống nhà vệ sinh công cộng (WCCC) dọc hai bờ sông Hương và khu vực Thành nội. Điều đặc biệt là hệ thống WCCC đó không chỉ là những công trình đơn giản để giải quyết nhu cầu của du khách, công chúng, mà đó là những công trình được thiết kế độc đáo, hiện đại, thân thiện môi trường và hòa nhập với không gian xanh của Huế. Một số người còn hào phóng so sánh những WCCC này với những “restroom” trong các khách sạn cao cấp. Sau khi công trình hình thành và đưa vào sử dụng, người ta mới công nhận sự so sánh ấy quả không ngoa tí nào.

Thiết kế đẹp, thoáng rộng, hài hòa và cả sang trọng nữa. Các thiết bị lắp đặt đều là hàng cao cấp. Thế nên, công trình khá “đắt khách” sau ngày khánh thành. Người ta vào không phải là vì nhu cầu đang bức thiết trong cơ thể, mà đơn giản là vào để…tham quan, rồi trầm trồ, chung vui cho sự hào hoa văn minh của Huế.

Dịp tết vừa rồi đi chợ hoa, sau gần 2 giờ đồng hồ liệng tới liệng lui, tôi hiên ngang hướng về một công trình WC như vậy bên bờ sông Hương để giải quyết bầu tâm sự. Hiên ngang là bởi trước đây, mỗi lần buộc phải bước chân vào cái WC công cộng là một lần cực chẳng đã bởi cái sự chẳng nói thì ai cũng hiểu, nay thì cái WC khí thế kiểu ấy, hiên ngang là đương nhiên thôi. Đúng là so với các WC trước đây, đó là sự khác nhau cả một trời một vực. Khách sử dụng với tâm thế thoải mái, không còn phải nhăn mày nín thở như trước đây một thời không may vô thế, bất đắc dĩ buộc phải bước chân vào WCCC. Chỉ hơi buồn hôm ấy là nền nhà lép nhép bùn đất, các bồn vệ sinh chưa thực sự vệ sinh cho lắm do chất thải vương vãi. Nhưng nghĩ, tết nhất, người đông như hội, không tài thánh nào dọn kịp và dọn xuể. Ngay như nhà vệ sinh ở tư gia vậy, bình thường thì thôi, chứ có kỵ giỗ, cưới xin là lập tức tung tóe. Cho nên, tự trấn an là tình trạng hơi luộm thuộm chút ở WCCC bắt gặp hôm tết chắc chắn sẽ cải thiện sau khi nhịp sống trở lại bình thường…

 Thiết bị lắp đặt bên trong rất tiện nghi, hiện đại.

Bẵng đi sau tết một thời gian, nhân ngồi chơi với một số người quen, đều là những người siêng đạp xe, đi bộ thể dục. Không gian mà họ yêu thích, thường xuyên chọn lựa là công viên dọc đôi bờ sông Hương. Trong những buổi tập thể dục ở đây, thỉnh thoảng họ ghé qua các WCCC để giải quyết nhu cầu bình thường của con người, và trong những lần như vậy, họ lấy làm bất bình khi thỉnh thoảng mục kích “hiện trường” bên trong: Rất nhiều người không có ý thức, đi tiêu, đi tiểu xong không chịu xả nước; đi không đúng chỗ, không gọn gàng khiến cho khu vệ sinh mới coóng, hiện đại thế kia đôi lúc lại trở nên thiếu…vệ sinh. Lẽ dĩ nhiên, các WCCC đều có nhân viên được giao nhiệm vụ túc trực, dọn dẹp, nhưng không thể nào họ cứ phải kè kè bên người hữu bầu… “tâm sự” để nhắc nhở: đi gọn vào; xả nước kìa; chưa sạch, xả lần nữa!…Thế nên có khi vừa mới dọn xong, ra bên ngoài nghỉ một lát, quay vào thì mọi thứ cứ phải nói là “tọa lọa”. Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái lĩnh vực tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ. Bắt camera giám sát thì ai cho phép; hay là có người canh, ai vừa “giải quyết” ra thì buộc phải dừng lại đã, đợi… kiểm tra xong rồi mới cho đi ?! Đúng là nan giải!

Nghe đâu ở các nước văn minh, người ta có hệ thống cảnh báo, ai đi, nếu “xả” không đúng chỗ, hoặc đi xong quên nhấn nước thì lập tức bị chuông báo động, và bị chặn lại để xử lý ngay. Không rõ có hay không? Nếu có không khéo phải nhập thiết bị ấy mà lắp đặt, dù tốn kém chút, nhưng để “cưỡng bức” tạo ý thức, tạo thói quen văn minh cũng là sự tốn kém cần thiết. Và không chỉ cho các WCCC ở công viên dọc sông Hương, trong thành nội, mà ở các công trình WCCC khác nữa. Ngay như tại sân bay quốc tế Phú Bài, nhà ga T2 mới toanh, tự hào như thế, ngay trước mặt bồn tiểu là một tấm biển xinh xắn với câu slogan kèm lời cảm ơn rất dễ thương “Tiến lên một bước nhỏ- Văn minh một bước lớn”, ý để kêu gọi mọi người khi đi tiểu thì xích tới một tí, cho nó gọn gàng, không vương vãi ra ngoài. Vậy mà đâu mấy người chịu làm theo nên thấy nền nhà bên dưới khi nào cũng loang lỗ; thậm chí có người còn tiện tay ném luôn cả mẩu tàn thuốc vào bồn vệ sinh, thật hết nói.

Báo chí từng loan truyền câu chuyện nhân viên một công ty ở Trung Quốc đã lập tức bị chủ doanh nghiệp sa thải vì đi vệ sinh không chịu xả bồn cầu. Chủ doanh nghiệp lý giải cho quyết định của mình rằng, “những nhân viên như vậy không có phẩm chất cơ bản, không có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình và người khác, từ đó suy ra, họ không thể làm tốt công việc”. Cho nên, ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không riêng với WCCC, mà cả với môi trường sống của cộng đồng, tưởng là chuyện nhỏ mà không hề nhỏ.

Thượng Bích
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm
Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top