ClockThứ Sáu, 13/01/2023 06:16

Điều trị cơ xương khớp mùa lạnh

TTH - Nhiệt độ xuống thấp khiến căn bệnh cơ xương khớp ở người già “trỗi dậy”. Việc điều trị phải nắm rõ nguyên nhân bệnh, các bác sĩ khuyến cáo không nên tin dùng các loại thuốc gia truyền trên mạng. Ngoài ra, cũng cần giữ gìn sức khỏe, tập luyện nhằm tránh tình trạng thoái hóa khớp.

Lần đầu tiên phẫu thuật thay khớp gối thành công cho bệnh nhân bị ung thư xương đùiĐiều trị thoái hóa khớp không dùng thuốcVận động hợp lý để bảo vệ khớp

Khám chữa bệnh - Kéo giãn cột sống thắt lưng cho bệnh nhân giúp phục hồi chức năng hiệu quả

Chị Trương Thị H., 50 tuổi ở Hương Chữ (TX. Hương Trà) bị đau vai gáy khá nặng, những cơn đau lan lên đầu khiến chị chỉ nằm yên một chỗ, vào bệnh viện phải thuê xe ô tô. Sau khi khám và chụp phim kiểm tra, được chỉ định điều trị y học cổ truyền, chị chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền (BVYHCT) tỉnh. Sau 20 ngày điều trị đợt một, nay chị quay trở lại nằm nội trú đợt tiếp theo. Ngoài trồng rau màu, chị còn buôn bán thêm nên công việc lao động khá vất vả. “Gần tết nhất rồi mà bệnh nằm một chỗ, nương vườn không ai chăm, sốt ruột quá. Mong điều trị chóng khỏi để còn về nhà”, chị trải lòng.

Ông Bạch Văn S., gần 70 tuổi ở Nam Đông, đau vai lan xuống tay tê nhức không cử động được, đến nỗi, mỗi khuya đều phải thức dậy xoa bóp. Một nửa cơ thể yếu dần không cử động được, gia đình ông chở tới BVYHCT nhập viện. Ông S. nói: “Cứ tưởng liệt dần, thành gánh nặng cho cháu con. May qua hơn mười ngày điều trị và tập vật lý trị liệu, tôi đã nhúc nhắc đi lại được rồi. Mừng quá!"

Thời điểm này, phòng khám YHCT BV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cũng đón nhiều bệnh nhân đến châm cứu. TS. Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa YHCT cho hay, ở người già, xương khớp không còn linh hoạt, rắn chắc nữa, hệ miễn dịch cũng suy giảm. Trời lạnh, theo quan điểm của YHCT thì những yếu tố phong, hàn, thấp, tác động, xâm nhập vào cơ thể. Dấu hiệu đau cơ xương khớp biểu hiện ban đầu là đau, sưng, nề, nóng... Lúc này, nên đi kiểm tra xem viêm khớp đó thuộc dạng gì, do thoái hóa hay do các bệnh lý về khớp hoặc viêm nhiễm.

Theo các chuyên gia, triệu chứng đau xương khớp mùa lạnh diễn ra nghiêm trọng hơn do lưu thông máu kém. Ở điều kiện nhiệt độ thấp, mạch máu co lại khiến lưu thông máu giảm, từ đó, máu nuôi khớp cùng dịch khớp cũng ít hơn, dễ gây tổn thương sụn, màng hoạt dịch khớp… tạo cảm giác đau nhức khó chịu. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở Việt Nam, độ ẩm cao là yếu tố tác động làm đông hoặc co rút gân cơ khớp. Các khớp khô cứng dẫn tới khó vận động, cơn đau diễn ra nghiêm trọng hơn.

BSCKI. Lê Chí Thuần, Phó Giám đốc BVYHCT tỉnh thông tin, trời lạnh đồng nghĩa với hàn thấp xâm nhập cơ xương khớp gây bế tắc kinh lạc ở người già. Các bệnh này còn liên quan đến hoạt động nghề nghiệp và vận động sai tư thế. Với các dịch vụ châm cứu, hơ huyệt, xông hơi, sóng trị liệu, bó thuốc… tùy theo các triệu chứng, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp điều trị thích hợp. Đồng thời với đó là áp dụng vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Chẳng hạn sau khi châm cứu, thực hiện kéo giãn cột sống thắt lưng cho các bệnh nhân thoái hóa cột sống. “Phương pháp này giải phóng sự chèn ép, giúp giảm đau nhức. Đây được xem là một trong các cách trị liệu phục hồi chức năng hiệu quả”, BS. Lê Bá Phước, BVYHCT tỉnh chia sẻ.

Theo đánh giá, các mặt bệnh phần lớn khi nhập viện được các bác sĩ ghi nhận là là đau lưng, khớp gối, thần kinh tọa, viêm đa khớp mãn tính do thoái hóa… Thời tiết chuyển lạnh, các bệnh này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt. Xác định đúng nguyên nhân của bệnh để điều trị sẽ hiệu quả. Khi vận động hạn chế, khó khăn trong đi lại, người bệnh nên đến các cơ sở y tế kiểm tra. “Sử dụng các miếng dán hay thuốc dán chỉ giải quyết cơn đau tạm thời, không nên lạm dụng”, BS. Thuần cảnh báo.

Không chỉ “tự điều trị” cho mình, việc mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội cũng là mối nguy không kém. Bà Nguyễn Thị L., gần 70 tuổi buôn bán nhỏ lẻ ở Phú Đa (Phú Vang) bị đau chân, thoái hóa đốt sống lưng gần cả tháng qua. Bà kể: “Ban đầu đau nhức, nghe quảng cáo thuốc gia truyền trên mạng, tui nhờ con cháu đặt mua. Sau một thời gian uống, bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn, đi lại khó khăn nên tui bắt xe taxi lên bệnh viện khám, điều trị”.

BSCKI. Hoàng Thị Mỹ Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại phụ, BVYHCT tỉnh bảo rằng, chị phát hiện một số cụ già mang theo thuốc bên ngoài khi đến đây điều trị. “Hỏi thì các cụ bảo mua trên mạng theo quảng cáo bài thuốc dân gian trị bệnh. Ngoài ra có trường hợp tự ý ra tiệm mua thuốc nên có người uống một lần nhiều loại thuốc có thành phần tương tự. Vào đây, chúng tôi dặn người bệnh tạm dừng sử dụng thuốc mang bên ngoài vào; yêu cầu điều trị theo chỉ định của bệnh viện”, BS Mỹ Phương nói thêm.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, với thời tiết mưa lạnh, người lớn tuổi chính khí kém, dễ bị nhiễm phong hàn. Vì vậy, không ra lạnh đột ngột; luôn giữ ấm cho cơ thể. Nên thực hiện chế độ ăn uống ấm, bổ sung gừng, hành, hẹ, ném… vào thực đơn giúp hỗ trợ tiêu hóa và phòng bệnh mùa đông. Người bị viêm khớp thì tăng cường dinh dưỡng cho khớp như: các loại thuốc chức năng bổ sung glucosamine sulfate, thức ăn có nhiều chất vitamin khoáng, các loại nấm… “Giấc ngủ đầy đủ, tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ là yếu tố quan trọng nhất. Bệnh nhân đau khớp nên vận động để tránh thoái hóa khớp, thể dục vận động 15 - 30 phút nhẹ nhàng vừa phải. Nếu lao động mùa này nên mặc áo quần ấm, găng tay, khăn quàng cổ”… TS. Đoàn Văn Minh lưu ý.

Bài, ảnh: Linh Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết

Để đáp ứng nhu cầu điều trị và cấp cứu dịp Tết cho 11 đơn vị y tế của 4 tỉnh, thành, Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai nhiều đợt hiến máu vệ tinh và tăng cường truyền thông.

Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết

TIN MỚI

Return to top